(Baonghean) - Ngày xửa ngày xưa, con người chúng ta chỉ là những điểm cố định với toạ độ là những hằng số. Người ta sinh ra, cất tiếng khóc dưới một mái nhà tranh, dò dẫm lớn lên bên cục đất, cọng rơm, cả cuộc đời loanh quanh đi từ đầu hè ra đồng, từ đồng lên núi, từ núi xuống sông, từ sông vào chợ, từ chợ về đến cái chái bếp con con.
Sự tồn tại của chúng ta đơn giản và tuần hoàn như việc hít vào thở ra, khi ta chết đi những tiếng khóc cất lên cũng dưới mái nhà tranh ấy, và hồn ta tan biến vào vĩnh hằng, hoá thân thành cục đất cọng rơm, thành đầu hè, thành đồng ruộng, thành con sông, cái chợ, góc bếp thân quen. Đời người chỉ thế thôi. Chung thuỷ và sắt son không hề biết đổi thay.
Khi xã hội lớn thêm chút nữa, chúng ta trở thành những đường thẳng cắt nhau. Có những đường thẳng giao nhau ở tổ tiên, dòng họ, gia đình. Có đường thẳng gặp nhau ở tình bạn, tình yêu. Những đường thẳng có thể chạy đi rất xa theo những hướng khác nhau. Những người con lớn lên và rời xa quê hương đi học tập hay lập nghiệp ở một chân trời xa lạ. Nhưng không bao giờ ta quên nơi nào đó trong không gian rộng lớn này là điểm mốc, là gốc rễ, là bến bờ neo đậu để ta không như diều đứt dây trên bầu trời bao la. Những con người của thế hệ ấy dù đi đâu xa cuối cùng rồi vẫn cứ mong mỏi tìm về với cội nguồn của mình. Người ta gọi đấy là "Uống nước nhớ nguồn".
Chúng ta hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Sinh ra lớn lên, nhiều người chỉ mong sớm được tung cánh bay cao, bay xa. Nhìn lại mảnh đất của ngày hôm qua, còn lại được bao nhiêu trìu mến yêu thương và ơn nghĩa, hay ta chỉ biết chê bôi, chán ghét, rũ bỏ những lạc hậu, méo mó, những kém cỏi, đói nghèo chẳng thể nào so sánh được với cuộc sống đủ đầy sung túc mà ta thụ hưởng ở chân trời lạ? Gốc rễ của ta đâu? Bến bờ của ta đâu? Hay chúng ta chỉ là những đường thẳng song song mãi mãi xa nhau, mãi mãi đơn độc, cứ mải mê đeo đuổi một chân trời xa lắc ở tận vô cùng?
Càng nghĩ lại càng thương. Càng thương lại càng lo. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao những người như bố mẹ ông bà ta dù đi đâu vẫn quay trở về với mảnh đất của mình? Tại sao những người con xa xứ như Ngô Bảo Châu đạt đến tột đỉnh vinh quang rồi vẫn từ bỏ tất cả để quay về quê hương còn thiếu thốn, lạc hậu đủ đường? Chẳng phải là để kiến thiết lại quê hương này, mảnh đất này, để cho con cháu họ (tức là chúng ta) được thụ hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn ư? Chúng ta hôm nay biết nghĩ lớn hơn, biết nhìn xa hơn bố mẹ, ông bà ta hôm qua nhiều lắm. Nhưng xin đừng chỉ biết nhìn xa mà quên mất những điều gần gũi, nhỏ nhặt ở ngay trước mắt. Các bạn trẻ xin cứ việc học hỏi, ca ngợi những cái hay cái đẹp ở chân trời lạ. Nhưng xin đừng học những điều ấy để rồi phê phán, chối bỏ cái nôi đã sinh ra mình. Vì chối bỏ cội nguồn cũng chính là chối bỏ sự tồn tại của bản thân mình, và ngược lại, xây dựng, cải tạo quê hương mình ngày một giàu đẹp chính là đang tôn vinh bản thân, là để ta và con cháu ta mai sau có quyền được bạn bè gần xa nể trọng khi nói: "Tôi là người con của mảnh đất này và tôi hoàn toàn tự hào về điều đó".
Tôi viết những lời này từ một nơi rất rất xa, nhưng trái tim tôi vẫn luôn đập nhịp đập của quê hương không ngừng nghỉ. Người ta thường nói rằng chỉ những người già mới tha thiết hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra, tôi thì không cho là thế. Hoặc cũng có thể là tôi đã già rồi không biết chừng, hay nói đúng hơn, từ một đứa trẻ chồn chân háo hức được tung cánh bay cao bay xa, trái tim tôi đã trưởng thành và tìm lại được bến bờ xưa cũ để quay về, trước khi tuổi trẻ của tôi bị phí hoài nơi đất khách quê người thay vì làm được điều gì có ích cho mảnh đất nơi hồn tôi neo đậu. Còn bạn thì sao?
Hải Triều (Mail từ Paris)
|