TT - 21 lần đi thi, đến năm 82 tuổi mới đậu cử nhân. Đó là thí sinh đặc biệt nhất của lịch sử thi cử Việt Nam, ông tên Đoàn Tử Quang (1818-1928), quê ở làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Đức Hòa, Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Bàn thờ cụ Đoàn Tử Quang ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) - Ảnh: THÁI LỘC
Ảnh chụp cụ Đoàn Tử Quang lúc 106 tuổi - Ảnh: Thái Lộc chụp lại
Người đỗ đầu khoa thi năm ấy là chàng thí sinh Phan Bội Châu, đã có câu đối tặng “cụ thí sinh” Đoàn Tử Quang, rằng: “Xảo thật trời kia, quyệt thật trời kia, hẵng đem nỗi cay đắng thử thách tài hoa, đã toan phụ tám mươi năm nợ nần thư kiếm/Lạ thay người ấy, sướng thay người ấy, muốn ôm mớ văn chương trả về tạo hóa, mà lại xem muôn ngàn dặm đường cái phong vân”.
Trường thi ngơ ngác
Tại khoa thi hương năm Canh Tí 1900, cả trường thi Nghệ An đều ngạc nhiên trước một trường hợp gần như chưa từng có trong lịch sử khoa cử Việt Nam: một thí sinh 82 tuổi, râu tóc bạc phơ bước vào trường thi đua tài cùng khoảng 4.000 mái đầu xanh đáng hàng con cháu.
Trong bài ký về trường thi đặc biệt ấy, hai vị quan chánh chủ khảo là Khiếu Năng Tĩnh và phó chánh Mai Khắc Đôn chép lại rằng có một “kẻ nọ” (quan viên) xin phép trường thi gọi cụ hỏi thăm sức khỏe: “Gọi đến lượt lão, lão vào. Kẻ lại phòng nọ xuống ghế, cầm lấy tay mà nói: “Tốt thay! Thọ bấy mà chí sao bền thế? Mắt lão có mờ chăng?”. “Có mờ!”. “Tai lão không điếc chăng?”. “Có điếc!”. “Chân, gối lão không yếu và mỏi chăng?”. “Còn đi, còn lạy, còn đưa đón được!”. Kẻ nọ nghe nói khen mạnh thực! Lão bỏ quyển vào ống rồi vào, coi rõ thẻ, đóng lều, chẫm chệ ngồi trên ghế!”...
Hầu hết mọi người đều lo lắng cho sức lực cụ già không địch nổi với lứa tuổi thiếu niên tài hoa. Các quan viên cũng tìm nhiều cách thử khả năng của thí sinh đặc biệt này, và ngạc nhiên khi “duyệt lại thấy không có chữ nào nét đậm nét lạt, hàng xiên hàng thẳng cả”. Bài thi của cụ Đoàn Tử Quang năm ấy, theo nhận xét của quan chánh chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh, chính là “địch thủ” của thí sinh Phan Bội Châu: “Trong bốn kỳ văn quyển thấy nét chữ, cốt cách còn dư tươi, tuy rằng giải nguyên khoa này, Phan Bội Châu ba mươi bốn tuổi tưởng không có thể lấy nét chữ ăn lão được một mảy...”. Tuy vậy, kết quả bốn vòng thi cụ Quang đã đạt hai vòng ưu, một vòng thứ, một vòng bình. Lẽ ra ông được xếp thứ nhì, nhưng trong bài thi bỏ sót mất một chữ nên xếp hàng áp chót, thứ 29/30 người đậu...
Có bằng cử nhân, dù đã quá tuổi theo quy định nhưng cụ Đoàn Tử Quang cũng được bổ nhiệm làm chức quan huấn đạo (lo việc học hành) ở huyện Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh). Đến năm 1903, cụ xin cáo quan về quê để phụng dưỡng mẹ già. Cụ mất vào ngày 7-2 năm Mậu Dần 1928, thọ 110 tuổi. Cuộc đời cụ quả là hiếm hoi, sống qua suốt 13 đời vua Nguyễn từ Gia Long cho đến Bảo Đại, từng chứng kiến biết bao thăng trầm của vận nước.
Thi để báo hiếu mẹ già
“Thấy tuổi già tưởng văn non mà thương, hóa ra những món tưởng non lại thành cứng; thấy già tưởng chữ viết lòe nhòe xiên xẹo mà chính ra lại cứng cáp tốt tươi. Tưởng bênh cho may đậu tú tài mà lại tự mình sắp đậu giải nguyên. Tưởng tám mươi hai tuổi là già lắm, mà còn mẹ chín mươi tám tuổi. Chín mươi tám tuổi mà góa chồng từ thủa mười bảy. Tưởng lòa, lảng, yếu mà sáng tỏ, mạnh. Tưởng lấy phần cho cháu chắt mà chính lấy phần cho mẹ già. Tưởng vì công danh mà đeo đuổi khoa trường mà chính ra là muốn cho vui lòng mẹ”.
(Học giả Hoàng Xuân Hãn viết về thí sinh đặc biệt Đoàn Tử Quang, đăng trên báo Thanh Nghị năm 1944)
Chúng tôi tìm về nhà thờ họ Đoàn Tử ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, trong những ngày cuối tháng 6 nắng rát. Ngôi nhà rường ba gian hai chái kép nằm ven sườn của rú Nậy, xung quanh là nhà cửa của con cháu họ Đoàn Tử sống quây quần. Bức ảnh chân dung cụ trên bàn thờ râu tóc bạc phơ, tướng mạo khoan thai, đĩnh đạc, đẹp như một tiên ông. Gia đình cho biết bức ảnh này chụp cụ lúc 106 tuổi, trong chuyến đi thăm Hà Tĩnh của vua Khải Định vào năm 1924.
Ông Đoàn Tử Hòa, cháu năm đời của cụ Đoàn Tử Quang, hiện là bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa, cho biết: cụ vốn tên Đoàn Tự Cận. Sau nhiều lần lều chõng đi thi mà chỉ hai lần đỗ tú tài, một lần vào năm 1867 và một lần vào năm 1884, lúc đã 66 tuổi. Cụ cho rằng do cái tên mình như bị trời giam hãm (tự trong chữ Hán như có mái che ở trên không nhìn được cao xa; cận tức gần), nên đã thay đổi bằng cách “tháo cái mái” trên đầu chữ “Tự” thành chữ “Tử” (nghĩa là con), đồng thời đổi tên Cận thành Quang (sáng), như một sự nhận lãnh trách nhiệm xây dựng họ Đoàn Tử theo nghiệp thi thư. Thế nhưng nhiều khoa thi tiếp theo vận may vẫn chưa mỉm cười. Ông Hòa cũng cho biết đến tuổi 82, cụ Đoàn Tử Quang không muốn đi thi nữa vì tuổi đã quá cao, song vì muốn báo hiếu với mẹ già mà quyết mang lều chõng thêm một phen nữa.
Đầu năm 1900, bà Nguyễn Thị Sen, vợ ông, vừa qua đời. Theo quy định của triều đình, hai con trai là Đoàn Tử Tiến và Đoàn Tử Thiều phải đoạn tang ba năm mới được thi. Cả làng Thượng Đạt năm ấy không có ai đi thi nên các vị chức sắc trong làng đến xin cụ ứng thí để làng còn mở mày mở mặt. Cụ lắc đầu. Vốn cụ nổi tiếng là người chí hiếu với mẹ già, họ đã tác động đến người mẹ Lê Thị Nậm năm ấy đã 97 tuổi; bà cụ đã khuyên nhủ con trai thi tiếp vừa để giữ thể diện gia đình. Sau này trong lễ nhận bằng của triều đình, cụ Quang đã trả lời lý do đi thi với các quan viên rằng: “Lúc mẹ lão mười bảy tuổi thì trời cướp mất cha lão. Mẹ lão thủ tiết nuôi con; lênh đênh cơ khổ cho đến lúc thành lập. Vào khoảng thời Tự Đức, được phong Tiết phụ thứ hạng và được thưởng bạc mười lăm lượng. Mẹ lão cảm ân chảy nước mắt. Lão đậu tú tài hai lần mà vẫn xui lão gắng học; bảo lão rằng ta từ khi làm vợ nhà mày, chưa từng thấy cha mày một ngày nào mà không đọc sách. Cha có chí chưa thành, mày cứ học đến già khiến cho con cháu nối đó mà học để thành được chí cha mày. Lão có ngày nay, hết thảy nhờ công dạy của mẹ lão!”.
Ở buổi xướng danh năm ấy, sau khi được cấp mũ áo ra trình diện, bái lạy ân và lộc yến vua ban, cụ lấy những thức ăn có thể lấy được cho vào trong tay áo. Những người ngồi bên cười nói chắc ông lão lấy nhiều về chia cho rất đông con cháu. Song họ đã nhầm. Cụ lấy lộc vua về dâng mẹ.
THÁI LỘC
Theo Xunghe.vn
|