Trong kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là đòn đánh quyết định khiến quân giặc phải quyết định chấm dứt chiến tranh. Cũng với tính chất đó, trận đánh 12 ngày đêm chống trả không quân tinh nhuệ Hoa Kỳ đã được gọi là “Điện Biên Phủ trên không”. Và cùng với những trận giao tranh ác liệt ngay tại thủ đô Hà Nội, trong những tháng ngày đó, rất nhiều địa phương cũng có những hoạt động, chiến đấu nhằm hỗ trợ cho tiền tuyến miền Nam nhanh chóng giành thắng lợi, trong đó Hà Tĩnh là một trong những địa phương tích cực nhất.
|
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 (ảnh tư liệu) |
Ngay từ tháng 4/ 1972, khi giặc Mỹ tiến hành bắn phá miền Bắc lần thứ 2 với quy mô lớn và thủ đoạn thâm độc hơn, Hà Tĩnh đã phải chịu sự đánh phá ác liệt của máy bay giặc. Trung đội 12ly7 của thị xã Hà Tĩnh đã chiến đấu ngoan cường và tại đây trong một ngày chiến đấu ác liệt, 3 người con của thị xã là Trần Thị Hường, Trần Thị Hòa và Nguyễn Sỹ Thành đã hy sinh anh dũng. Ngoài ra, ở khắp nơi trong tỉnh, quân và dân ta đã đánh thắng nhiều trận như: Tiểu đoàn 20 bắn rơi 2 chiếc F4 ở Đò Trai (26/5), tháng 6 quân dân Kỳ Tiến bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F4H, quân dân Kỳ Thịnh bắn rơi 1 chiecs A7 ở Đá Bàn, quân dân Hương Bộc bắn rơi 1 chiếc F4; Đến tháng 7 ta lại lập chiến công bắn máy bay bay thấp và bay đêm cùng trực thăng vũ trang của địch với việc bắn rơi 1 chiếc A7 ở cầu Nghèn, 2 chiếc A4 tại Thạch Hà và Nghi Xuân, 1 chiếc RF4c tại nông trường 20 – 4… Những chiến công này về sau đã góp phần tạo niềm tin và kinh nghiệm không quân cho bộ đội ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tại thủ đô Hà Nội.
Trước ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ngày 22/10/1972, Ních – xơn ra lệnh ngừng ném bom và bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chỉ ném bom và bắn phá hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Thực tế thì đây là thủ đoạn chiến tranh nguy hiểm của địch đối với công tác bảo đảm giao thông vận tải của ta nhất là từ Nghệ An trở vào. Riêng tại Hà Tĩnh, từ 26/10/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng thêm 1349 lần chiếc máy bay B52 ném bom rải thảm xuống hầu hết các huyện trong tỉnh, trong đó một số điểm như đường 22, đường 5, đường 8, ngã ba Bãi Vọt (Hồng Lĩnh)…bị đánh phá rất ác liệt. Điều đó khiến cho công tác đảm bảo giao thông vận tải ở Hà Tĩnh trở nên khó khăn hơn. Phẫn nộ trước hành động chiến tranh tàn phá của giặc, Đảng bộ Hà Tĩnh đã phát động quân dân trong tỉnh ra sức sản xuất chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, hưởng ứng quyết tâm của Chính phủ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Ngày 18/11/1972, Tỉnh ủy đã mở hội nghị cán bộ bàn về bảo đảm giao thông vận tải trong tình hình mới. Hội nghị khẳng định sự cần thiết và kiên quyết thực hiện chủ trương quân sự hóa công tác giao thông vận tải. Coi đó là mệnh lệnh của Tổ quốc,là tiếng gọi của tiền tuyến mà Hà Tĩnh phải thực hiện nhằm đảm bảo thắng lợi cho cuộc đọ sức đỉnh cao giữa ta và địch trên trận tuyến giao thông vận tải ở địa bàn Hà Tĩnh. Quyết tâm đó đã nhanh chóng biến thành hành động. Một cao trào vận tải nhân dân được phát động và có tổ chức chặt chẽ như một đơn vị chiến đấu. Hơn 3000 xe đạp thồ cùng người đã được biên chế thành 16 đội, hơn 1300 chiếc thuyền được phân thành các đoàn chịu trách nhiệm đảm bảo hậu cần. Vượt qua mưa bom, bão đạn, các đơn vị này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải của mình tiếp viện hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam.
|
Những chuyến hàng băng qua lửa đạn đi vào tiền tuyến. Nguồn Internet |
Từ ngày 18 đến 30 /12/1972, đế quốc Mỹ lật lọng, đã tập trung lực lượng không quân mở cuộc tập kích chiến lược vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Chính trong thời điểm đó, địch đã tạm thời giảm cường độ đánh phá ở khu IV. Lợi dụng tình hình này, Đảng bộ Hà Tĩnh đã kịp thời linh hoạt, dũng cảm huy động mọi năng lực vận tải khẩn trưởng chuyển hàng qua địa bàn các tỉnh. Mọi phương tiện và người đã làm việc không ngừng nghỉ. Ô tô goòng, cano, thuyền, xe đạp, xe thồ đã dồn dập tranh thủ chuyển hàng ra phía trước, kể cả ban ngày và ban đêm. Cầu cống, phà đường được gấp rút sửa chữa, những chuyến hàng mới nhanh chóng được tiếp nhận gấp rút chuyển vào nam. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục tuyển quân để cung ứng lực lượng cho chiến trường miền Nam.
Chiến thắng vang dội 12 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội đã buộc Ních – xơn phải lệnh ngừng tập kích và sau đó còn phải chịu thua trên bàn đàm phán bằng việc ký kết Hiệp định Pa ri chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Mỹ đã cút, nhiệm vụ còn lại của cách mạng Việt Nam là đánh cho ngụy nhào. Và với sự tiếp viện về sức người, sức của từ hậu phương, tiền tuyến miền Nam đã hội tụ đầy đủ sức mạnh cho nhiệm vụ mới.
PHONG LINH
theo hà tĩnh online
|