(Baonghean) Trong cuộc đối đầu với không quân và hải quân Mỹ, huyện Nam Đàn (Nghệ An) là 1 trong 12 "cửa tử" trên tuyến lửa khu IV. Mảnh đất này có con đường huyết mạch 15A chạy qua, nằm giữa hai địa danh đã trở thành huyền thoại về ý chí, tinh thần chiến đấu và hy sinh của dân tộc ta là Truông Bồn và Ngã ba Đồng Lộc. Thời điểm ấy, bến đò Vạn Rú, thuộc xã Nam Đông (nay là xã Khánh Sơn) cũng được xem là "túi bom"...
Khung cảnh thanh bình nơi bến đò Vạn Rú.
Một ngày cuối năm, chúng tôi đến Khánh Sơn, ghé thăm bến đò Vạn Rú, địa danh đã trở thành huyền thoại thời đánh Mỹ trong lòng người dân Nam Đàn... Dòng nước sông Lam phía hạ nguồn như chảy chậm hơn, phải chăng lưu luyến với đất Mẹ trước khi hòa cùng biển lớn? Dưới sông, thuyền chài, thuyền khách và thuyền khai thác cát sỏi đi về nhộn nhịp. Dọc đôi bờ, hoa cải nở vàng triền sông, tiếp đến là bãi ngô xanh mượt một màu, ruộng đồng bát ngát, làng mạc đông vui. Phía trước là màu xanh và dáng vẻ uy nghi của dãy Thiên Nhẫn in bóng xuống dòng Lam hiền hòa. Ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng, hữu tình, trù phú và thanh bình ấy, ít ai biết được nơi đây từng một thời máu lửa, từng là một "cửa tử" và góp phần viết nên trang sử oanh liệt, vẻ vang của tuyến đường chiến lược 15A.
Hỏi về những câu chuyện ngày xưa, thời đạn bom, những người có mặt ở bến đò Vạn Rú chỉ đường đến nhà ông Tống Xuân Hùng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Đông, Chủ nhiệm HTX Nghề cá trong những năm thập kỷ 60 - 70 thế kỷ trước. Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi ngược tuyến đường 15A chừng vài km, tìm đến xóm 5, xã Khánh Sơn. Sắp sửa bước vào tuổi 84, ông Hùng vẫn khỏe mạnh, hoạt bát, trí nhớ còn minh mẫn.
Ông nhớ cụ thể, chi tiết từng trận bom ác liệt và những thương vong ở bến đò Vạn Rú. "Ở vùng đất Khánh Sơn này, không có nơi nào thoát khỏi sự cày xới của các loại bom, tên lửa và rốc-ket của Mỹ"- ông Hùng mở đầu dòng hồi tưởng. Tuyến đường 15A qua xã Khánh Sơn hết sức hiểm trở, một bên là dãy núi Thiên Nhẫn, một bên là dòng sông Lam. Với địa thế bên núi, bên sông, nơi đây trở thành một "nút thắt" trong hành trình chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Xác định được tính chất hiểm yếu, máy bay Mỹ thường xuyên dội bom xuống, hòng cắt đứt hoàn toàn tuyến đường chiến lược. Hàng ngày, vùng đất này phải hứng chịu nhiều loạt bom của kẻ thù. Hầu như ngày nào tuyến đường qua đây đều bị chia cắt, dân quân địa phương không kể ngày đêm thay phiên nhau san lấp hố bom, nhưng làm xong thì máy bay Mỹ lại đến dội bom đợt khác. Có khi chưa hoàn thành việc san lấp do loạt bom trước, bọn "thần sấm" lại kéo đến khiến cho việc chiến đấu và sản xuất gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Trước tình trạng đó, để tránh thương vong và giảm thiệt hại, khi hành quân đến đoạn Thị trấn Nam Đàn ngày nay, bộ đội ta rẽ theo hướng xuôi đê Tả Lam, đến địa bàn xã Xuân Lâm vượt qua bến đò Vạn Rú để tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, địch phát hiện hướng di chuyển mới của bộ đội ta và liên tục dội bom quanh khu vực bến đò Vạn Rú. Và thêm một lý do nữa để không quân Mỹ tiến hành "rải thảm" ở khu vực này là chúng phát hiện được ở đoạn sông này ta đang thi công hệ thống đường dây thông tin liên lạc và đường ống dẫn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ông Tống Xuân Hùng
Thời điểm ấy, ông Tống Xuân Hùng đang là Bí thư Đảng ủy xã, Chủ nhiệm HTX Đại Thành- đơn vị có nhiệm vụ khai thác, đánh bắt và vận chuyển cá trên sông Lam. "Khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, HTX chúng tôi nhận được lệnh chuyển sang thời chiến. Tức là đưa nhiệm vụ chở bộ đội cùng các loại vũ khí, khí tài qua sông an toàn lên vị trí hàng đầu"- người cựu chủ nhiệm nhớ lại. Chiến sự ngày càng ác liệt, nhu cầu của chiến trường ngày một lớn nên nhiệm vụ của quân và dân xã Nam Đông ngày một nặng nề hơn. Có thời điểm, HTX phải huy động đến hơn 150 chiếc thuyền để chở bộ đội qua sông. Lúc ấy, trẻ em 14- 15 tuổi đều được huy động ra sông chèo thuyền, mỗi gia đình có 3- 5 thành viên tham gia và lập thành một đội. Bắt đầu từ 5h chiều, khi sương mù giăng mắc khắp dãy Thiên Nhẫn và phủ mờ mặt nước sông Lam, những chiếc thuyền của HTX Đại Thành triển khai thành đội hình để thực hiện nhiệm vụ. Đến 6h sáng hôm sau, mặt trời bắt đầu soi tỏ, các xã viên tạm dừng việc chở bộ đội qua sông và cất giấu, ngụy trang các con thuyền để tránh sự phát hiện của địch. Cứ thế, mỗi đêm có hàng nghìn chiến sỹ qua sông an toàn.
"Để có được sự an toàn cho hàng nghìn chiến sỹ qua sông, người dân xã Nam Đông đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Thời kỳ đó, hàng trăm người dân bị chết và mang thương tích vì bom đạn của kẻ thù..."- ông Tống Xuân Hùng bùi ngùi nhớ lại. Trước cảnh máy bay Mỹ ném bom ngày càng ác liệt, mật độ bom mìn ngày một dày đặc hơn, xã Nam Đông quyết định thành lập Đại đội "thép" và Tiểu đội "10 cô gái sông Lam" sΩn sàng quyết tử. Nhiệm vụ của Đại đội "thép" là ứng cứu trong những tình huống khẩn cấp, phối hợp với đơn vị bộ đội pháo cao xạ bắn hạ máy bay địch, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, bảo vệ hệ thống đường dây liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu và vận chuyển cán bộ, chiến sỹ qua sông trong trường hợp cấp thiết. Còn Tiểu đội "10 cô gái sông Lam" có nhiệm vụ ngụy trang những con thuyền, các loại vũ khí, phương tiện của bộ đội và tham gia ứng cứu trong trường hợp có thương vong.
Ông Hùng cho biết: "Thời kỳ chiến tranh, bom đạn Mỹ dội xuống vùng đất này nhiều vô kể. Nào bom tấn, bom bi, bom từ trường, tên lửa và rốc-két... Nhưng đáng sợ nhất vẫn là bom từ trường, vì chỉ cần mình lơ là, không để tâm một chút là thương vong có thể xẩy ra bất cứ lúc nào". Với vai trò là người đứng đầu Đại đội "thép", ông đã nhiều lần tiên phong trong việc rà phá bom mìn. Sau mỗi trận bom, ông cùng vài ba đồng đội chèo thuyền trên sông, kéo theo một sợi dây cước dài, phía cuối dây buộc một vật dụng bằng sắt để kích nổ những quả bom từ trường đang nằm dưới lòng sông. Có lần, bom phát nổ ở cự ly gần gây chấn động lớn làm chiếc thuyền của ông lật sấp giữa dòng. Rất may, tất cả mọi người đều là "con nhà vạn", kinh nghiệm sông nước dạn dày nên vẫn đủ sức để bơi vào bờ. Lần khác, một quả bom nổ chậm rơi xuống chân Rú Trét cạnh bến đò Vạn Rú, không ai dám đến gần khu vực này chứ chưa nói đến chuyện phá bom.
Là Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm HTX, lại đứng đầu Đại đội "thép" ông Tống Xuân Hùng quyết định xung phong ra Rú Trét phá bom. Mặc cho sự can ngăn của người mẹ già, ông Hùng vẫn ra vườn đốn một cây tre già và cứng nhất, đẽo thành một chiếc xuổng bới đất tìm bom. Sau gần một tiếng đồng hồ đào bới, cuối cùng ông đã tìm được vị trí quả bom nổ chậm và dùng bộc phá kích nổ. Sau tiếng nổ long trời, lở đất, ông trở về nhà đã thấy đông người đang tập trung trong nhà, ngoài sân, nhiều người đã khóc thảm thiết. "Vì lúc đó, ai cũng nghĩ phá bom nổ chậm là có đi không có về"- ông Hùng bộc bạch. Hiện tại, người đứng đầu Đại đội "thép" vẫn còn lưu giữ cuốn sổ tay ghi lại những trận bom ác liệt và những thương vong lớn của người dân Nam Đông. Đọc cuốn sổ, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được phần nào tính chất ác liệt cùng những hiểm nguy, mất mát mà người dân nơi đây thường xuyên phải đối mặt trong những ngày sống và chiến đấu dưới làn mưa bom, bão đạn. Theo ghi chép của ông Hùng, ngày 10/6/1968, có đoàn xe chở thương binh từ chiến trường về, qua đây bị địch phát hiện và cho máy bay đến ném bom làm chết 23 người, chưa kể hàng chục người khác bị thương. Ngày 25/7/1968, tốp máy bay ném xuống 3 quả bom bi làm chết 16 người, bị thương 96 người. Ngày 4/9 (âm lịch) năm 1968, hơn 10 chiếc B-52 đến ném bom ồ ạt làm chết 26 người, 97 người bị thương...
Theo chỉ dẫn của ông Hùng, chúng tôi ngược tuyến đường 15A lên khối Lam Sơn - Thị trấn Nam Đàn tìm gặp những thành viên của Đại đội "thép" năm xưa. Bà Phạm Thị Hợp (80 tuổi) kể lại: "Có một thời điểm, đêm nào chúng tôi cũng chèo thuyền chở bộ đội qua sông. Có lần, địch thả pháo sáng nhìn rõ như ban ngày, rồi từng loạt bom xối xả ném xuống. Tôi trông thấy rõ 2 quả bom mẹ kèm theo cả trăm quả bom con rơi xuống Rú Trét, chỉ cách thuyền một khoảng cách rất ngắn". Còn bà Nguyễn Thị Dương (85 tuổi) cho biết: "Có khi, tôi vừa chèo thuyền qua, mới bước lên bờ thì đúng lúc một loạt bom rơi xuống. Lúc đó, hoàn toàn chỉ nhờ vào sự may mắn. Cho đến nay, trong giấc mơ tôi vẫn thường gặp lại cảnh bom rơi, đạn nổ của những năm tháng ác liệt đó". Hỏi về 10 cô gái sông Lam năm xưa, sau một thoáng lục tìm trong trí nhớ, ông Tống Xuân Hùng buồn bã trả lời: "Sau chiến tranh, mỗi người đi một hướng. Người thì lấy chồng xa, người đi ngành nghề, người theo con cháu đến cư trú nơi khác... Bây giờ gặp lại khó lắm!".
Trở lại bến đò Vạn Rú, người Chủ nhiệm HTX Đại Thành năm xưa bồi hồi nhớ lại những tháng ngày mưa bom, bão đạn. Trong ký ức của ông, mọi thửa đất, đoạn đường, khúc sông và mỏm đá đều chứa đựng vết tích của chiến tranh. Ngôi nhà của người em trai nằm ở chân Rú Trét, phía dưới còn một quả bom chưa nổ. Theo bờ sông ngược lên một đoạn, có người làng bị thương vong lúc đang cắt cỏ giẫm phải bom từ trường sót lại sau chiến tranh hàng chục năm. Giữa sông, hơn chục năm trước, có người đi cào hến còn nhặt được cả bom bi, thi thoảng vẫn rà thấy những quả bom nằm sâu trong lòng đất. "Vùng đất này vẫn còn chứa đựng biết bao hiểm nguy do vết tích của kẻ thù để lại"- Ông Hùng trầm ngâm.
Sau phút giây trầm ngâm nơi bến đò Vạn Rú, ông Tống Xuân Hùng chợt nói: "Nơi đây một thời oanh liệt, giá như có được một tấm bia, một miếu thờ để tưởng niệm, vinh danh những người đã ngã xuống trên mảnh đất này để bao thế hệ con cháu luôn ghi nhớ. Đồng thời, nhắc nhở rằng trong lòng đất, giữa lòng sông vẫn còn ẩn chứa không ít những hiểm nguy..."!
Công Kiên
|