Mặc dù đã sống 26 năm ở Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vẫn rất Việt Nam, đặc biệt rất "Nghệ". Chúng tôi thường gọi đùa ông là Thầy đồ Nghệ, ông cười mà chấp nhận. Thầy đồ Nghệ lại là một nhà báo viết tiếng Pháp cự phách.
Nguyễn Khắc Viện.
BS. Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) viết cho nhiều tờ báo ở trong và ngoài nước, tiếng Việt và tiếng Pháp. Để hiểu rõ và đánh giá hoạt động báo chí cũng như các hoạt động khác của ông như chính trị, khoa học xã hội, tâm lý học, tâm lý trị liệu, văn học, giáo dục, thể thao….. cần biết nhân cách, tư duy và lý tưởng của ông.
Như ông nhận định mình: "Đạo lý là Nho, học thức là khoa học thực nhiệm, kết tinh vào học thuyết Mác…. Đóng góp phần mình cho cuộc đấu tranh đất nước, xây dựng dân chủ, khoa học, nhân văn là ba bước đường tôi đã chọn".
Báo chí cũng là công cụ để Nguyễn Khắc Viện thực hiện những nguyên tắc trên.
Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, ta có hàng nghìn nhà báo đối nội. Khó mà khẳng định ai là nhà báo xuất sắc nhất. Nhưng chắc nhiều người đồng tình là về báo chí đối ngoại, phải xếp Nguyễn Khắc Viện vào hàng đầu - báo ngoại ngữ ta không nhiều, nhà báo viết ngoại ngữ càng ít. Đây cũng là ý kiến các tác giả nước ngoài, đặc biệt ở phương Tây như giáo sư sử học David Marr, hiện đang dạy tại Trường Đại học quốc gia Australia (ANU), tác giả cuốn sử học uyên thâm Vietnam 1945: The Quest for Power, nhận xét: "Có lẽ BS. Nguyễn Khắc Viện là người duy nhất có thể giải thích về Việt Nam cho các độc giả phương Tây". Tiến sĩ mỹ học người Đức Guenter Giesenfeld, người đã từng dịch cuốn "Vietnam, a long history" của BS Nguyễn Khắc Viện sang tiếng Đức cho biết: "Khi chúng tôi ở châu Âu và châu Mỹ phản đối chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, thì sách và bài báo của ông Viện là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng". Nhà sử học Pháp Charles Fourniau khi còn sống, coi ông Viện là "bậc thầy" dẫn dắt và giải thích các vấn đề Việt Nam rất minh bạch cho công chúng Pháp.
Theo ý kiến anh Viện, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, việc tranh thủ dư luận phương Tây phải là ưu tiên số một. Nước ta qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, rất nghèo. Nên ra báo tiếng Trung, tiếng Hoa ít thôi vì Xô - Trung là bạn. Cái chính là phải ra báo tiếng Pháp, tiếng Anh để đánh vào hậu phương của Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng phương Tây. Về phương diện chiến lược, báo chí ta không nhằm đối tượng công-nông vì xuất một tờ báo sang phương Tây lúc đó vừa khó khăn, vừa tốn kém. Vậy chỉ nên in số lượng vừa phải, các sứ quán ta phát hành đối tượng hẹp - là những chính khách, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà nghiên cứu để thuyết phục họ. Họ sẽ phát triển lập trường của ta trong sách báo nước họ, như vậy là một thể tái xuất mở rộng, hiệu quả nhiều và ít tốn tiền.
Năm 1963, Nguyễn Khắc Viện bị trục xuất vì lãnh đạo phong trào đấu tranh của Việt kiều yêu nước tại Pháp. Trước năm đó, báo chí đối ngoại Việt Nam mờ nhạt và quan niệm sách báo đối ngoại của ta còn ấu trĩ, Thí dụ, một cán bộ Ban Tuyên huấn xuống chỉ thị cho biên tập viên tòa soạn tạp chí Anh - Pháp - Quốc tế ngữ Le Vietnam en marche (VNEM): không cần biên soạn nhiều làm gì, chỉ cần dịch báo Nhân Dân, các bài phát biểu của các vị lãnh đạo. Quan niệm làm báo thời đó sơ lược, chính trị hóa một cách ngây thơ, không phân biệt đối tượng trong và ngoài nước. Các biên tập viên VNEM kể cả Việt kiều, là trí thức được đào tạo thời Pháp đã tránh được những quan niệm ấy, nhưng ông Nguyễn Khắc Viện có kinh nhiệm làm báo ở Pháp là người đề ra một cách hợp lý một số nguyên tắc viết sách báo đối ngoại.
Ở Pháp về, ông được giao nhiệm vụ phụ trách sách báo đối ngoại, ngoài khối của Thông tấn xã Việt Nam. Việc đầu tiên, ông phải tổ chức bộ máy. Ông sáng lập tạp chí Pháp - Anh Etudes Vietnamiennes - Vietnam Studies (EV-SV - Nghiên cứu VN), gắn với báo hàng ngày Pháp - Anh Le Courrier du Vietnam (CV) và Nhà xuất bản Ngoại văn (NXBNV) thành một đơn vị tác chiến tổng hợp: CV có nhiệm vụ thông tin kịp thời (bộ binh), NXBNV đi sâu vào từng vấn đề (pháo binh), EV-SV nghiên cứu và bình luận khá sâu những vấn đề cơ bản và thời cuộc (vừa là pháo binh và bộ binh). Về vấn đề cán bộ, cần "tinh" hơn "đa": trong số hơn trăm cán bộ ba cơ quan, ông chỉ giữ hai phần ba, những người viết được hay ít nhất, đọc thông ngoại ngữ. Số còn lại chuyển sang công tác khác. Một việc làm dũng cảm vào lúc đó.
Có bộ máy, cần thống nhất phương pháp viết sách báo đối ngoại. Chúng tôi cũng có ít nhiều kinh nhiệm, nhưng kinh nhiệm của một nhà báo ở Paris như ông Viện thật thiết thực và hiệu quả. Viết cho đối tượng nước ngoài khác trong nước; đặc biệt cần hiểu đối tượng bên Tây vì vào thời toàn cầu hóa, ảnh hưởng phương Tây (nhất là qua tiếng Anh bá chủ) rất lớn. Do hiểu tâm lý và văn hóa phương Tây, nên những bài báo của ông Viện "đánh rất trúng". Ông Viện đã khéo kết hợp các nhận xét tinh tế, các suy nghĩ của bản thân với cách phân tích sâu sắc. Vì trước hết, ông đã hiểu rõ về phương Tây như chính nước mình nên đã có cả một kho vô tận những dẫn chứng đối chiếu để độc giả nước ngoài dễ hiểu hơn các sự kiện Việt Nam. TS. Đức Giesenfeld cho là Nguyễn Khắc Viện đưa ra "những tài liệu vô cùng quan trọng để biết người Việt Nam suy nghĩ thế nào…. Ông là cây cầu nối hai thế giới Đông - Tây".
Ông Hoàng Tùng, khi làm Ban Tuyên huấn, cũng thường đọc bài tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện, nhận xét: "Phương pháp của BS. Viện là thông qua các nhà tri thức ở các nước tác động đến hai loại người: giới cầm quyền và quần chúng. Ông rất sở trường về phong cách văn chương do biết linh hoạt với từng thể loại: chính trị, văn hóa, y học,… và không bao giờ theo kiểu văn thơ tuyên truyền, ông nói và viết theo từng đối tượng".
Nội dung phong phú, hợp đối tượng chưa đủ tạo ra một bài báo đối ngoại, còn cần một ngoại ngữ tinh túy như người nước ngoài. GS và nhà văn Pháp Gillon bảo tôi là BS. Viện biết những ngõ ngách của tiếng Pháp hơn người Pháp. Không lạ gì khi Viện Hàn lâm Pháp đã tặng ông Giải thưởng Lớn Pháp ngữ.
Trong suốt giai đoạn chống Mỹ, tạp chí EV-SV góp phần cùng các phương tiện tuyên truyền đối ngoại của ta tranh thủ sự ủng hộ tích cực của nhân dân phương Tây, khiến cho sau Tết Mậu thân, Mỹ phải ký Hiệp định Paris 1973, một phần do áp lực của dư luận Mỹ. Sau khi hòa bình lập lại, BS. Viện rút lui khỏi tuyên truyền đối ngoại, chuyên viết tiếng Việt về mấy trọng tâm khác mà ông cho là có thể giúp ích nhiều hơn: tâm lý trẻ em, dinh dưỡng, đá cầu truyền thống. Ông trao lại cho chúng tôi nhiệm vụ tiếp tục EV-SV. Năm 2013, EV đã được 50 tuổi, ra được hơn 180 số. Mặc dù do kinh tế thị trường, EV-SV không có đủ điều kiện phát triển, nhưng các độc giả nước ngoài tìm hiểu Việt Nam vẫn trân trọng EV-SV.