Hàng năm, chẳng cần đợi đến ngày chính lễ, cứ vào dịp Tết cổ truyền là các thiện nam tín nữ từ tứ xứ lại không hẹn mà về đi lễ chùa Hương. Giữa yên tĩnh núi đồi, trong khí thiêng của miền đất Phật lòng người như cũng được siêu linh, tịnh độ... Và ấy cũng là thời khắc vào mùa lễ hội của chốn được mệnh danh là Hoan châu đệ nhất danh lam này…
Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, Can Lộc) nằm lưng chừng ngọn Hương Tích - một trong bảy ngọn núi đẹp của Hồng Lĩnh, tương truyền chùa do công chúa Diệu Thiện, con gái út của Sở Trang Vương tạo dựng vào thế kỷ XIII khi đến tu hành ở đây. Chùa nằm yên tĩnh giữa những bóng cây cổ thụ sừng sững tĩnh lặng, lưng dựa vào những tảng đá lớn. Giống như những ngôi chùa cổ của nước ta, chùa có điện Tam Bảo, nhà Bái Đường, giếng Trời, nhà thờ Tổ và đặc biệt hơn, chùa còn có am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải oan, khe Quỷ Khốc… gắn liền với những câu chuyện huyền bí được truyền lại trong dân gian.
Với địa thế và sự linh thiêng ấy, chùa từng được mệnh danh là Hoan châu đệ nhất danh lam. Chuyện về vẻ đẹp của ngôi chùa cổ còn truyền lại khá nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là câu chuyện về những dấu ấn đậm sâu trong tâm trí chúa Trịnh lần ngài qua đây để khi về Bắc, chúa bèn cho xây dựng một ngôi chùa khác ở Hà Tây mô phỏng lại chùa Hương Tích và cũng đặt tên giống như vậy.
|
Bồng bềnh Hương Tích tự
|
Mặc dù rất linh thiêng nhưng sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh có lúc như đã đẩy ngôi chùa đi vào quên lãng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chính những huyền tích và câu chuyện linh thiêng đã làm sống lại những giá trị tâm linh, lịch sử của ngôi chùa. Và kể từ khi được đầu tư, tu bổ rồi được Hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm sư trụ trì, chùa Hương trở thành địa chỉ tâm linh thu hút đông đảo du khách từ các tỉnh gần đến tỉnh xa. Đặc biệt là trong những dịp Tết đến xuân về, khi Hương Tích tự bồng bềnh trong làn mưa bụi hư ảo mong manh, khi cảnh sắc núi rừng trầm mặc, thơ mộng trong niềm thành kính thiêng liêng.
Từ chân núi đến chùa dài khoảng 4000m, cảnh vật hai bên đường rất thơ mộng và có nhiều lựa chọn dành cho khách thập phương. Mặc dù có đường bộ nhưng mùa nước lên, phần đông du khách thường chọn cách đi thuyền qua hồ Nhà Đường. Cách đi này khiến cho cuộc hành hương về đất Phật trở nên thơ mộng và linh thiêng hơn bởi giữa mênh mông sóng nước có thể bao quát hết đất trời Hương Tích và ngắm nhìn ngôi chùa ẩn mình trong màn sương trắng huyền ảo. Rời thuyền, nếu cần du khách sẽ chọn mua một cây gậy để bắt đầu hành trình leo núi. Trong hành trình ấy, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác lãng mạn khi gặp suối Hương Tuyền róc rách chảy qua khe đá như lời của núi rừng và cảm xúc linh thiêng khi đến di tích miếu Cô. Đến đây, các thiện nam, tín nữ dừng lại thắp hương tưởng nhớ và từ đó có thể lựa chọn dịch vụ cáp treo hoặc tiếp tục leo núi qua miếu Cậu rồi lên chùa.
Chị Phương Thảo – một du khách từ Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng đi tạ lễ vào dịp áp Tết, ra năm vào chính hội lại hành hương về đây cầu xin sự ban ơn của đức Phật. Chúng tôi luôn chọn cách leo bộ để có thể cảm nhận được sự hòa nhập huyền diệu giữa con người với thiên nhiên”.
|
Khách thập phương về đi lễ chùa
|
Vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người đi lễ chùa rất đông. Người trẩy hội vì nhu cầu muốn thưởng ngoạn cảnh non xanh nước biếc hòng tìm lại sự tĩnh tại cho tâm hồn. Người đến vì sự thành tâm trong tín ngưỡng tâm linh. Và cách họ đi chùa cũng khá đa dạng. Khách phương xa thường bắt đầu chuyến đi lúc tờ mờ sáng để sau khi leo đến chùa, làm lễ xong thì có thể nghỉ ngơi ăn trưa và xuống núi kịp lúc trời tối. Cũng có rất nhiều người dân bản địa chọn cách khác, đặc biệt hơn, ấy là đi vào lúc chiều hôm rồi ngủ một đêm ở đó và sáng sớm sẽ làm lễ.
Bác Thu – một người dân ở phường Bắc Hà (Tp Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi và một số bà con ở trong tổ dân phố thường rủ nhau đi lúc chiều hôm. Ngủ đêm trên chùa và đi lễ chùa vào lúc sáng sớm cho tôi cảm giác rất thanh tĩnh. Hơn nữa cách đi như thế cũng đảm bảo sức khỏe đối với người già”. Dù lựa chọn cách nào thì vào mùa lễ hội, dọc con đường dẫn lên chùa lúc nào cũng nườm lượp những thiện nam, tín nữ đủ mọi lứa tuổi. Kẻ đi lên, người đi xuống bồng bềnh vào những đám mây nhẹ, giáp mặt nhau dù quen dù lạ cũng mỉm cười chào nhau nhẹ nhàng và thân mến trong những cảm xúc thiêng liêng…
Trẩy hội chùa Hương đem đến sự giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, giữa tiên và tục. Và ở nơi linh thiêng ấy, tâm hồn con người được thanh lọc chỉ còn lại là sự tĩnh tâm, an định trong đức tin vững bền hướng tới cõi Phật!
ANH HOÀi
Theo Hà tĩnhonline