QĐND - Du khách về tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ TNXP tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, ai cũng đều biết Đặng Thị Yến, người cán bộ tận tụy, vui vẻ, nhiệt tình và dễ mến đã có công đầu viết thuyết minh cũng như sưu tầm hiện vật cho một khu di tích bề thế, mang đủ đặc thù TNXP. Mọi người quý trọng, gọi chị là “Người con gái thứ 11 của Ngã ba Đồng Lộc”…
Đặng Thị Yến sinh ra và lớn lên bên tả ngạn sông Lam thơ mộng, là con gái thứ ba của liệt sĩ Đặng Loan, nguyên Tổng biên tập Báo Miền Tây Nghệ An. Năm 1977, tốt nghiệp ngành bảo tàng, chị về công tác tại Phòng Văn hóa huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), chuyên trách bảo tàng. Trước khi về nhận nhiệm vụ mới ở Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Đặng Thị Yến đã có 20 năm (1978-1998) sưu tầm tích lũy vốn liếng đáng nể. Cái “vốn” từ sự lo xa ban đầu đó đã giúp chị phục chế, sưu tầm, góp phần xây dựng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc mau chóng, thuận tiện. Với chức danh phó ban, đồng thời là người có thâm niên chuyên môn bảo tàng, nên chị thông thạo công việc từng bước. Chị còn tham mưu cho Tỉnh Đoàn trình lên Trung ương Đoàn kế hoạch xây dựng khu di tích từng bước, từ xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm, khu bảo tồn hiện vật, hình ảnh… đến việc di dời quy tập mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Tiểu đội 4-C552-N55-P18 về ngay nơi các cô hy sinh tại khu di tích. Một núi công việc, trong khi đó Ngã ba Đồng Lộc sau gần 30 năm chiến tranh qua đi, thời gian gần như xóa hết dấu tích khốc liệt của cuộc chiến.
|
Chị Đặng Thị Yến.
|
Để mở rộng tư liệu, hiện vật cho Khu di tích TNXP toàn quốc, Đặng Thị Yến “thân gái dặm trường” đã đi 20 tỉnh có TNXP giải phóng miền Nam. Gặp gỡ từ bác Trần Mảnh (tức Hải Văn), nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP miền Nam để tìm hiểu và được bác tận tình giúp đỡ đưa đến từng nhân chứng lịch sử. Trong đó có chị Giáp Thị Thanh Tiến ở Bến Tre, ở Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn Q. Chị Tiến đã cùng đồng đội nhảy xuống suối ngâm mình dưới nước “làm cầu” cho thương binh đi qua vai, qua người. Tiếp đến, xuống Bà Rịa-Vũng Tàu gặp anh Ba Lèo (tức Bùi Thế Ba) để sưu tầm hơn 30 hiện vật...
Từ năm 1998 đến nay, Ngã ba Đồng Lộc trở thành “địa chỉ đỏ” của TNXP toàn quốc, nơi để nhân dân cả nước về dâng hương, dâng hoa tưởng niệm liệt sĩ TNXP. Đồng thời, Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc cũng là nơi để các cựu TNXP gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Ban quản lý khu di tích, trong đó có chị làm cầu nối những đợt tri ân người có công với nước và những chương trình giao lưu nghệ thuật được truyền hình trực tiếp: “Huyền thoại Đồng Lộc”, “Cõi thiêng Đồng Lộc”…để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân cả nước đối với những cống hiến hy sinh của TNXP.
Bài và ảnh: MINH THƯ
|