Kỷ niệm 107 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2013)
Vùng đất “eo đòn gánh” Hà Tĩnh nổi tiếng khắc nghiệt bởi điều kiện tự nhiên nhưng muôn đời nay rạng danh truyền thống cách mạng với những tên tuổi kiệt xuất, trong đó có cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. 107 mùa xuân đã qua, tưởng nhớ về đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng, chúng ta nhớ về một lãnh tụ cách mạng, tài năng, kiên cường, nhà lý luận, cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, chính trị của cách mạng Việt Nam và tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân.
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên), một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Là người học giỏi nên đến năm 1923, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học tại Huế, được bổ nhiệm làm giáo viên tiểu học tại Nha Trang.
Năm 1925, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt (sau là Hội Hưng Nam); cùng một số đồng nghiệp và học trò kí vào bản kiến nghị đòi nhà cầm quyền thực dân thả chí sĩ Phan Bội Châu. Để xây dựng cơ sở cho Hội Phục Việt ngày càng vững mạnh, Hà Huy Tập và các đồng chí tổ chức nhiều lớp học buổi tối, trước là để dạy chữ cho công nhân, sau là để giác ngộ tinh thần yêu nước cho các học viên...
Nhằm cách ly Hà Huy Tập khỏi phong trào yêu nước địa phương, giữa năm 1926, nhà cầm quyền đã trục xuất đồng chí ra khỏi địa phận Nha Trang. Về Vinh (Nghệ An), đồng chí xin dạy học tại trường Cao Xuân Dục. Tại đây, Hà Huy Tập tiếp tục mở rộng các cơ sở cho Hội Phục Việt, tìm cách đưa thanh niên sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự những lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
Năm 1928, Hội Hưng Nam đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng, sau đó, năm 1929, Tổng bộ Đảng Tân Việt cử các đồng chí Hà Huy Tập và Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu để nối lại liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nhưng thời cuộc đã thay đổi nhiều, lúc này vấn đề hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất là cấp thiết hơn bao giờ hết và đồng chí Hà Huy Tập đã đi theo xu hướng đó.
Năm 1934, đồng chí Hà Huy Tập cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và một số cán bộ cách mạng khác lập ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài nhằm khôi phục tổ chức của Đảng sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất (26/7/1936), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư. Với cương vị mới, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề có tính chiến lược, sách lược của cách mạng, có vai trò quyết định tạo nên cao trào Dân chủ Đông Dương (1936-1939), tạo tiền đề quan trọng dẫn tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám sau này. Tổng Bí thư Hà Huy Tập còn là nhà lý luận xuất sắc, là cây bút giàu tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam.
Ngày 14/7/1938, Hà Huy Tập bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn nhưng không có bằng chứng, nên chỉ xử ép mấy tháng tù, sau đó trục xuất về quê. Ngày 30/3/1940, địch lại bắt Hà Huy Tập đưa vào giam tại khám lớn Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và thất bại, địch đã xử án hàng trăm người yêu nước, trong đó có những người con ưu tú của dân tộc. Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã bị xử tử hình tại Hóc Môn ngày 28/8/1941 ở tuổi 35, khi đang bước vào độ chín của một nhà chính trị xuất sắc, hết lòng vì lý tưởng cách mạng. Khép lại một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy sôi động và cao đẹp, đồng chí đã để lại dấu ấn hoạt động và bản lĩnh, nhiệt huyết cách mạng của mình với lời tuyên bố khảng khái: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn tiếp tục hoạt động!”.
|
Một góc Khu lưu niệm TBT Hà Huy Tập |
Sau hơn 60 năm xa cách, năm 2009, hài cốt đồng chí Hà Huy Tập đã được tìm thấy và đưa về an táng tại đồi Đồng Lem, cách khu lưu niệm gần 3 km, giữa bạt ngàn cây xanh, quanh năm vi vu gió hát, phía trước là mộ của 2 cụ thân sinh Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc.
Ghi nhận những cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, ngôi nhà nơi đồng chí sinh ra và lớn lên ở quê hương đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Bên cạnh đó, Khu trưng bày, tưởng niệm đồng chí Hà Huy Tập là địa chỉ để bà con quê hương, du khách muôn phương đến chiêm ngưỡng, học tập tấm gương của một con người suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Tất cả những gì liên quan đến cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã và đang được BQL di tích và con cháu họ Hà sưu tầm, bổ sung.
Để phát huy tốt những giá trị lịch sử, cách mạng của quê hương, người dân địa phương và con cháu họ Hà mong muốn quần thể di tích lịch sử trong vùng như miếu Nặc, miếu Bà Chúa Sơn, chùa Kim Nặc và đặc biệt là Động Choác - nơi tướng Nguyễn Biên lập căn cứ hợp quân với Lê Lợi để chống giặc Minh; miếu Cồn Thờ là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên... được quy hoạch, xây dựng thành địa điểm tham quan, du lịch và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
PHAN TRÂM
Theo báo hà tĩnh
|