(Baonghean) - Từ ngày 1-3/3/2013 (tức ngày 20, 21, 22 tháng Giêng), tại Đền Vạn - Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh (thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương), Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào sẽ chính thức khai màn. Đây là một Lễ hội văn hóa truyền thống, thu hút được sự quan tâm của chính quyền các cấp và đông đảo đồng bào các dân tộc. Trước thềm lễ hội, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương.
Phóng viên (P.V): Ông có thể nhắc lại sự ra đời của Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào và tích sử của Đền Vạn để độc giả rõ hơn?
Ông Vi Tân Hợi: Đền Vạn - Cửa Rào là nơi thờ danh tướng Đoàn Nhữ Hài cùng các tướng sỹ thời Trần tử trận trong cuộc chiến chống giặc Ai Lao, đồng phối thờ Tam tòa Thánh mẫu và Thánh Trần Hưng Đạo đại vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIV và khôi phục lại vào thế kỷ XIX. Năm 1990, Đền được cải tạo nâng cấp, đến năm 2009 được UBND tỉnh ra quyết định công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Đền Vạn – Cửa Rào tọa lạc trên khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Những hiện vật đã được khai quật ở các làng Cửa Rào, Xiêng Hương như: mũi tên đồng, đao, kiếm, giáo, mác hay lưỡi rìu bằng đá, các chì lưới và dọi se chỉ, bàn mài đá, bôn đá, một số sản phẩm gốm khá tinh xảo có hình trang trí tương tự đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên ở đồng bằng Bắc Bộ,... giúp chúng ta biết được di chỉ thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng; đồng thời giúp chúng ta khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi đền.
Toàn cảnh Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, Tương Dương năm 2012.
Ảnh: Vi Hợi
Đền nằm ở thế tiền thủy hậu sơn; bên phải, bên trái ngôi đền là hai dòng Nậm Mộ và Nậm Nơn uốn lượn, mặt đền nhìn ra sông Lam ở hướng chính Đông. Đây là ngôi đền có địa linh tốt nhất Nghệ An hiện nay. Toàn bộ khu di tích đã được UBND huyện Tương Dương quy hoạch rộng 4,5 ha, bảo đảm cho định hướng xây dựng lại đền trong tương lai. Diện tích hiện tại của đền khoảng 2 ha, bao gồm các công trình: Cổng tam quan, sân, đền chính và khu lễ hội…
Đền Vạn - Cửa Rào có kiến trúc theo lối chữ Nhị gồm nhà Bái Đường có ba gian, hai hồi lợp ngói âm dương, hai đầu hồi đắp nổi hình Lưỡng Long chầu Nguyệt cùng với hai chim Phượng ngậm giải lụa đang vỗ cánh bay lên. Hậu cung có ba gian, hai hồi theo kiểu nhà Tứ Trụ. Đây là nơi thờ cúng các vị Thần và các tướng sỹ triều Trần tử trận. Đền có ba pho tượng Tam Toà Thánh Mẫu và 5 pho tượng Ngũ vị Tôn ông có chiều cao 0,70m mỗi pho. Trong đền hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ bằng đồng từ thời văn hóa Phùng Nguyên (chuông đồng, lư hương đồng, tượng phật bà quan âm...). Theo dân bản xứ và nhiều du khách, Đền Vạn - Cửa Rào linh thiêng vào loại bậc nhất ở Nghệ An.
Đền Vạn - Cửa Rào đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Thời Lý, Lý Nhật Quang đã mở ra đường lên sát biên giới Việt - Lào (tiền thân của Quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới. Thời Trần, để bảo vệ bờ cõi nước Nam, Đoàn Nhữ Hài - một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và Cửa Rào là nơi nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh. Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực Cửa Rào và Đền Vạn trở thành nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội địa phương…
Trước đây Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào chỉ diễn ra trong một ngày, vào ngày mồng 7 tháng Giêng (ngày khai hạ), do chính quyền xã Xá Lượng tổ chức. Đến ngày 15/1/2009, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 152/QĐ-UBND.VX cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh. Ngày 28/1/2010, UBND tỉnh có Quyết định số 374/QĐ.UBND.VX, về việc cấp phép tổ chức Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào quy mô cấp huyện. Từ đó đến nay, Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào được UBND huyện đứng ra tổ chức. Từ năm 2010 lại nay, Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào được tổ chức vào ngày 20, 21, 22 tháng Giêng hàng năm.
P.V: Xin ông cho biết, năm nay Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào có những hoạt động gì và đâu là những điểm mới so với những năm trước đây?
Ông Vi Tân Hợi: Cũng như 3 năm trước, Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào có hai phần chính: Phần lễ và phần hội.
Phần lễ bao gồm: Lễ khai quang (sơ phí pu, phí pả) tiến hành vào buổi sáng 20 tháng Giêng; Lễ Yết cáo (Lễ kháy quam), tiến hành vào buổi tối 20 tháng Giêng; Lễ mổ trâu khao quân (Phăn quai) được tiến hành vào 5 giờ sáng 21 tháng Giêng; Lễ khai mạc (7h30, ngày 21 tháng Giêng), Lễ rước (tòn đằm, tòn thén), Lễ đại tế (sơ đằm, sơ thén) được tiến hành tại đền từ 10h30 đến 11h00 ngày 21 tháng Giêng; Lễ tạ (Chả ớn) được tiến hành tại đền sau khi kết thúc hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Phần hội bao gồm các trò chơi dân gian như: đánh đu, ném còn, nhảy sạp, vũ hội cồng chiêng, thi viết chữ lai pao, đi cà kheo, chọi gà, đua thuyền, trưng bày hàng thổ cẩm... Cùng với các trò chơi dân gian là chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục múa dân gian truyền thống kết hợp hiện đại, thi hát dân ca các dân tộc, thổi khèn bè, khèn mông, thi người đẹp Đền Vạn - Cửa Rào, thi trang phục các dân tộc thiểu số huyện Tương Dương; thi đấu các môn thể thao dân tộc kết hợp với các môn thể thao hiện đại như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền, cờ tướng,...
Đoàn Nghĩa quân Tây Sơn rước kiệu Long hài vị tướng Đoàn Nhữ Hài.
Ảnh: May Huyền
Nét mới của lễ hội năm nay là, thứ nhất ngoài việc bổ sung các hoạt động văn hóa dân gian, như đi cà kheo, chọi gà; bổ sung thêm các môn thể thao như cờ tướng, bóng chuyền, UBND huyện tăng cường công tác quản lý về lễ hội, tuyệt đối nghiêm cấm các hoạt động vui chơi có thưởng, hành nghề mê tin dị đoan trong lễ hội, tuyệt đối bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ và bảo đảm vệ sinh môi trường. Thứ hai, công tác chuẩn bị cho lễ hội năm nay được tiến hành từ rất sớm và được coi là chu đáo nhất. Huyện đầu tư trên 8 tỷ đồng để làm mới một cây cầu dẫn khách vào đền, san ủi sân lễ hội, làm mới sân khấu, lắp đặt cố định hệ thống điện thắp sáng, đèn trang trí trên cầu treo, các hệ thống biển chỉ dẫn, bảng dẫn tích được làm lại hoàn toàn, công tác tuyên truyền cho Lễ hội được tiến hành từ trước Tết Quý Tỵ.
Hiện nay huyện đang xúc tiến hoàn thể hồ sơ về khu di chỉ Đồi Đền và Đền Vạn - Cửa Rào để được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia và phấn đấu đưa Lễ hội Đền Vạn – Cửa rào là lễ hội cấp khu vực Tây Nghệ An.
P.V: Được biết, vấn đề Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang được huyện Tương Dương tích cực triển khai thực hiện, vậy Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào có gắn với công tác này không, thưa ông?
Ông Vi Tân Hợi: Có thể nói hơn 10 năm qua, kể từ sau Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII (năm 2001) đến nay, huyện Tương Dương rất chăm lo tới việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, huyện đã có hẳn một đề án về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó, đặc biệt lưu tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo, tốt đẹp trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngăn chặn và đẩy lùi mê tín dị đoan. Lễ hội Đền vạn - Cửa Rào hàng năm là một điểm nhấn trong vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tâm linh, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh của đồng bào. Chính vì vậy, cùng với việc tích cực huy động nguồn vốn cho việc hoàn thiện các hạng mục của Đền Vạn - Cửa Rào như đền thượng, đền trung, đền tả vu, hữu vu, đền thờ sơn thần, sân lễ hội, các công trình vệ sinh công cộng, hệ thống nước sinh hoạt,... huyện cũng rất tích cực trong việc xây dựng mới, nâng cấp các đền Bà Cả (Cửa Rào), đền Pàng, đền thờ Lý Nhật Quang (Tam Quang).
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhật Lân (Thực hiện)
|