Tới dự đêm giao lưu nghệ thuật có ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện cựu TNXP, thân nhân gia đình các liệt sĩ hy sinh ở Truông Bồn.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Truông Bồn, Huyền thoại và Tri ân” do TƯ Đoàn, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, nhằm tri ân những đóng góp của TNXP, trong đó có 13 TNXP thuộc tiểu đội 2, Đại đội 317, Đội 6, hy sinh ngày 31/10/1968 tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Chương trình đã làm sống lại những kí ức không thể nào quên về một thời bom đạn, một thời oanh liệt, một thời hào hùng, một sự kiện bi hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta mà ở đó những chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn là biểu tượng đẹp nhất cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng sáng ngời. Nơi đây các anh, các chị TNXP đã gửi những gì đẹp nhất của tuổi thanh xuân, những “cọc tiêu sống” giữa rừng bom, lưới đạn vẫn “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”...quyết giữ cho mạch máu giao thông được thông suốt để cho những đoàn xe ra tiền tuyến. Những bài hát: Vui mở đường, Cô gái mở đường, Hoa mua tím Truông Bồn, Đường Trường Sơn xe anh qua… đã làm sống lại một thời chiến tranh khốc liệt.
Phát biểu tại đêm giao lưu, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ: “Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến độc đạo chiến lược nối liền mạch máu giao thông để Miền Bắc chi viện cho Miền Nam. Nơi đây, sáng ngày 31/10/1968, 13 trong số 14 thanh niên xung phong đã hy sinh trong một trận ném bom của giặc Mỹ. Từ đêm huyền thoại anh hùng đó lại nay đã qua hơn 4 thập kỉ, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất hoang tàn năm xưa, những chiến sĩ dũng cảm đã làm nên huyền thoại Trương Bồn đã trở thành bất tử, là biểu tượng thiêng liêng, là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, tri ân”.
Chương trình tái hiện một thời đạn lửa trên con đường 15A mà điểm nhấn là Truông Bồn qua những thước phim tư liệu, nghe những câu chuyện của các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, nhà báo thường trú tại Nghệ An...đã trực tiếp chứng kiến hành động quả cảm, sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Truông Bồn vào ngày 31/10/1968.
Đã 44 năm trôi qua nhưng nhà báo Thanh Phong vẫn không quên được những năm 1967-1968 địch đánh phá ác liệt tại nhiều trọng điểm. Cầu Cấm tắc, quốc lộ 1A gián đoạn, bom đạn dồn xuống Truông Bồn biến nơi đây thành chảo lửa. “Đêm 30/10/1968, ai cũng hồi hộp chờ đợi giây phút Mỹ ngừng ném bom, có người đã nhận được giấy báo nhập học, các chị sửa soạn gói tem phiếu, tư trang chuẩn bị lên đường; Một đôi nam nữ TNXP yêu nhau, khấp khởi chờ ngày cưới. Nhưng rạng sáng ngày 31/10, trận bom khốc liệt địch ném xuống dốc Kỳ Lợn đã cướp đi sự sống của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317”, nhà báo Thanh Phong nhớ lại.
Cũng tại đêm giao lưu, các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm đã ủng hộ gần 77 tỷ đồng chung tay cùng UBND tỉnh Nghệ An xây dựng Dự án khu di tích lịch sử cách mạng Truông Bồn, thể hện tình cảm “uống nước nhớ nguồn” tôn vinh các thế hệ quân dân đi trước đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Một số hình ảnh đêm giao lưu nghệ thuật “Truông Bồn, huyền thoại và tri ân”:
Ông Hồ Đức Phớc - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ôn lại lịch sử của địa danh lịch sử Truông Bồn
Các hoạt cảnh tái hiện lại ký ức một thời bom đạn, một thời oanh liệt của lực lượng TNXP
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn kể về quãng thời gian tham gia TNXP
Chương trình giao lưu nghệ thuật được dàn dựng công phu để lại nhiều cảm xúc cho khán giả
Cuộc hội ngộ của các cựu TNXP.
Các cựu TNXP xúc động khi xem chương trình nghệ thuật "Truông Bồn, huyền thoại và tri ân"
Tặng quà cho thân nhân gia đình 13 liệt sỹ Truông Bồn.
Các đơn vị, cá nhân ủng hộ UBND tỉnh Nghệ An xây dựng Khu di tích Truông Bồn.
Nguyễn Duy - Doãn Hòa