Ông Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng VH-TT-TT thị xã Hồng Lĩnh vừa cho biết, trong quá trình đào đất kè móng chống xói lở xung quanh khu vực ngôi miếu Bà tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, một số người dân nơi đây đã phát hiện nhiều chiếc bình vôi cổ độc đáo thời Lê - Mạc…
Khu vực phát hiện được xác định nằm dưới lòng đất với độ sâu khoảng 1m, phía sau ngôi miếu được cư dân bản địa gọi là miếu Bà, nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, phía trước khu vực chùa Thiên Tượng.
|
Bộ sưu tập bình vôi cổ được phát hiện tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh |
Bộ sưu tập bình vôi cổ được phát hiện gồm 10 chiếc, còn tương đối nguyên vẹn, phần lớn bị sứt quai và rất nhiều chiếc khác bị vỡ. Bộ sưu tập có chung chất liệu bằng gốm sứ, men trắng rạn và màu xanh lục, màu men bóng mịn, chân đế bình để thô không tráng men, đây là nét đặc trưng của loại hình gốm sứ thời Lê - Mạc, thế kỷ XV - XVI.
Chiếc bình lớn nhất có kích thước cao 9cm, đường kính mặt trên 10cm, mặt dưới đế 7cm, có trỗ một lỗ tròn phía bên có kích thước đường kính là 2cm. Bình vôi được tạo dáng gồm hai phần, quai cong, đế thấp lõm, phần tiếp giáp gữa thân bình và đế có gờ nổi. Hai bên và thân quai được đắp nỗi các dải xoắn mô tả hình hoa cau và hai chữ Hán cổ, phía trên ở giữa chạm nổi họa tiết hình hoa 5 cánh màu xanh lam.
|
Một chiếc bình vôi cổ thời Lê - Mạc, tráng men rạn và có màu xanh lục. |
Qua giám định ban đầu của các nhà khảo cổ học Hà Tĩnh, số bình vôi cổ này có niên đại khác nhau. Tại hiện trường, các nhà nghiên cứu khảo cổ còn phát hiện có rất nhiều mảnh gốm cổ thời Trần, nhưng chỉ còn lại một chiếc bình vôi có kiểu dáng lạ, tráng men màu nâu, được trang trí họa tiết hình hoa văn khắc vạch đối xứng thời Trần còn nguyên vẹn.
Được biết, trên điạ bàn Hà Tĩnh đã từng phát hiện rất nhiều gốm sứ cổ thời Trần, thời Lê - Mạc. Nhưng loại hình bình vôi cổ có niên đại thời Lê - Mạc, thế kỷ XV - XVI được phát hiện tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh là những hiện vật độc đáo có giá trị lịch sử, lần đầu tiên được tìm thấy ở Hà Tĩnh, chứa đựng nhiều điều bí ẩn cần được tiếp tục nghiên cứu.
Hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh đưa một số tiêu bản về bảo quản nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu. Số còn lại hiện đang được cất giữ tại miếu Bà.
LÊ BÁ HẠNH
theo hà tĩnhonline