Khi tôi về Viện Văn học năm 1984 thì ông đã ở đó, làm Viện trưởng. Tôi về Viện lại chẳng trực tiếp qua ông, mà qua ông Viện phó là nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc. Giáo sư Phong Lê hồi đó đang là Trưởng ban Văn học Việt Nam hiện đại của Viện đồng ý nhận tôi qua sự giới thiệu của bạn bè và tận tình chuẩn bị chu đáo cho tôi trình diện ông Phúc, Viện phó phụ trách các phòng ban chuyên về văn học Việt Nam. Mãi sau này tôi mới biết nhà thơ Hoàng Trung Thông được điều từ Ban tuyên huấn trung ương với cương vị Vụ trưởng Vụ văn nghệ về làm Viện trưởng Viện Văn học từ năm 1975 trong hoàn cảnh Viện thiếu trưởng thừa phó. Chẳng là sau khi Viện trưởng sáng lập Đặng Thai Mai thôi chức, ba Viện phó là Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nguyễn Minh Tấn không đoàn kết được để có thể chọn một người làm trưởng, nên cấp trên đã cử ông Thông về. Người ta nói vui là ông Thông về Viện Văn khi đó để “dẹp loạn sứ quân”. Vậy là vào năm thứ mười ông Thông ở Viện Văn học làm Viện trưởng thì tôi mới bước chân về cơ quan đó. Thực tình tôi không nhớ gì lắm về ông ở các cuộc họp Viện hay các sự kiện “quan phương” mà ông có mặt, có thể là do tâm thế lính mới, dù có kinh qua môi trường quân đội thì vẫn là lính tò te ở môi trường khoa học, nên trước một nhân vật tên tuổi và chức vụ như vậy thì vẫn là có khoảng cách xa. Kỷ niệm tôi có với ông là vài lần ông bước ra cổng Viện 20 Lý Thái Tổ chợt bắt gặp tôi ông kéo đi luôn cùng ông ra quán cà phê Lâm “toét” ở 60 Nguyễn Hữu Huân. Quán cà phê ấy từ lâu đã nổi tiếng vì thời bao cấp, chiến tranh, nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ nổi danh, đã từng đến uống và uống chịu, trả tiền bằng tranh, thành ra ông chủ quán trở thành một nhà sưu tầm ngẫu nhiên, sở hữu trong tay nhiều tác phẩm của các bậc danh họa Việt Nam. Một lần ông Thông kéo tôi đi và bảo: ra quán, bác cho Nguyên xem đôi chó đá mà bác đã tặng cho ông Lâm. Tới quán, ông đưa tôi vào phòng trong của ông Lâm và bảo chủ nhà: đôi chó đá tôi tặng ông đâu rồi, lấy ra cho thằng Nguyên xem cái. Lần khác, trên đường ra quán, ông vừa đi vừa đố tôi hai chữ “một hai” trong câu Kiều “Đến bây giờ mới thấy đây / Mà lòng đã chắc những ngày một hai” nghĩa là gì. Tôi chịu. Ông giải: “một hai” đây là những ngày mới lên một lên hai, nghĩa là đã có duyên tình, ân nghĩa với nhau từ lúc bé, từ khi mới chập chững, nghĩa là cái duyên trời định, duyên sẵn. Lại một lần khác, ông bảo cái tên truyện “Tình yêu cuộc sống” (Love of life) của Jack London dịch thế là không hay. Nên dịch là “lòng yêu” thì đúng hơn. Trong tiếng Việt hai tiếng “tình yêu” như đã mặc định chỉ tình cảm lứa đôi, còn “lòng yêu” thì rộng hơn, bao trùm hơn, như lòng yêu nước, lòng yêu quê hương, lòng yêu cha mẹ. Tự nhiên mà thế, ông dạy cho tôi những bài học tiếng Việt một cách không định trước, chỉ là trên một quãng đường từ trụ sở cơ quan ra quán nước. Nhưng chúng ngấm vào tôi, giúp tôi cẩn thận, chăm chút hơn với tiếng mẹ đẻ, cả khi viết và khi dịch.
Thuở nhỏ tôi chỉ biết ông qua ba bài thơ có trong sách học. Đó là các bài: “Bài ca vỡ đất”, “Bao giờ trở lại” và “Anh chủ nhiệm” in trong sách giáo khoa văn hệ mười năm. Riêng “Bài ca vỡ đất”, tôi nhớ là khi dạy nó, hình như là hồi lớp bốn, thầy giáo đã dàn dựng thành một hoạt cảnh và tôi đã được chỉ định một vai trong đó, bước lên trước lớp đọc một đoạn thơ trong bài và làm mấy động tác được thầy hướng dẫn mô tả động tác người thợ rừng cuốc đất. Thơ ông, tôi thuộc không nhiều, mặc dù tôi là người có trí nhớ tốt, hay thuộc thơ. Ngoài ba bài vừa nói có học nên có thuộc, tôi chỉ còn nhớ một khổ trong bài “”Đọc thơ Bác” (“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp / Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh / Vần thơ của Bác vần thơ thép / Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”) vì là đề thi văn hay ra. Sau này tôi còn thích nhớ một đoạn thơ trong bài thơ của nhà thơ Hy Lạp Ludemit ca ngợi Việt Nam ông dịch từ tiếng Pháp: “Khi con tàu lao về phía trước / Trái tim tôi trôi ngược trở về sau / Sẽ có ngày tôi đến tìm trái tim tôi trở lại / Việt Nam ơi chào nhé, thôi chào”. Dịch được cái ý hay của thơ nước ngoài thành ra câu hay trong thơ Việt như thế kể cũng là tài. Đó cũng là bài học tôi nhận được từ ông cho việc dịch văn chương.
Nói tới ông Thông người ta hay nhắc đến rượu. Có lẽ lúc đầu rượu đối với ông đi liền với thơ như là hai phẩm chất tính cách của kiểu thi nhân đời trước mà ông có trong cốt cách. Nhưng về sau, nhất là đoạn cuối đời, rượu có thể chỉ còn là một cách ông giải sầu. Sầu gì? Sầu nhân thế. Sầu thời thế. Dịp ông mất, trong các bài viết tưởng nhớ, nhiều người đã nói đến chuyện này, tuy là đều như một phỏng đoán, một nghi vấn. Nói chuyện này rõ nhất là một bạn thơ thân của ông, nhà thơ Chế Lan Viên. Trong bài thơ thuộc loại hay nhất của thơ Chế và cũng là hay nhất của những bài viết về Hoàng Trung Thông, Chế đã nói hộ bạn mình nguyên nhân say: Tôi biết ông có lắm nỗi buồn sâu / Nên ông uống rượu. Cuối bài thơ, sau khi làm lời vợ mình khuyên ông bạn uống ít rồi bỏ rượu, Chế giật mình thương bạn: Tôi lặp lại như vẹt các lời phu nhân tôi dặn / Bỗng ngập ngừng thấy gay / Kìa đầu Thông bây giờ bạc trắng / Thay vào rượu giải sầu, ta tính sao đây? Quả là có cả một nỗi niềm sâu kín trong rượu ông Thông uống lúc cuối đời. Chính ông đã làm một bài tứ tuyệt để bộc bạch:
Tôi muốn uống rượu trong
Lại phải uống rượu đục
Chao! Sông cũng như người
Có khúc và có lúc.
Đó là cái sầu nhân thế. Sông có khúc, người có lúc. Ông đã có lúc nặng lời ghê gớm khi viết: “Các luận điệu của Tờ-rốt-sky, của Trương Tửu và Nguyễn Hữu Đang, dù có trá hình xảo quyệt, dù có nấp sau các ý kiến của Lê-nin vẫn không lừa dối được ai. Dù nhóm Nhân văn Giai phẩm có man trá đặt vấn đề “Ai viết người nấy chịu trách nhiệm” chúng ta cũng thừa biết trừ một số rất ít người cộng tác chưa có ý thức rõ rệt, còn hầu hết là cùng hội cùng thuyền, một đồng một cốt, quá khứ và hiện tại thối nát khác nhau, “lương tâm” phản phúc và “điệu tâm hồn” độc địa giống nhau, cùng câu kết chặt chẽ với nhau, chung một âm mưu thâm độc với nhau, cùng theo một tư tưởng chính trị thống nhất do bọn “trùm” vạch ra: chống Đảng ta, bằng những luận điệu và phương pháp hoạt động mà bè lũ tờ-rốt-skít xưa nay vẫn quen dùng. Những luận điệu tờ-rốt-skít đó trước tiên là ở Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo nhưng nó dần dần là luận điệu của cả công ty”[1]. Mười bốn năm sau ngày ông mất, bốn người trong “công ty” ấy (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán) đã được Chủ tịch nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). Ông sống thêm được chừng ấy năm nữa thì chắc sầu nhân thế còn nặng nề, day dứt hơn.
Còn sầu thời thế: tôi nghe nói cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 do phía Trung Quốc phát động chống lại Việt Nam đã gây ra một sự đổ vỡ lớn trong tâm tư ông. Cố nhiên, là một người dân Việt Nam ông chống lại kẻ xâm lược nước mình. Ở cương vị Viện trưởng Viện Văn học khi đó ông còn là chủ biên công trìnhVăn học Việt Nam trên chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược để nêu bật truyền thống quật cường chống ngoại xâm phương Bắc của nước nhà. Nhưng ở tư cách một nhà thơ yêu thích và thấu hiểu văn học cổ Trung Hoa, một người đã từng dịch và viết rất thấu đáo, xúc động về Đỗ Phủ, Lục Du, sự đổ vỡ trong ông hẳn là một sự đổ vỡ văn hóa. Dù đã từng là một cán bộ làm quản lý văn nghệ, làm tuyên huấn nhiều năm, ông cũng khó chấp nhận được sự thực này, khó lý giải được vì sao có sự phản bội từ phía bên kia và có sự đứt gãy trong quan hệ hai nước. Buồn và đau thế thái nhân tình, ông đem dìm cả vào rượu uống say để quên. Tập thơ cuối cùng của ông mang tên “Mời trăng” (1992), trong cái bài lấy tên chung cho cả tập đó ông đề tặng Xuân Diệu có bốn câu như một nỗi lòng gửi lại người đời, vì có ngờ đâu chỉ mấy tháng sau khi sách ra là ông mất.
Một mình ta mời trăng mời bạn
Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm
Bạn uống rượu lòng ta không thể chán
Ta thương ta, thương người xa thương thầm.
Nguyễn Lương Ngọc đã khóc ông thật sâu và hay, “người đã khuất vào trăng, người không khuất vào người”.
Viết đến đây tôi không đừng được để nhắc đến một truyện ngắn của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Sinh thời ông ít ai biết ông có viết văn xuôi. Nhưng thực là ông có mấy truyện ngắn đậm nét cuộc sống riêng, trong đó cái truyện “Con chó đá” của ông thì ngắn gọn, súc tích và sâu sắc. Truyện kể thời sơ tán về nông thôn, ông thường thích ngắm nhìn tượng một con chó đá chôn trước cổng một nhà dân. “Tôi nhìn con chó đá với một con mắt thẩm mỹ. Tôi thích nó, yêu và coi nó như một vật sống, như một người bạn thân”. Thấy ông thân thiết với con chó đá như vậy, lũ trẻ làng tìm cách đào trộm cho ông, mặc ông ngăn cản. Nhưng chúng không đào được vì khi đang đào con chó đá thì con chó thật trong nhà xông ra sủa, cắn. Truyện kết bằng hai câu thoại: một đứa trẻ nói – Con chó đá hiền hơn con chó thật; nhân vật mang tên ông Thông nói – Nhưng con chó thật biết thương con chó đá hơn. Từ nay các cháu đừng làm thế nữa nghe. Câu chuyện có thể là có thực của tác giả, cũng có thể ông hư cấu thêm vài chi tiết, nhưng thành ra một truyện ngắn thì rất thấm thía nhân văn. Truyện viết cho thiếu nhi, chuyện về con chó đá, nhưng cũng là để nói cuộc đời, nói người với người.
Tôi có một bài hỏi chuyện ông tháng 6/1991. Năm đó có đại hội đảng VII, một tờ báo mà giờ tôi cũng không nhớ là báo nào đã đặt tôi hỏi chuyện nhà thơ Hoàng Trung Thông quanh chuyện quản lý văn hóa văn nghệ. Tôi nhận lời và đã có cuộc chuyện trò với nhà thơ. Khi tôi đưa bản thảo bài viết, ông đã có sửa chữa, thêm bớt, và tôi gửi cho báo. Nhưng đến giờ tôi cũng không rõ là tờ báo đó có in không mà tôi không có bản nào. Nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày mất này của ông, tôi xin dẫn lại đây toàn bài hỏi chuyện, cả những chỗ ông sửa chữa để, thứ nhất, cùng ông nhớ lại một số vụ việc văn chương thời đã qua; thứ hai, cùng ông ngẫm lại chuyện quản lý văn chương; và thứ ba, biết mạch ông nghĩ khi nói ra và viết lên cách đây hơn hai chục năm.
Đời, và thơ, và rượu
(Hỏi chuyện nhà thơ Hoàng Trung Thông)
Bây giờ ông đã về hưu, sống ở Hà Nội. Bây giờ ông chỉ là nhà thơ như bao người đọc hằng biết hằng nhớ. Vâng, cái danh hiệu nhà thơ sẽ còn lại mãi với tên ông trong văn học nước nhà. Nhưng có một thời ông đã là Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ, Vụ trưởng Vụ văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn trung ương, Viện trưởng Viện Văn học và tổng biên tập Tạp Chí Văn Học. Ở ông còn ghi dấu nhiều sự kiện văn nghệ của những năm tháng ấy. Nhân đại hội Đảng lần thứ VII tôi tìm gặp ông – nhà thơ Hoàng Trung Thông, để hỏi chuyện hôm qua và hôm nay của văn nghệ.
- Thưa bác, dạo bác làm Vụ trưởng Vụ văn nghệ là vào khoảng những năm 1970-75. Đó là một thời kỳ có nhiều sự kiện phức tạp trong văn học. Xin bác cho cho biết những vụ việc hồi ấy đã được giải quyết ra sao?
- Quả là vào nửa đầu những năm bảy mươi trong văn học ta có một số hiện tượng phức tạp, không dễ thống nhất ý kiến đánh giá. Vụ văn nghệ mà tôi phụ trách nằm trong Ban tuyên huấn trung ương cố nhiên là phải “làm việc” với những hiện tượng đó. Có thể kể ra: tập thơ Cửa mở của Việt Phương, truyện ngắn Cái gốc của Nguyễn Thành Long, tùy bút Tình rừng của Nguyễn Tuân, thơ của Lý Phương Liên, các bài thơ Sẹo đất của Ngô Văn Phú, Vòng trắng của Phạm Tiến Duật... Tôi nhớ hồi đó đối với các hiện tượng văn học gọi là “có vấn đề” này các đồng chí lãnh đạo ở trên đều có ý kiến chỉ đạo cho chúng tôi phê phán. Thực ra ở đây cũng có hai mức độ. Một loại ý kiến là phê phán gay gắt, quy kết cho các tác giả nói trên bốn tội chính mà tôi chỉ còn nhớ hai tội là lấy xưa nói nay, lấy ngoài bài trong. Một loại ý kiến khác thì phê phán vừa phải, chỉ ra khuyết điểm, nhưng không kết tội nặng nề. Tôi xin nói vào cụ thể để dễ thấy (câu này nhà thơ khi xem lại bản thảo của tôi đã chữa thành: Cụ thể thế này).
Tập thơ Cửa mở ra được ít lâu, trưởng Ban bảo tôi phải có bài phê bình theo yêu cầu của trên. Tôi mời một nhà lý luận quen biết viết bài nhưng anh ấy từ chối, tôi đành phải có ý kiến. Nhưng tôi không viết một bài riêng mà chỉ nhắc tới Cửa mở trong một bài viết chung về các nhà thơ trẻ, mà tôi cũng chỉ phê tập thơ ở những ý, những câu nói về đảng mà thôi[2]. Sau khi bài đăng lên, tác giả Cửa mở gặp tôi bảo anh phê thế là nhẹ, chứ có ông lãnh đạo Hội nhà văn nói còn nặng hơn.
Khi phê bình Tình rừng một đồng chí cấp trên bảo tôi phải thêm vào bài viết cái ý là tác giả đã “lẫn lộn địch ta”. Nguyễn Tuân đọc bài đó xong “hặc” tôi: Sao viết bài phê mà không ký tên thật? Sao lại bảo là tác giả là lẫn lộn địch ta, chẳng phải Nguyễn đã chởi phi công Mỹ hết nước đấy còn gì? Về câu trách đầu tôi có thể nhận sai về mình vì đã cho đăng tác phẩm nay lại đăng bài phê tác phẩm đó thấy không tiện nên đổi tên. Còn câu trách sau thì tôi đành chỉ im lặng, chịu lỗi với Nguyễn. Về chuyện này tác giả Cái gốc cũng bảo tôi là: Báo Văn Nghệ phê người khác mà không biết tự phê mình.
Hiện tượng Lý Phương Liên khá đặc biệt. Đồng chí phụ trách báo Đảng lúc đó đã ưu tiên cho đăng thơ cô lên báo, lại còn quan tâm giúp đỡ việc sửa chữa nhà cửa cho cô. Tôi có đề nghị với nhà xuất bản Văn Học ra một tập thơ của Lý Phương Liên gồm 30 bài. Anh Tế Hanh cũng đồng ý. Nhưng giám đốc nhà xuất bản từ chối. Tác giả nữ này đang được đề cao như vậy thì trên có ý kiến yêu cầu xem lại. Vừa lúc bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều xuất hiện, thế là tác giả liền bị phê phán gay gắt. Hai nhà văn phụ trách báo Văn Nghệ lúc đó cũng bị gọi lên phê bình vì đã đăng một bài thơ như vậy.
Trường hợp tác giả Vòng trắng thì lúc bài thơ đang bị phê bình tôi có tìm đến nhà anh. Không gặp người, tôi để lại mảnh giấy nói đại ý: Anh cứ yên tâm, không có việc gì đâu, dù tôi cũng sẽ phê bài của anh. Quả thực sau đó cũng không có sự gì nặng nề xảy ra cả. (Đoạn nói về Vòng trắng này nhà thơ gạch đi, thay bằng: Còn các trường hợp khác cũng tương tự như thế).
Nhìn chung lại tôi thấy thế này (nhà thơ bỏ hai chữ “thế này”): Đường lối của Đảng ta là nhất quán ở bốn điểm: đi theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin; kiên trì độc lập thống nhất; chăm lo đoàn kết quốc tế; và trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mỗi hoàn cảnh lịch sử một khác, có những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau đặt ra, nên đường lối cũng có sự vận động phát triển (nhà thơ gạch bỏ đoạn này, thay bằng: nên cũng có) khi mở ra mà cũng có khi khép lại. Thời gian tôi phụ trách công tác văn nghệ ở Ban tuyên huấn trung ương đó chính là lúc khép lại. Trong hoàn cảnh ấy thì chúng tôi không thể nào làm khác được.
- Thưa bác, theo ý bác nói vậy thì đường lối đổi mới của đảng từ đại hội VI là một thời kỳ mở ra đối với văn nghệ. Bác thấy văn nghệ trong thời kỳ này thế nào?
- Đổi mới quả đã mở rộng cửa hơn cho văn nghệ phát triển. Đồng chí Tổng bí thư trong cuộc gặp văn nghệ sĩ quan tâm trước hết đến hai điều: văn nghệ ta có nghèo không và có bị trói không, và khi thấy nó có nghèo và có bị trói thật thì đồng chí đã “cởi trói” cho văn nghệ. Nhờ đó tôi thấy văn nghệ thời kỳ này có ba cái được. Thứ nhất, in lại các tác phẩm của thời “tiền chiến”, lãng mạn trước đây. Thứ hai, xuất bản nhiều các tác phẩm văn học có giá trị của nước ngoài. Thứ ba, mạnh dạn nói sự thật, táo bạo phá cách nghệ thuật (chẳng hạn như mỹ thuật đã có thể vẽ “nuy” không còn bị cấm kị). Bên cạnh đó lại có những mặt chưa được, mà rõ nhất là tình trạng hỗn loạn trong xuất bản sách báo, không có sự lãnh đạo chặt chẽ của các cơ quan phụ trách, cho nên Ban bí thư trung ương đảng đã phải ra những chỉ thị cần thiết để chấn chỉnh tình hình. Cái khép mở trong sự lãnh đạo văn nghệ là đấy. Mở nhưng cũng phải có chỗ khép, nếu không sẽ không có sự đổi mới cách mạng thực sự. Nhân tiện tôi nhắc một kỷ niệm về Nguyễn Minh Châu. Hồi anh Châu nằm viện tôi có vào thăm vài ba lần, vừa tình đồng nghiệp vừa tình đồng hương. Một hôm tôi bảo anh Châu: bài anh viết rất tâm huyết, nhưng giá anh nói ai điếu cho những tác phẩm minh họa thì đúng hơn là cho một giai đoạn văn học minh họa, nói giai đoạn là hơi xô bồ. Xưa nay văn học minh họa cũng nhiều và cũng không ít kiệt tác, vấn đề là minh họa thế nào cho hay, cho có nghệ thuật. Nghe tôi nói vậy anh Châu mệt không đáp lại được, chỉ gật đầu. (Đoạn này nhà thơ gạch bỏ, thay bằng: và những phát biểu có tính “chê” văn học “minh họa” của cả một giai đoạn đã qua. Thực ra văn học nào mà chả là minh họa, minh họa cuộc sống chung xã hội hoặc riêng tư của một người. Mà những phát biểu đó lại của toàn những người sáng tác đã có tiếng. Câu cuối này nhà thơ viết rồi lại gạch đi.)
- Bác là người sáng tác, lại đã kinh qua việc quản lý, phụ trách văn nghệ. Xin bác cho biết một vài suy nghĩ rút ra từ kinh nghiệm chỉ đạo văn nghệ thời gian qua? (Nhà thơ gạch câu hỏi này, nói tiếp vào đoạn trên).
- Cái nữa, trong văn học nghệ thuật khen chê là việc bình thường, nên để nó diễn ra bình thường như của nó. (Nhà thơ bỏ chữ “của” trong “của nó” ở bản thảo, thay bằng hai chữ “vốn có”, nhưng rồi lại bỏ “vốn có”, giữ lại “của”). Chuyện gì chưa đáng, chưa nên đưa đến mức thành vấn đề tư tưởng chính trị thì không nên thổi phồng, khái quát vội. Thứ đến, việc khen chê văn chương là việc khó, không phải một lúc đã xong, đã đúng, cần phải đặt tác phẩm trong sự thử thách lâu dài của thời gian. Sau nữa, văn nghệ là một lĩnh vực tinh thần phức tạp, một người làm sao mà đọc nghe xem hết được, mà phán xét đầy đủ chính xác được, ở đây cần phải chờ đợi ở công luận. Những điều này tôi đã có nghĩ đến khi còn ở Vụ văn nghệ nhưng thực hiện cho được không phải là dễ. Còn bây giờ tôi hưu rồi, sớm chiều uống rượu, đôi lúc thi hứng đến thì làm thơ, vậy thôi.
Thì là vậy thưa nhà thơ Hoàng Trung Thông. (Câu này tôi kết bài hỏi chuyện, nhà thơ gạch đi, thay bằng: Gửi các anh một bài thơ tôi vừa viết nhân đại hội Đảng 7. Từ ngày ấy.)
5.4.2013
[1]Hoàng Trung Thông, Chặng đường mới của văn học chúng ta (phê bình và tiểu luận), Nxb Văn học, 1961, tr. 87-88.
[2]Đó là bài “Một vài suy nghĩ về dòng thơ trẻ trên miền Bắc hiện nay”, sau được đưa vào sách: Hoàng Trung Thông, Cuộc sống thơ và thơ cuộc sống, tiểu luận - phê bình, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội. 1979, trang 62-74. Trong bài này ông cũng có một đoạn phân tích riêng thơ Lý Phương Liên.
Theo Tạp chí Văn hoá Nghệ An