Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Vua rối xứ Quỳnh Vua rối xứ Quỳnh , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean) - Trong cái se lạnh của cơn mưa phùn vào một chiều đầu Xuân đến xóm đạo Xuân An (Quỳnh Xuân-Quỳnh Lưu), theo chân lũ trẻ mục đồng, chúng tôi như lạc vào một công viên vui chơi giải trí trong khu vườn có những hòn non bộ được trang trí rất đẹp với các tiểu cảnh: đi cấy, chèo thuyền, giã gạo, câu cá... sống động như thật. Hỏi ra mới biết, đó là nhà của "Vua rối xứ Quỳnh" - Hồ Văn Thân.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố phải đi ở đợ, làm con nuôi, cuộc sống mưu sinh vất vả, từ làm ruộng, đào đá đỏ, nuôi tôm, lái xe công nông, xe tải... việc gì cũng từng làm, nhưng có một việc mà anh Thân không thể bỏ được, đó là niềm đam mê múa rối. Cách đây hơn chục năm, anh từng tham gia vào đội múa rối đi biểu diễn khắp nơi, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, các thành viên lần lượt bỏ nghề, đội múa rối bị giải tán. Không thể đi diễn nữa, anh Thân nhớ con rối, nhớ các buổi diễn quay quắt, và để thỏa nỗi nhớ đó, anh đã tự nghĩ ra cách làm các "dàn rối tự động" - để một mình có thể điều khiển cả một dàn rối theo từng hoạt cảnh đã được anh dàn dựng sẵn. 

Trăm nghe không bằng một thấy về những dàn rối đó, chúng tôi đã nán lại nhà anh Thân để xem buổi trình diễn "rối tự động" miễn phí cho dân làng. Theo những hoạt cảnh múa rối diễn ra trước mắt, chúng tôi như được đến với vùng đồng bằng Bắc Bộ với những liền anh, liền chị đang tình tứ bên nhau hát những câu Dân ca Quan họ. Lên vùng núi miền Tây Bắc, thả hồn trong những bước nhảy điêu luyện của các chàng trai người Mông trong điệu múa khèn, cùng chung vui với đêm hội múa sạp của các chàng trai, cô gái người Thái. Đến Tây Nguyên với màn múa hát đêm hội rượu cần bập bùng bên bếp lửa. Rồi xem các dàn đồng ca, dàn kèn tây, dàn nhạc dân tộc cùng hòa lên những bản nhạc vui tai. Được thấy cuộc sống thanh bình qua hoạt cảnh "đồng quê" mô tả cuộc sống của người nông dân với những công việc đời thường như đi cấy, đi cày, chăn trâu, thả diều và những con vật như vịt, gà, trâu... tất cả những động tác của các con rối đều rất sinh động và giống như các nhân vật ngoài đời thường: cảnh người nhạc công tay vừa đánh đàn, chân vừa đánh nhịp, đầu vừa gật, mắt vừa liếc nhìn khán giả; chàng trai người Mông miệng thổi khèn bè, chân nhảy lò cò bên cạnh cô gái vừa làm duyên vừa múa xòe ô; chú trâu thì vừa đi vừa ngúc ngoắc... Người xem càng trầm trồ và ngạc nhiên khi hàng chục con rối trong cùng một hoạt cảnh, mỗi con thể hiện một dáng vẻ, một nhân vật khác nhau, nhưng các động tác đều nhịp nhàng và ăn khớp với nhau, rất sống động. Những hoạt cảnh lần lượt được trình diễn, đã đem đến những trải nghiệm khác nhau cho người xem trong sự thán phục: Giống y như thật!



                             “Vua rối Hồ Văn Thân” cùng dàn con rối.

Anh Thân cho biết, để có được một dàn rối tự động từ ý tưởng ban đầu, anh phải mất hàng tháng trời để nghiên cứu kỹ từng nhân vật để chuẩn bị mua các nguyên vật liệu như: vải, sơn, gỗ... rồi các chi tiết cơ khí như trục chuyển động bánh răng... về chế tác thành các con rối tự động. Anh cho biết: Khó khăn nhất là công đoạn từ những con rối đơn lẻ, ghép lại thành từng hoạt cảnh, phải làm sao cho động tác của các con rối phải ăn khớp với nhau và sống động. Có khi phải mất hàng tuần mới chỉnh sửa xong một động tác lệch nhịp của một chú rối trong dàn kèn tây, làm sao cho chú rối tay vừa bấm phím kèn, chân vừa đánh nhịp cùng với các con rối khác... Mỗi hoạt cảnh anh Thân còn tìm chọn một bản nhạc, hoặc một bài hát phù hợp với từng hoạt cảnh đó rồi ghi sẵn vào đĩa CD và khi trình diễn thì đến hoạt cảnh nào chọn đúng bản nhạc, bài hát đó phát lên loa. 

Việc cho ra đời những con rối và cả dàn rối tự động đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ và hiểu biết về điện, kỹ thuật cơ khí cùng với sự kiên trì bền bỉ. Anh Thân đã tự mày mò, tận dụng các mô tơ quạt điện bị hỏng, các loại bánh răng tự chế để tạo nên "động cơ" hoạt động cho cả dàn rối và từng con rối. Tranh thủ những lúc nông nhàn rảnh rỗi, hay những hôm trời mưa gió không đi làm đồng, là anh lại lôi các thứ đồ nghề ra tỉ mẩn làm: may từng bộ quần áo, sơn từng cái móng tay, sửa từng mái tóc, cái gót giày... để hoàn thiện dần từng con rối, chỉnh đi chỉnh lại các động tác cử động của chú rối sao cho linh hoạt, sinh động. Cứ thế, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, anh hoàn thành từng con rối, dựng thành từng hoạt cảnh. Dưới bàn tay khéo léo của anh, những thứ vô tri vô giác tưởng như vứt đi đã hóa thành những nhân vật xinh đẹp và có hồn như cô gái quan họ, cô gái Thái, chàng trai người Mông, cô ca sỹ, anh nhạc công, ông lão chèo thuyền, cái cọn nước, cái cối giã gạo, con trâu... Thấy anh đam mê, có người bảo anh, sao không tranh thủ làm việc khác kiếm thêm đồng bạc để chi tiêu mà cứ say sưa cái "việc trẻ con" thế. Anh chỉ cười và bảo, cái này nó thấm vào máu thịt mình rồi, mình thích thì mình làm thôi, có ai bắt mình đâu. Sau gần chục năm gom góp, đến nay, anh Thân đã có hẳn một "gia tài đồ sộ" với 8 dàn rối tự động, hàng trăm con rối các loại, được mọi người mệnh danh là "Vua rối xứ Quỳnh"!

Ngoài việc bỏ công, bỏ tiền để làm các con rối, dàn rối, anh Thân còn mua sắm các thiết bị loa đài, âm thanh, ánh sáng để đưa các dàn rối này đi hoạt động, phục vụ miễn phí cho bà con trong và ngoài xã vào các dịp lễ, dịp Tết, phục vụ các cháu thiếu nhi, các trường học... Anh kể: “Có những dịp trời mưa phùn, gió lạnh, nhưng bà con vẫn đến xem rất đông, làm cho cha con tôi quên hết cả lạnh, bảo nhau cố gắng làm cho tốt vì còn gì vui hơn khi được phục vụ cho quê hương mình”. 

Chia tay sau buổi biểu diễn rối đầu Xuân diễn ra ở làng Xuân An, anh Thân cho biết, đang có dự định rủ thêm người chơi, khôi phục lại trò chơi múa rối, biểu diễn các vở như "Chiều gặp gỡ", "Bao Công xử án", "Bố không bao giờ say"... có tính giáo dục rất cao, mà anh đã từng diễn cách đây hàng chục năm và dàn dựng thêm các vở mới nữa để bảo tồn một nét đẹp, một nét văn hóa truyền thống độc đáo đang có nguy cơ ngày càng mai một, lãng quên.

 

Đức Dũng


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65113615

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July