Nằm trên trục đường 30 thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 40km, trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là địa chỉ gắn với con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam…
Tại đây chỉ ít giờ trước lúc giặc Mỹ ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, vào lúc 6 giờ 10 phút ngày 31/10/1968, có 13 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Tiểu đội 2 gồm 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) Truông Bồn trong đó có 13 người đã hi sinh và 1 người còn sống...
Địa danh Truông Bồn đã trở thành bất tử trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta… Con đường dài có 15km, chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968 Không quân Mỹ đã ném 2.692 quả bom, bắn hàng trăm tên lửa gây thiệt hại lớn về phương tiện, vật chất và vũ khí của ta trên đường vận chuyển qua đây chi viện cho chiến trường. Để bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến đường này, hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội Phòng không, bộ đội Công binh Quân khu 4 và Đại đội TNXP 317, 304 đã hi sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ... Một Truông Bồn kiên cường, bất khuất trong những năm bị bom đạn của giặc Mỹ đã đi vào huyền thoại. Tiểu đội thép gồm 12 cô gái và 2 nam quê ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An… được lệnh san lấp hố bom cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng. 6 giờ 10 phút sáng ngày 31/10/1968 công việc sắp hoàn thành thì 3 đợt máy bay giặc Mỹ điên cuồng trút xuống hàng loạt bom, đạn… Hết đợt ném bom của máy bay Mỹ, tiểu đội chỉ còn lại một mình Trần Thị Thông sống sót, còn 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn ra đi khi mới 18, 20 tuổi, trong đó có 7 người không tìm được thi thể, thịt xương của họ đã hòa vào đất Mẹ. Trước đêm cuối cùng đế quốc Mỹ kí hiệp định ngừng ném bom miền Bắc, tiểu đội có 8 người được xét ra quân, người nhận giấy báo nhập vào trường trung cấp, đại học, người chuẩn bị trở về quê hương để làm lễ cưới... Ngày 23/9/2008 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã kí quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ thuộc C317 TNXP Nghệ An trong đó có 13 chiến sĩ đã hi sinh ngày 31/10/1968.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại
Khu mộ chung của 13 thanh niên xung phong. |
Ngày 27/12/2012, tại Truông Bồn, tỉnh Nghệ An đã làm lễ khởi công xây dựng khu Di tích Lịch sử Truông Bồn trên diện tích 19,96ha. Địa điểm xây dựng khu mộ là nơi trước kia làm hầm trú ẩn của TNXP, phía trước là phần khu mộ chính, nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất và cũng là nơi 13 TNXP hi sinh... Nguồn vốn xây dựng công trình chủ yếu từ sự đóng góp của các tổ chức xã hội, cá nhân trong, ngoài nước và ngân sách Nhà nước. Theo chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, hiện đã huy động được trên 100 tỉ đồng đạt 30% kế hoạch. Để bảo đảm tiến độ, công trình đang còn nhiều việc phải tập trung làm. Phần giải phóng mặt bằng đạt kết quả tốt, xã Mỹ Sơn đã lo chu đáo cho nhân dân đến khu tái định cư. Chủ đầu tư cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều ban, ngành từ Trung ương đến địa phương nên công trình thi công khá thuận lợi. đến nay giải phóng được 2,2km mặt đường; khuôn viên Nhà tưởng niệm đã xây xong phần móng. Các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà tả vu, hữu vu; hàng rào bao quanh; bồn hoa, nhà bán hàng, nhà đón tiếp, nhà quản lí, hồ điều hòa cảnh quan và Đài tưởng niệm đã được các đơn vị khởi công… Trong cái nắng hầm hập 39 đến 40 độ C cộng thêm gió phơn thổi như quạt lửa, hàng trăm công nhân các đơn vị nhà thầu, hàng chục xe máy san ủi vẫn làm việc miệt mài, cần mẫn. Kết quả đạt được như hôm nay, trước hết phải nói đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, cụ thể của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Bộ Giao thông Vận tải, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, sự đóng góp vật chất, động viên tinh thần của nhiều đơn vị. Cơ quan Bộ Giao thông Vận tải đã ủng hộ 59,341 tỉ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam ủng hộ 22 tỉ đồng, Ngân hàng BIDV ủng hộ 15 tỉ đồng. Các đơn vị khác như Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4, AGRIBANK Nghệ An, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Bắc Á, Tổng Công ty Bưu chính, Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, mạng Viễn thông Quân đội, Công ty Thanh Thành Đạt, Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Hưng - Tân Nam... cũng đóng góp rất lớn.
|
|
Tượng đài Chiến thắng Truông Bồn. |
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An luôn quan tâm chỉ đạo, hằng tuần dành thời gian nghe chủ đầu tư báo cáo tiến độ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng bên cạnh việc cùng đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì nhiều cuộc họp kêu gọi các đơn vị, các nhà hảo tâm đóng góp, đã nhiều lần đến chỉ đạo dự án và xét cấp vốn làm mới 5km đường rải nhựa trước khu Di tích. Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư, một tuần có mặt 2 đến 3 lần tại Truông Bồn kiểm tra, đôn đốc công việc, giám sát công trình. Mặc dù hiện nay còn khó khăn về vốn nhưng chủ đầu tư dự án và các nhà thầu vẫn quyết tâm bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng công trình lịch sử này.
Công trình xây dựng khu Di tích Truông Bồn là biểu tượng của lòng tri ân không chỉ của người dân Nghệ An mà của nhân dân cả nước đối với sự hi sinh bất diệt của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, sẽ trường tồn mãi với quê hương đất nước.