(Baonghean) - Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh lịch sử nằm ngay Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, được Binh đoàn 559 xây dựng như một tượng đài sừng sững. Một nét đẹp cao vút, khỏe khoắn, oai hùng của lịch sử đất nước gợi lên trong lòng du khách bao niềm cảm xúc.
Tân Kỳ nghĩa là mới và lạ. Đó là tính ngữ chỉ những sự vật xuất hiện làm mọi người ngạc nhiên, thích thú. Còn Tân Kỳ trong bài ký này là tên của một huyện vùng núi tỉnh Nghệ An được tách ra từ huyện Nghĩa Đàn ngày 19/4/1963. Đến năm 2013 này, huyện Tân Kỳ tròn 50 tuổi. Vào dịp tháng Tư lịch sử, cả huyện đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của mình...
Tôi lúc 24 tuổi đời, đang thi tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp Hà Nội, thì được công nhận tốt nghiệp đặc cách để lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Đợt đó, tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, nhằm tất cả cho cuộc chiến cuối cùng. Trải qua 100 ngày hành quân bộ vượt đèo, leo núi Trường Sơn thăm thẳm mới đến Lộc Ninh, cách Sài Gòn 100 cây số ở phía Tây. Đánh trận gần 4 năm, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phòng Sài Gòn, sau đó do duyên phận, tôi lại trở về đúng nơi xuất phát của con đường Trường Sơn lịch sử: Cây số 0- Lạt – Tân Kỳ. Năm 1977, ở Huế, tôi lấy vợ là người làng Sẻ, xã Nghĩa Đồng ở bên sông Con, bên cột mốc này.
Như thế là tôi đã đi được một vòng đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn huyền thoại, để theo vợ về với mạch nguồn sông Con. Đó là lần đầu tiên vợ tôi dắt tôi về ra mắt bà con họ hàng. Đến bến phà Sen, tôi bàng hoàng khi thấy một tốp công nhân hơn chục người lấm lem dầu mỡ, đang trần lưng kéo cáp đưa con phà nặng trịch sang sông. Tôi đã từng qua nhiều con phà khắp đất nước như Bãi Cháy, Bến Thủy, sông Gianh, Quán Hàu… nhưng chưa từng thấy ở đâu phà lại kéo bằng sức người như ở đây. Mỗi người có một cái dây chão, một đầu buộc vào cái móc sắt, móc vào đường cáp bằng thép to như cổ tay giăng từ bờ này sang bờ bên kia sông. Đầu kia buộc ngang lưng người. Hai tay nắm lấy cái dây chão ấy mà kéo. “Hò dô ta … này , Hò dô ta… này”. Chiếc phá cứ nhích từng tí một nặng nhọc, dầu dãi.
Tôi xúc động ngồi thẫn thờ hàng giờ bên bờ sông xem người kéo cáp, mặc dù đã tắt mặt trời. Tôi hỏi vợ: “Phà kéo cáp này có từ bao giờ, em biết không ?”. Vợ tôi bảo: “Lâu lắm rồi, từ khi em còn học vỡ lòng đã có rồi!”. Nghĩa là đã mấy chục năm nay rồi, những người kéo cáp Phà Sen vẫn nắm chặt cái dây chão ấy ngày đêm đưa phà sang sông… Phà chở ô tô đưa bộ đội ra tiền tuyến, chở cam Nông trường sông Con về xuôi, chở người Tân Kỳ bên sông qua về mua bán, thăm hỏi nhau… Tất cả đều đi về trên hai bàn tay của người kéo cáp nắm sợi lửa bỏng cháy như vậy, dù đạn bom, bão lũ…
Tối hôm đó, tôi về thức đêm làm được bài thơ “Người kéo cáp Phà Sen” tặng quê vợ. Dòng sông Con đã ám ảnh tôi từ hôm ấy!
Ngày tôi theo vợ về quê, trên sông Con chưa có một chiếc cầu nào bắc qua. Huyện Tân Kỳ như một ốc đảo Robison, không có đường ra. Nhưng mạch đất sông Con lại là đất tốt rất phù hợp với các loại cây công nghiệp như cà phê, mía, cao su, cam, bưởi… Mạch đất ấy có nguồn tài nguyên quý giá là mỏ đất sét “nguyên thổ” ở xã Nghĩa Hoàn để sản xuất gạch ngói tốt không có nơi nào sánh được. Thời Pháp, nhiều điền chủ Pháp đã đến bên sông Con mở đồng điền cà-phê, chăn nuôi bò thịt. Như đồn điền Cu-đúc chiếm đất từ Vực Lồ trở lên Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình ; đồn điền Koong-be chiếm đất từ Vực Lồ đến Trại Lạt; đồn điền Balazon mở trên đất ở phía Nam sông Con…
Đến thời miền Bắc giải phóng, trên đất Tân Kỳ nhiều nông trường được thành lập. Nông trường Sông Con nổi tiếng do cán bộ miền Nam, đa phần là Thừa Thiên Huế , Quảng Trị “tập kết” khai phá. Họ trồng nên những “rừng cam” và cà phê mênh mông. Hồi đó diện tích cam Nông trường sông Con lên tới gần ngàn ha. Vợ tôi kể rằng, tuổi nhỏ đi chăn “tru” thường lẻn vào rừng cam chơi trốn tìm rồi hái trộm cam ăn thỏa thuê. Thời ấy, cam sông Con là một thương hiệu nổi tiếng, được dùng để bán cung cấp tem phiếu khắp miền Bắc.. Tất cả đều được chuyển bằng ô tô sang Phà Sen, đi qua “cây số 0” về đường 7 ra Bắc hay lên Nghĩa Đàn về đường 8…
Cột mốc số 0 tại thị trấn Lạt ( Tân Kỳ) - nới xuất phát điểm của đường Hồ Chí Minh huyền thoại
Thời hội nhập, kinh tế huyện Tân Kỳ vẫn dựa vào nguồn mạch sông Con làm trục chủ đạo. Cam không ăn khách nữa thì chuyển hướng sang trồng mía, cà-phê, cao su… Các nông trường mới như An Ngãi, Vực Rồng được thành lập, sau đó chuyển đổi thành hai công ty Công ty Nông nghiệp Sông Con và Công ty Nông nghiệp An Ngãi, mấy năm nay làm ăn có lãi. Huyện xác định, ngoài lúa, lạc, đậu… , hai cây công nghiệp hàng đầu của huyện là mía và cao su.
Diện tích mía của toàn huyện năm 2009 đã lên tới 4.500 ha, hiện nay hơn 11.000 ha. Đường sông Con do Nhà máy đường Sông Con sản xuất là một thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị trường khắp miền Trung. Nhà máy sản xuất có năm đạt 24.000 tấn đường kính trắng và 12.000 tấn phân lân hữu cơ . Nghĩa là công ty đã tạo ra được vòng tròng khép kín, khai thác hết tất cả các lợi tích từ cây mía phục vụ sản xuất và cuộc sống, biến cây mía thành cây xóa đói giảm nghèo chủ lực của bà con nông dân Tân Kỳ. Sau mía là cây cao su. Huyện cử người vào Quảng Trị, Huế học trồng cao su tiểu điền. Đến nay Tân Kỳ đã có gần 2000 ha sao su, có hộ đã trồng được từ 5 đến 10 ha cao su tiểu điền. Mở mắt ra là thu bạc triệu!
Ngoài thương hiệu đường kính trắng, đất sông Con còn góp cho thị trường cả nước một loại hàng hóa đặc biệt : Gạch ngói Cừa. Ngói Cừa lợp nhà đường rãnh âm dương thẳng tắp, đạp chân lên không vỡ, đánh rơi không vỡ. Ngói Cừa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mác nhãn hiệu hàng hóa với lô-gô hình quả cầu, trên có dòng chữ “Ngói Cừa”. Nhìn cái lô gô tôi nghĩ ngay đến tham vọng của người Tân Kỳ: Muốn sản phẩm của mình vươn ra toàn cầu! Ngói Cừa đang cạnh tranh ngang ngửa với ngói Quảng Ninh, Đồng Tâm Long An, Hà Nội, Đồng Nai… Có mặt khắp các tỉnh miền Trung, trong Nam ngoài Bắc và đang vươn đến các thị trường Thái Lan, Lào ,Campuchia. Ngói Cừa lợp nhà để lâu đời không bị mùn hóa nhờ chất đất sét nguyên thổ Đồng Nậy, Sông Con.
Bây giờ vùng Cừa đã thành khu Tiểu thủ công nghiệp của huyện và làng Cừa đã thành “Làng nghề ngói Cừa-Nghĩa Hoàn”. Làng nghề này hiện đứng trong tốp 3 làng nghề giàu có nhất, dẫn đầu của tỉnh Nghệ An. Làng quê heo hút xứ Cừa 30 năm trước, bây giờ là một thị tứ sầm uất, nhà nào cũng đúc bê tông hai ba tầng, nhà nào cũng xe con xịn, phương tiện sinh hoạt cao cấp không thua gì Hà Nội, Vinh. Cái làng bé nhỏ bên đường với mấy trăm hộ dân ấy mà có đến 30 ô tô vận tải hàng hóa, 6 xe vận tải hành khách Bắc-Nam, có cả xe “giường nằm cao cấp”, 10 máy xúc, máy ủi chuyên dụng, hơn hai chục chiếc ô tô con sang trọng... Chủ nhân ô tô tải, ô tô con ấy là công nhân làng nghề. Đó là con số mà có lẽ ít làng quê Việt Nam có được!
Tân Kỳ thời đổi mới, kinh tế phát triển nên sông Con cũng đổi thay diện mạo. Xe chở mía, chở đường kính, chở ngói gạch Cừa, chở hàng hóa tiêu dùng ngược xuôi trên con đường trục từ Vinh - Đô Lương - Lạt - Cừa – Sen - Nghĩa Đàn… nhộn nhịp suốt ngày đêm. Từ đó, Phà Sen kéo bằng cáp và nhiều con đò ngang trên sông Con không còn nữa. Thay vào đó là những chiếc cầu bê tông vĩnh cửu, cầu dây văng kiên cố. Đầu tiên là Cầu Rõi bắc qua sông Con từ Rừng Lim - Lạt sang đầu Lèn Rõi đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay. Có cầu qua sông, ai cũng mừng. Vợ chồng tôi từ Huế về thăm ông bà ngoại không còn phải đứng chờ “người kéo cáp Phà Sen”, không còn phải chờ mua vé từng chặng Huế - Vinh, Vinh - Lạt, Lạt - Cừa như trước, mà xe vèo vèo thẳng từ Huế ra đến tận chợ Sen cạnh nhà.
Từ làng Sẻ, quê vợ tôi, qua sông Con về Cột mốc số 0 bây giờ có tới 2 chiếc cầu. Cầu Sen - bê tông vĩnh cửu - bắc trên tuyến phà xưa đã đưa vào sử dụng từ năm 2010. Chiếc cầu treo dây văng từ núi Rô qua sông Con đến Nghĩa Đồng đã giải tỏa được những chuyến đò Rô cũ nát, ngày đêm chở người và xe máy sang ngang vô cùng nguy hiểm. Nhớ hồi đi đò, người ta kê tấm ván mỏng manh từ đò lên mép nước, thế là người quang gánh cồng kềnh, người cưỡi xe máy, người đi bộ cứ chen lấn, xô đẩy, rú ga lên đò như làm xiếc. Trên núi Rô có ngôi đền Đơn thiêng lắm. Người dân thắp nhang khấn vái đêm ngày cho sự bình an sông nước.
Bây giờ đã có cầu Rô, cầu Sen bắc qua, chắc Thần, Phật thỏa lòng . Trước đó, sau vụ đắm đò ngang chết người ở An Ngãi, huyện đã đầu tư bắc cầu dây văng An Ngãi vững chắc cho bà con qua lại. Có một chiếc cầu bê tông nữa cũng đã bắc qua sông Con ở cuối huyện, nơi giáp huyện Anh Sơn. Đó là cầu Tân Lâm - Phú Sơn. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, trên sông Con đã mọc lên 5 cây cầu hiện đại và rất nên thơ.
Đứng bên Cột mốc số 0, tôi bâng khuâng nghĩ về cái vòng tròn lịch sử đã cho tôi được về ăn cơm Tân Kỳ, uống nước sông Con, được sống hơn với chiều sâu Tổ quốc. Từ Cột mốc số 0 - Lạt, có thể ra Bắc - vào Nam mà không cần về QL1A. Tân Kỳ không còn cảnh “không có đường ra” nữa, mà đã bắt đầu thời hội nhập cùng các miền quê đất nước!
Ngô Minh (TP. Huế)
|