ĐẶNG THÚC HỨA người làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An, là chú ruột của nhà văn hóa nổi tiếng Đặng Thai Mai. Những cống hiến của ông ở hải ngoại cho sự nghiệp cách mạng của đất nước được biết đến từ năm 1908, khi ông xuất dương sang Trung Quốc gặp Phan Bội Châu. Và đặc biệt là giai đoạn từ tháng 06 năm 1909, khi ông cùng Phan Bội Châu về Xiêm cho đến năm 1931, khi ông mất tại Uđon (Xiêm). Những hoạt động cách mạng của Đặng Thúc Hứa trong hơn 20 năm ở Xiêm đã có ý nghĩa tích cực, to lớn chẳng những đối với việc thúc đẩy phong trào yêu nước của Việt kiều mà còn tạo cơ sở tiền đề cho sự ra đời của nhóm thanh niên cộng sản đầu tiên (ở Xiêm) là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Xiêm (20/04/1930).
Trong hơn 20 năm tích cực hoạt động ở Xiêm, Đặng Thúc Hứa đã nêu một tấm gương sáng tận tụy, trung kiên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hết lòng vì sự nghiệp cứu nước.
Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Kỳ ngoại hầu Cường Để tuy chỉ tồn tại chưa đầy nửa thập niên (từ cuối năm 1904 đến tháng 02/1909) nhưng đã có tiếng vang lớn, thức tỉnh và nuôi dưỡng lòng yêu nước của quần chúng trong cả nước. Phong trào Cần Vương thất bại, phong trào Đông Du lại nổi lên, thu hút các văn thân, các trí thức, các nhà hào kiệt v.v… hưởng ứng. Họ hoặc trực tiếp cho con em theo Phan Bội Châu và Cường Để xuất dương, hoặc gián tiếp vận động quyên góp tiền bạc ủng hộ cho Phan Bội Châu và các du học sinh làm lộ phí, lo ăn, ở, học hành v.v… Có thể nói Đặng Thái Thân (tức Ngư Hải), Nguyễn Hàm (tức Tiểu La), Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính v.v… là những đồng chí, đồng sự đắc lực của Phan Bội Châu. Họ vừa lo quyên góp tài chính, vừa lo vận động và đưa, đón thanh niên trong nước sang Đông Kinh du học. Còn Đặng Thúc Hứa bắt đầu thể hiện rõ vai trò của mình từ cuối năm 1908. Lúc này, chính phủ Nhật đã ra lệnh giải tán trường Đồng Văn và đuổi tất cả du học sinh Việt Nam đang học trường Chấn Vũ ra khỏi đất Nhật. Hơn tháng sau, đầu năm 1909, chính phủ Nhật lại phát lệnh khẩn cấp trong 24 tiếng đối với Kỳ ngoại hầu Cường Để và sau một tuần đối với Phan Bội Châu phải lập tức rời khỏi đất Nhật. Tình thế vô cùng khó khăn, cấp bách. Đi mắc núi, về mắc sông. Kinh phí tài chính cạn kiệt, lấy đâu ra tiền để đưa hơn 100 học sinh đi khỏi đất Nhật. Phan Bội Châu đã vận động anh em tự túc vừa tìm việc làm để kiếm kế sinh nhai, vừa tìm cách về Trung Quốc hoặc sang Xiêm tiếp tục hoạt động. Với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, Phan Bội Châu đã sớm nhận ra Xiêm là “miền đất hứa” cho các nhà cách mạng Việt Nam sang lập nghiệp. Ở đây có đông Việt kiều và nhiều nhà hoạt động cách mạng thường lui tới. Mùa hạ năm 1908, Phan Bội Châu đã có lần sang Xiêm và ngỏ ý với chính phủ Xiêm mượn đất, lập trang trại, cấy cày làm “tiền trạm” cho những hoạt động sau này. Kế hoạch của Phan Bội Châu là sẽ cho người sớm đến Xiêm làm ruộng, làm nhà, gây cơ sở, phòng lúc khó khăn, các du học sinh, các nhà yêu nước từ trong nước, hoặc từ Nhật và Trung Quốc có thể tới đây tá túc, chờ thời cơ. Tháng 03 năm 1909, Phan Bội Châu và Cường Để từ Nhật Bản về tới Hương Cảng thì đúng lúc Đặng Thúc Hứa được sự ủy quyền của Đặng Thái Thân đem sang gửi Phan Bội Châu 2.500 đồng để lo công việc. Rời đất nước từ cuối năm 1908, qua gần ba tháng trời lặn lội, vượt bao khó khăn, tránh được tai mắt kiểm soát của kẻ thù, Đặng Thúc Hứa đã mang trót lọt và an toàn số tiền lớn này, trao tận tay cho Phan Bội Châu.
Ngoài tiền bạc, Đặng Thúc Hứa còn báo cho Phan Bội Châu thông tin nóng hổi, cũng rất cấp bách. Trong nước phong trào cách mạng đang có xu hướng bạo động, rất cần vũ khí. Phan Bội Châu lập tức trao cho Đặng Thúc Hứa và Đặng Tử Kính một nhiệm vụ trọng đại mới, đó là mang số tiền trên cấp tốc sang Nhật, mua sắm vũ khí gửi về nước. Vì số du học sinh có thể cầm cự tự túc, ngày một ngày hai họ sẽ dần tới Xiêm được. Hai ông Đặng Tử Kính và Đặng Thúc Hứa đã mua được 500 khẩu súng và chuyên chở trót lọt, bí mật cất giấu ở Hương Cảng, để tìm cách gửi về nước. Nhưng thực là “họa vô đơn chí”, vũ khí mua được rồi nhưng không có tiền thuê tàu thuyền chở về nước. Mà tiền quyên góp từ trong nước sang mãi không có hồi âm. Vậy nên tháng 06 năm 1909 Phan Bội Châu quyết định cùng Đặng Thúc Hứa và một số đồng sự, đồng chí của ông sang Xiêm. Ông định nhờ chính phủ Xiêm giúp đỡ cho mượn tàu thuyền chở vũ khí về nước. Việc không thành, Phan Bội Châu lại quay về Hương Cảng tìm phương án giải quyết khác. Còn Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Hồ Vĩnh Long v.v… ở lại Xiêm làm nhà, dựng trại, mở đồn điền tạo chỗ ăn, nơi ở thu hút anh em từ trong nước sang, từ Trung Quốc và Nhật tới. Về tới Hương Cảng, Phan Bội Châu nhận được tin sét đánh. Đặng Thái Thân bị Pháp bắt và đã anh dũng hy sinh. Phong trào cách mạng trong nước bị đàn áp dữ dội. Đặng Thái Thân không còn nữa có nghĩa là việc chu cấp tài chính để chuyên chở số vũ khí đang nằm lại Hương Cảng không còn hy vọng khả thi. Cuối cùng Phan Bội Châu quyết định đem tặng toàn bộ số vũ khí trên cho Đảng Cách mạng Trung Hoa của Tôn Trung Sơn.
Từ sau sự kiện này, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đặng Thúc Hứa cùng nhiều đồng chí, đồng sự của ông gắn liền với phong trào yêu nước của Việt kiều ở Xiêm.
Đặng Thúc Hứa luôn là người hăng hái, tích cực và nhiệt thành trong việc sản xuất, lập trang trại ở Bản Thầm (Trại Cày), Trại các em v.v... Ông sống gần gũi, chan hòa với bà con Việt kiều để từ đó vận động, giáo dục, tuyên truyền lòng yêu nước ủng hộ, giúp đỡ và cưu mang các đồng chí, đồng sự của ông. Vì thế phong trào yêu nước của Việt kiều ở đây ngày một phát triển. Chính Việt kiều là những người đã bao bọc, che chở, bảo vệ cho các nhà cách mạng từ trong nước sang hoạt động ở đây.
Tháng 09 năm 1910, khi Phan Bội Châu từ Trung Quốc sang Xiêm lần thứ 3 thì trại Bản Thầm (Trại Cày) ở lưu vực sông Mê Nam, miền Trung Xiêm đã thu hút được gần sáu chục lưu học sinh từ Nhật về, từ trong nước sang. Lúc này số Việt kiều ở Xiêm ước tính đã có hơn hai vạn. Đặng Thúc Hứa đã bàn với Phan Bội Châu, muốn làm cách mạng thành công thì phải nương tựa vào kiều bào, phải giáo dục, tuyên truyền họ đoàn kết lại thành một khối, cùng hướng về cách mạng trong nước, gây dựng căn cứ, cơ sở lâu dài. Tư tưởng trường kỳ gian khổ, dựa vào dân làm hậu thuẫn đã bộc lộ rất rõ ở Đặng Thúc Hứa. Chí hướng ấy đã thôi thúc ông hoạt động kiên cường trong suốt hơn 20 năm trên đất Xiêm. Những năm trước Thế chiến 1, tình hình chiến sự trong nước và khu vực đầy biến động. Hoạt động quân sự của Việt Nam quang phục hội ở trong và ngoài nước đều thất bại, nhiều nhà cách mạng đã chạy sang Xiêm. Ở Trung Quốc, bọn quân phiệt đang lùng bắt những người cách mạng Việt Nam và Phan Bội Châu. Tình hình này càng thôi thúc Đặng Thúc Hứa tiếp tục mở rộng thêm cơ sở, bám đất, bám dân. Ông học được ở Việt Vương Câu Tiễn thời Xuân Thu bên Trung Quốc tư tưởng “Thập niên sinh tụ, thập niên giáo hối” (Mười năm tập hợp lực lượng, mười năm giáo dục nhân dân”). Vì thế từ cuối năm 1912, khi trại Bản Thầm được củng cố, Đặng Thúc Hứa đã xin thêm đất ở Bản Đông, tỉnh Phi Chít. Trại này thu hút nhiều con em kiều bào đến lao động và học tiếng Việt, được gọi là “Trại các em”. Kiều bào rất có thiện cảm và hết lòng giúp đỡ, che chở để ông hoạt động an toàn tránh được sự lùng bắt của bọn mật thám. Trong số các gia đình kiều bào yêu nước ở gần thị xã Na Khon, có gia đình cố Khoan, thân phụ của liệt sỹ Lý Tự Trọng.
Đặng Thúc Hứa luôn cho rằng, sự nghiệp cứu nước của các nhà cách mạng Việt Nam ở Xiêm bấy giờ như con thuyền giữa trùng dương, chưa tìm ra luồng lạch. Cho nên ông luôn trăn trở vì “không sợ thuyền đắm, chỉ sợ đi sai hướng ngược dòng”.
Sau thế chiến 1, thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang Xiêm, sang Trung Quốc ngày một tăng. Đặng Thúc Hứa lại thêm một vai trò mới. Ông cắt cử những đồng sự thân tín đảm nhiệm việc đón đưa, lo nơi ăn, chốn ở, cấp lộ phí và dẫn đường cho các nhà hoạt động cách mạng từ trong nước qua Xiêm, rồi từ Xiêm sang Trung Quốc. Năm 1923, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Tản Anh, Hồ Tùng Mậu v.v… đã đến Xiêm và ở lại Bản Thầm ít lâu. Sau đó, họ sang Trung Quốc lập ra tổ chức Tâm Tâm xã. Tiếng bom Sa Điện ám sát Toàn quyền Méc lanh của Phạm Hồng Thái đã có tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc cùng Bôrôđin, cán bộ quốc tế Cộng sản tới Quảng Châu. Nguyễn Ái Quốc được đảm nhiệm phụ trách phong trào cách mạng ở các nước Đông Nam Á. Vì vậy, trên cơ sở của tổ chức Tâm Tâm xã, Nguyễn Ái Quốc đã dìu dắt họ theo đường lối cách mạng mới của chủ nghĩa cộng sản. Và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời. Đây là một tổ chức cộng sản đầu tiên đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Con thuyền cách mạng Việt Nam từ đó chuyển hướng đi đúng luồng, đúng lạch theo xu hướng chung của cách mạng vô sản thế giới. Vậy là Đặng Thúc Hứa cùng các đồng chí của ông và Kiều bào yêu nước ở Xiêm đã có những đóng góp đầy ý nghĩa cho sự ra đời của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc phái Hồ Tùng Mậu từ Quảng Châu sang Xiêm để thành lập chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí. Và Đặng Thúc Hứa đã trở thành một cán bộ mẫn cán, có uy tín của Chi hội. Vậy là Đặng Thúc Hứa đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ kịp với sự vận động tất yếu của cách mạng.
Năm 1927, do sự phản bội của Tưởng Giới Thạch, Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí buộc phải giải tán. Tháng 08 năm 1928 Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm và hoạt động ở đây cho đến tháng 09 năm 1929. Người đã đánh giá cao về những hoạt động tích cực, nhiệt thành và có hiệu quả của Đặng Thúc Hứa, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng Việt kiều yêu nước.
Ngày 20 tháng 04 năm 1930, tại khu Hủa lăm phông (Băng Cốc), Nguyễn Ái Quốc tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Xiêm. Đặng Thúc Hứa vì ốm nặng nên không tới dự được nhưng đã vinh dự được giới thiệu là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Xiêm. Vậy mà, chỉ một năm sau, năm 1931, Đặng Thúc Hứa đã mất tại Uđon, hưởng thọ 61 tuổi.
Đặng Thúc Hứa đã dành trọn cuộc đời mình cho những hoạt động cách mạng ở hải ngoại. Ông đã đi từ chủ nghĩa yêu nước tới giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin để rồi trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Xiêm./.
|