(Baonghean) - Quê ở Nghệ An, lần đầu tiên sang đất Lào lập nghiệp, Trương Thu Hương trăn trở, bây giờ những quán ăn Việt Nam ở đất Viêng Chăn này đều có những cái tên để mọi người dễ nhận biết, em cũng đã trăn trở nên gọi quán mình như thế nào cho dễ nhớ?
"Quê mẹ em, đất Nghệ có con sông Lam bắt nguồn từ Lào, chảy qua các tỉnh từ biên giới Kỳ Sơn qua Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc rồi đổ ra biển ở Cửa Hội. Em đã đi nhiều nơi, sống ở Quảng Ninh rồi Hà Nội, cuối cùng quay về Thành phố Vinh. Sau đó quyết tâm sang đây kinh doanh. Em biết Việt Nam và Lào là 2 nước có mối quan hệ rất đặc biệt và năm nay là năm Hữu nghị Việt Nam- Lào, nên với phương diện và lĩnh vực nhỏ bé của mình em muốn đóng góp một cái gì đó thật ấn tượng đối với gia đình mình và bạn bè nơi xứ Lào". - Trương Thu Hương tâm sự.
Ăn món gì, sống trên đất bạn, Hương cũng muốn tạo cho mình và cho khách cảm giác như đang sống trên quê hương mình, và đó cũng là lợi thế của nhà hàng. Chính vì thế, Trương Thu Hương chọn cái tên cho nhà hàng của mình là "Sông Lam quán" cũng có lý.
Quán tọa lạc nơi bản Na-xay, Viêng Chăn
Ở đất Viêng Chăn này, quán Việt mọc lên tương đối nhiều, nhưng cũng chỉ là những cái quán nhỏ lẻ, đơn giản để giải quyết nhu cầu cho khoảng dăm ba khách là những lao động người Việt. Cũng đã có vài nhà hàng lớn nhưng những du khách hầu bao ít thì không dám ngó ngàng tới. Du khách Việt không phải ai cũng xúng xính đồng tiền, với lại những cựu chiến binh đi tìm đồng đội, tìm về chiến trường xưa, hay những người bạn Việt lâu ngày sang thăm bạn Lào... làm sao xúng xính được!
Khách Việt thường chọn du lịch Lào, vì người Lào thân thiện, mến khách, hiền hòa, lại là nước có mối quan hệ khăng khít, như được trở về nhà mình. Lào được mệnh danh là miền đất Phật với nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô như các chùa Simuang, Siraket, Thatluang, Vườn Phật Xiengkhuan... Hàng ngày, vào sáng sớm, các nhà sư vẫn giữ được tập quán khất thực. Vào mùa lễ hội, người người, nhà nhà lên chùa tắm Phật cầu may. Lào cũng có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt đối với người Việt Nam thì Lào còn là chiến trường xưa gắn bó hai dân tộc. Mỗi năm, khách Việt Nam đi du lịch Lào hàng chục ngàn lượt người. Nhiều đoàn muốn tìm ăn món Việt cho đỡ "lạ nước lạ cái" vẫn khó...
Tọa lạc gần ngã ba đường Na-xay của Thủ đô Viêng Chăn, một khu phố Lào rất nhiều người Việt Nam thuê trọ, "Sông Lam quán" chế biến các món ăn ngon giá lại bình dân. Đặc biệt ngạc nhiên với món cá anh vũ - cá "đặc sản" tiến vua. Tôi đọc trên mạng, thấy loại cá này ở ta rất đắt, có khi đến vài triệu một cân, nhưng cũng khó tìm. Nghe nói, có đại gia từ Sài Gòn chi đến 20 triệu đồng để được ăn món cá anh vũ Phú Thọ. Thế mà ở đây, thứ cá ấy rất sẵn, chỉ độ 150 ngàn đồng mỗi cân (khoảng 55 ngàn kíp). Hiện ở Lào còn bảo tồn được nhiều giống cá tự nhiên mà ở ta đã rất hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Là người quê Nghệ, khi bắt đầu sang Lào, Trương Thu Hương đã kéo rất đông những đồng hương có kinh nghiệm nấu nướng quê mình sang. Hoàng Trung Thông (em rể, quê ở Đô Lương, làm quản lý nhà hàng), Trịnh Ngọc Vân (quê Diễn Châu, từng có nhiều năm làm đầu bếp cho Tỉnh ủy Kon Tum, rồi mở hàng ăn ở Thái Lan), Chăm pa sak (Lào), Nguyễn Bá Quý (quê Thanh Chương, từng chuyên món dê núi ở Thị trấn Dùng), Nguyễn Anh Tuấn, Phan Đức Dũng (cùng quê Thành phố Vinh), rồi Nguyễn Thị Nhân, Hà Thị Long... đều "đầu quân" vào "Sông Lam quán". Trường hợp chị Hà Thị Long, quê xã miền núi Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, có chồng là bệnh binh, ốm đau liên miên, cả ba mẹ con dắt díu nhau sang xứ Lào làm thuê kiếm tiền nuôi chồng...
Gia đình Sông Lam quán
Mỗi cuộc đời đến với "Sông Lam quán" là mỗi hoàn cảnh của người xa xứ, họ đã gặp nhau ở tiếng "quê" để hợp nhau lại đầm ấm.
"Mình học ở Hà Nội 4 năm đại học, 2 năm cao học, nay đến thưởng thức món ăn Việt để nhớ những kỷ niệm Hà Nội". - Suliphon Chantha, cư dân bản Hongkaikeo, quận Chanthaburi, Thành phố Viêng Chăn, nói.
Đến quán, tôi thấy ấm áp những giọng mời chào: "Anh dùng món chi?", "Anh ở mô sang?", "Hải sản Cửa Lò nhá, món Lào thì có các món ni nì...?".
Cái tên "Sông Lam quán" với sự lan tỏa văn hóa ẩm thực đã và sẽ còn góp thêm nhiều ý tưởng ấn tượng trên đất Lào!
Quốc Khánh
|