(Baonghean) Năm 1968, miền Tây Nghệ An - tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Mày tỉnh Bô-ly-khăm-xay, là địa bàn cực kỳ nóng bỏng... Theo yêu cầu của nước bạn Lào, các đơn vị chủ lực Quân khu 4 đã tiến hành nhiều trận chiến đấu đánh tan lực lượng phỉ Vàng Pao và phái hữu dọc đường 7 trên đất bạn, khai thông tuyến đường huyết mạch từ Việt Nam sang chiến trường Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Trong một chương trình làm việc riêng về miền Tây Nghệ An, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ nhất trí với đề xuất của tỉnh Nghệ An và quyết định mở chiến dịch tiêu diệt phỉ Vàng Pao với tên gọi K5; giao cho Bộ Công an và Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang thực hiện, với nhiệm vụ: “Tổ chức lực lượng qua hoạt động ở vùng Mường Chuồn, Pha Hom, Pha Cạt thuộc huyện Mường Mày (tỉnh Bô-ly-khăm-xay). Dùng các hình thức tập kích, phục kích, đặc công kết hợp với binh địch vận để tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch cùng các hang ổ của chúng, giúp bạn mở rộng và củng cố vùng giải phóng, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ biên giới từ xa”.
Đại tá Khăm Xa Vời – Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Xiêng Khoảng giới thiệu quy hoạch Khu di tích chiến dịch K5 tại bản Khăng Viêng huyện Mường Mộc tỉnh Xiêng Khoảng.
Thực hiện quyết định của Trung ương, ngày 5/11/1968, lực lượng tham gia Chiến dịch K5 được thành lập gồm các đơn vị: Đại đội 5 cơ động CANDVT Nghệ An, Đại đội 6 trinh sát đặc công và Tiểu đoàn 12 Bộ Tư lệnh CAVT. Các đơn vị tham gia hội quân về xã Môn Sơn huyện Con Cuông và được huấn luyện cấp tốc. Đồng chí Nguyễn Đình Bá (sau này là Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh) khi đó là tiểu khu trưởng Mường Xén được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Chiến dịch K5.
Cùng thời gian chuẩn bị chiến dịch, Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An đã huy động 200 dân công trực tiếp vận chuyển lương thực thực phẩm, đạn dược phục vụ cho chiến đấu.
Sau 2 tháng huấn luyện, ngày 1/1/1969, lực lượng tham gia chiến dịch K5 được lệnh xuất phát từ bản Tùng Hương, huyện Tương Dương. Dân quân xuất phát từ Phì Lò, Xốp Nậm vận chuyển lương thực ra mặt trận. Những bước chân âm thầm nhưng mạnh mẽ của bộ đội và dân công từ đỉnh Trường Sơn tiến về huyện Mường Mày (Lào), cách biên giới từ 30-35km. Một vùng rừng núi rộng bao la hàng ngàn km2 là chiến trường K5.
Thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt, mùa mưa đất lầy lội. Mùa nắng cả mấy tháng trời không có nước, sương mù dày đặc, đèo cao dốc đứng cheo leo, lau lách nhọn sắc, có cả suối nước độc lội vào bị rộp chân... Nhưng với tinh thần yêu nước, tình đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt Nam – Lào, sau 2 ngày vượt qua đỉnh núi cao 1800m trên dãy Bắc Trường Sơn, quân ta đã đến Nà Trang chiếm lĩnh được vị trí bàn đạp quan trọng theo kế hoạch, phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn, nắm tình hình và lên kế hoạch tác chiến.
Ngày 30 Tết Kỷ Dậu 1969, Ban chỉ huy chiến dịch do đồng chí Nguyễn Đình Bá chỉ huy đã quyết định tấn công tiêu diệt đồn Pha Hom của phỉ Vàng Pao, cách biên giới Việt - Lào 25km.
Nhớ lại trận đánh tiêu diệt đồn Pha Hom, đồng chí Nguyễn Đình Bá kể về giây phút hồi hộp điểm giờ G tiến công địch và những chiến công của các mũi tiến đánh. 18 giờ ngày 17/1/1969, ta tiến đánh đồn Pha Hom theo 3 mũi tiến công. Mũi chủ công có 47 đồng chí do đồng chí Nguyễn Đình Bá chỉ huy; mũi thứ hai có 15 đồng chí, do đồng chí Luyện chỉ huy; mũi thứ ba có 7 đồng chí, do đồng chí Tục chỉ huy, cả 3 mũi bí mật tiếp cận đồn địch. Đúng 3h15’ ta bắt đầu nổ súng tấn công. Chỉ sau 15 phút chiến đấu đồn Pha Hom của địch đã bị phá hủy hoàn toàn. Ta tiêu diệt gần hết bọn biệt kích thám báo, số còn lại khiếp sợ chạy trốn tản mát vào rừng sâu.Tên đồn trưởng Ga Nênh không kịp trở tay bị bắn trúng chân, chạy lê được một đoạn rồi ôm vợ lăn xuống vực chạy trốn.
Đồn biệt kích bị tiêu diệt, nhân dân bản Mẹo (bây giờ là đồng bào Mông) hết sức vui mừng. Tuy tết đã qua nhưng bà con dân bản vẫn mang xôi gà đến biếu bộ đội K5 để “các con vui vẻ ăn tết Việt Nam”.
Hải Thượng (BĐBP tỉnh)
|