Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Võ Quí Huân, người kỹ sư nặng tình non nước Võ Quí Huân, người kỹ sư nặng tình non nước , Người xứ Nghệ Kiev
 
Kĩ sư Võ Quí Huân (1912 - 1967).
 
 
 
 
 
 
Sau 3 năm học ở Pháp, Võ Quý Huân tốt nghiệp liền ba trường đại học kĩ thuật, đó không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam vì chính người Pháp đỗ một lúc hai bằng kĩ sư đã là điều hiếm có. Người con Xô Viết Nghệ Tĩnh này đã cống hiến niềm say mê, miệt mài và tất cả nghĩa tình cho quê hương đất nước.
 

Tháng 10/2011, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày các trí thức Việt kiều từ Pháp theo Bác Hồ về nước phục vụ kháng chiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng kỹ sư, nhà giáo Võ Quí Huân Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đầu tháng 11/2011, tại Hội thảo - Tưởng niệm Võ Quí Huân - người kỹ sư nặng tình non nước, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã trao tặng gia đình kỹ sư Võ Quí Huân câu đối: “Rực sáng tinh hoa dòng họ Vũ/ Trải dài công trạng dưới trời Nam”.

Dòng máu Cách mạng từ quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh

Ông Võ Quí Huân sinh ngày 7/11/1912 tại xã Thanh Tùng huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Vùng quê ấy được hun đúc bởi khí thiêng sông Lam núi Hồng, cái nôi của phong trào Văn Thân và Cần Vương chống Pháp.

Vừa vào tuổi thành niên, Võ Quí Huân đã được thấy tấm gương các bậc đàn anh như Tôn Quang Phiệt ở làng Võ Liệt (xã Võ Liệt), Đặng Thai Mai ở làng Lương Điền (xã Thanh Xuân) và Nguyễn Sĩ Sách ở làng Tú Viên (xã Thanh Lương), cùng huyện Thanh Chương, đều là những trí thức trẻ tuổi yêu nước sớm tham gia sáng lập hoặc lãnh đạo các tổ chức yêu nước như Hội Hưng Nam, Hội Phục Việt rồi Tân Việt Cách mạng Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam…

Năm 1937, Võ Quí Huân tham gia phong trào Mặt trận Bình dân. Ông làm Giám đốc cùng với Nguyễn Đức Minh làm Quản lí tờ báo “Đông Dương hoạt động” (có phụ đề “L’activité Indochinoise”) xuất bản hàng tuần vào ngày thứ tư, được in bằng ba thứ tiếng là Việt – Hán – Pháp ngữ, trụ sở tòa soạn đặt tại số 41 đại lộ Destenay, thành phố Vinh (Nghệ An).

Tham gia viết báo cùng ông còn có các ông Lê Văn Chất (sau này là luật sư, Chánh án các Tòa án Quân sự trong kháng chiến chống Pháp), Huỳnh Tấn Phát (sau này là luật sư, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ). Số báo đầu tiên của tờ “Đông Dương hoạt động” ra ngày 6/1/1937 thì đến số 10 ra ngày 7/4/1937 đã là số cuối cùng vì bị chính quyền thực dân rút giấy phép hoạt động và buộc phải đình bản, đóng cửa tòa báo.

Ngày 31/5/1937, Võ Quí Huân phải trốn sang Pháp, theo học các ngành kĩ thuật và chỉ ba năm sau ông tốt nghiệp ba trường đại học kĩ thuật tại Pháp là Kĩ sư Cơ điện, Kĩ sư Đúc -  Luyện kim và Kĩ sư Kĩ nghệ chuyên nghiệp. Đặc biệt là cùng một thời điểm ông lấy hai bằng kĩ sư. Điều đó khiến cho cô Vo Qui Viet Nga (Võ Quí Việt Nga), con gái đầu của ông hiện sinh sống tại Pháp, rất tự hào. Vì ngay chính người Pháp đỗ một lúc hai bằng kĩ sư là điều hiếm có, trong khi đó ông Võ Quí Huân lại là người Việt Nam mới sang Pháp học… Sau đó, ông làm việc cho hãng tàu thủy Compagnie Transatlantique (Pháp) và một số nhà máy lớn. Ông cũng là kĩ sư trưởng tại Nhà máy nghiên cứu sản xuất động cơ máy bay Potef…

Ở Võ Quí Huân có lẽ dòng máu Xô viết Nghệ Tĩnh luôn sôi sục trong người, thấy cảnh ngang trái bất bình là phải đấu tranh nên vừa sang Pháp ông đã tham gia Tổng Công đoàn Pháp (CGT), trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp từ tháng 7/1939. Năm 1942, ông là Phó Chủ tịch Hội Ái hữu kiều bào tại Paris.

Nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng với kiều bào (là đảng viên Cộng sản Pháp) thành lập ra “Việt Nam đồng chí Hội” rồi ông làm thư kí cho Hội Pháp - Việt do họa sĩ kiêm nhà thiết kế Francis Jourdain (1876 – 1958)  - một chính trị gia nổi tiếng của Pháp lúc bấy giờ, bạn hữu của các văn hào trong Đảng Cộng sản Pháp như Paul Vaillant Couturier, Aragon, Andre Gide,… - là Tổng thư kí và Hội Việt-Pháp hữu nghị.

Hội Việt - Pháp hữu nghị có nhiều nhà trí thức lớn của Việt Nam tại Pháp tham gia như Thạc sĩ Triết học Trần Đức Thảo, Kĩ sư Lê Viết Hường, Kĩ sư Nguyễn Hy Hiền (tức Lê Tâm)… là những người bạn thân của Võ Quí Huân, về sau họ cũng bí mật về Việt Nam tham gia kháng chiến và kiến thiết đất nước.

Hồi 21h ngày 8/5/1946, Phái đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Pháp đã được Việt kiều tại Paris mời tiệc trà thân mật và vui vẻ. Ông Võ Quí Huân cho Phái đoàn xem những thước phim do ông đã quay về cuộc tiếp đón đoàn tại trường bay và cuộc họp báo chí.

Ba ngày sau, ngày 11/5/1946, ông Võ Quí Huân kí tên vào Bản kiến nghị của 121 nhà trí thức, văn nghệ sĩ đa số là Việt kiều tại Paris ủng hộ Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm hữu nghị chính thức nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, ông Võ Quí Huân là người trực tiếp tổ chức thành lập các tổ chức chính trị, xã hội nghênh đón Người đến Paris và làm hậu thuẫn, ủng hộ cho việc đàm phán của phái đoàn Chính phủ sang dự Hội nghị Fontainebleau. Bà con Việt kiều thời ấy kể lại, với máy quay phim trên tay, ông Võ Quí Huân thoăn thoắt như con thoi, lia máy chớp lấy nhiều khoảnh khắc quý giá về Hồ Chủ tịch.

Chính vì rất tích cực hoạt động trong số kiều bào ở Pháp nên sau lời tiến cử của ông Tạ Quang Bửu và lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng đã chọn ông Võ Quí Huân tham gia làm thư kí giúp việc cho Phái đoàn.

Ngày 16/9/1946, chuyến tàu hỏa đặc biệt, có hai toa dành riêng, đưa Hồ Chủ tịch và sáu nhà trí thức tháp tùng: Thư kí Đỗ Đình Thiện (nhà tư sản yêu nước, đảng viên Cộng sản Pháp), Đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh, cùng bốn trí thức Việt kiều là Bác sĩ Trần Hữu Tước, Kĩ sư Mỏ - Luyện kim Võ Đình Quỳnh, Kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) và Kĩ sư Đúc - Luyện kim Võ Quí Huân, rời Paris xuôi về phía Nam để lên tàu về nước.

Bỏ lại sau lưng bao vinh hoa phú quý đang chờ đợi, bỏ lại bản Luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Sorbonne Paris chỉ còn một năm nữa là bảo vệ, điều đau đớn hơn nữa của ông Võ Quí Huân còn vì đền nợ nước mà dứt tình nhà, để lại người vợ trẻ và con gái Võ Quí Việt Nga mới lên 2 tuổi…

Người góp phần đặt nền móng cho nền công nghiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Suốt một tháng lênh đênh trên biển, Thông báo hạm Dumont d’Urville của Hải quân Pháp cập bến Hải Phòng. Đồng bào hân hoan ra chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thượng lộ bình an trở về cùng với những nhà khoa học siêu việt.

Trở về đất mẹ sau mười năm xa cách, Kĩ sư Võ Quí Huân được giao nhiệm vụ làm Chánh Văn phòng Bộ Kinh tế (6/11/1946), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 5/1947), Giám đốc Sở Khoáng kĩ nghệ Liên khu IV, Tổng thư kí Hội đồng Sản xuất Kĩ nghệ Liên khu IV, Trưởng ban Kĩ thuật – Cục Quân giới – Bộ Quốc phòng (năm 1950), Vụ trưởng Vụ Kĩ thuật – Bộ Công nghiệp nặng...

Trong cuộc kháng chiến trường ký ấy, vượt qua bao khó khăn, ông là người trực tiếp “ba cùng” với anh em. Có trong tay ba bằng kĩ sư Cơ điện, Đúc – Luyện kim và Kĩ nghệ chuyên nghiệp, ông Võ Quí Huân là người đặt nền móng đầu tiên cho nền công nghiệp Việt Nam. Không chỉ làm công nghiệp, ông tham gia thiết kế và chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp và cho cả kinh tế…

Còn nhớ, ngày 19/12/1946 – toàn quốc kháng chiến. Võ Quí Huân chỉ huy sơ tán 2 nhà máy Xe lửa Tràng Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía Tây. Các nhà máy Kinh tế 1, 2, 3 cùng trường Cán bộ kỹ thuật Trung Bộ lần lượt được thành lập. Tại Nhà máy Kinh tế 3 đã xây dựng lò cao sản xuất gang đầu tiên, phục vụ kháng chiến, sau này gọi là Nhà máy Kim khí kháng chiến (gọi tắt 3KC) do Võ Quí Huân làm Giám đốc kiêm “tổng công trình sư” thiết kế lò cao 3KC1.

Mày mò, thử nghiệm với sự cộng tác của các cộng sự, chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên - từ quặng sắt Vân Trì, Nghi Lộc, Nghệ An đã được nhiệt luyện, nóng chảy trong lò cao 450 lít (cao 2,4m, nhiệt độ lò: 400 độ C, áp lực gió 400 mm cột nước). Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân nhà máy cùng bà con Cầu Đất, Con Cuông, Nghệ An. Bà con dắt ngay con bò mộng tặng, giết thịt ăn mừng những thỏi gang đầu tiên. Võ Quí Huân lặng đi vì vui mừng khôn xiết…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Cao Viết Sinh, Thứ  trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Nhà nước truy tặng kỹ sư Võ Quí Huân cho bà Tạ Kim Khanh, người bạn đời của ông (7/11/2011). Ảnh: Duy Hiển

 

Với tầm nhìn chiến lược của nhà khoa học, Kĩ sư Võ Quí Huân đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ nghiên cứu ngay trong kháng chiến, để rồi ngay dưới bom đạn thực dân, nền công nghiệp non trẻ của nước ta đã có một lực lượng cán bộ khoa học trẻ đủ sức đảm đương công việc và trở thành đội ngũ kế cận có thể tiếp tục sự nghiệp các bậc thầy và các bậc đàn anh đi trước như: Lê Huy Yêm, Hà Học Trạc, Hoàng Bình, Thái Duy Thẩm, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hựu, Nguyễn Thái Đồng, Phan Cầu…

Trở về Hà Nội sau chín năm kháng chiến, Đảng và Chính phủ chủ trương thành lập Trường Kĩ thuật Trung cấp I Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và nhiều trường Kĩ thuật khác như Đại học Điện lực…) để đào tạo lớp cán bộ kĩ thuật mới. Ông Võ Quí Huân được giao trọng trách là Hiệu trưởng đầu tiên.

Dù khó khăn chồng chất, nhưng với tâm huyết và nỗ lực không biết mệt mỏi, ông đã đào tạo rất nhiều học trò thành tài về sau này như ông Trần Lum - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; ông Lại Văn Cử – nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Kĩ sư Lê Ba - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực; ông Đỗ Gia Phan - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; nhà kinh tế Đặng Duy Phúc - nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội…

Có thể nói Kĩ sư – Nhà giáo Võ Quí Huân là ông tổ của ngành đúc luyện kim Việt Nam.

Niềm tự hào của giới trí thức

Cuộc đời một người trí thức đang ở kinh đô văn hóa thế giới là thủ đô Paris của nước Pháp với những điều kiện vật chất và tinh thần dư dả cùng bao vinh hoa chờ đợi trước mắt, vậy mà ông về nước chịu đựng gian khổ trong kháng chiến. Con người và tâm hồn ông đều đồng nhất phục vụ kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Hòa bình lập lại nhưng một nửa đất nước còn chia cắt. Những năm tháng khôi phục kinh tế chưa được bao lâu thì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, nhân dân lại gặp khó khăn về mọi mặt. Không ngại khó khăn gian khổ, ông chuyên tâm làm việc đến quên cả những thay đổi xung quanh mình. Trong lần gặp gỡ, thấy vị Hiệu trưởng Trường Kĩ thuật Trung cấp I Hà Nội mà ăn mặc quá xuềnh xoàng và giản dị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng ông bộ complet tươm tất. Khi ông mất, bộ complet này đã được gia đình khâm liệm theo ông.

Nhớ về người cha kính yêu của mình, chị Võ Quí Hòa Bình, con gái kỹ sư Võ Quí Huân tâm sự: “Cả đời say sưa với chuyên môn và làm việc miệt mài, cha tôi có hai niềm tự hào. Thứ nhất là cha tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về nước nên ông muốn chứng tỏ rằng Người không uổng công khi đưa ông về. Niềm tự hào thứ hai của cha tôi là cùng quê hương với Hồ Chủ tịch. Người như tấm gương lớn để mình noi theo. Vì vậy, cha tôi không bao giờ làm điều gì để phải hổ thẹn với người đã đưa ông về phụng sự đất nước.

Trước giờ phút lâm chung, cha tôi còn dặn lại các con: Phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với nhân dân, với Bác Hồ... Sau khi mấp máy môi nói: Hồ Chủ tịch muôn năm! cha tôi trút hơi thở cuối cùng trong bao nỗi tiếc thương của gia đình, bạn bè, đồng chí, học trò…”


Hồng Thái - Kiều Khải


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 10
Total: 66022961

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July