Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Người “giữ lửa” họ Đồng Người “giữ lửa” họ Đồng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Rời quân ngũ, trở về đầm mình trong lời ru quê hương nơi miền gió cát thôn Vĩnh Tiến, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, một địa danh chỉ được biết đến bởi lam lũ đói nghèo, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lũ, chưa gió đã bão, bệnh binh Đồng Văn An được coi như người “giữ lửa” của họ Đồng ở đây.

Tuổi Canh Dần (1950) cầm tinh con hổ cứ ngỡ đây đó tung hoành, nhưng ngoài những tháng năm trong quân ngũ, cả đời gắn bó với một miền quê khắc khổ như thế cũng đủ để nói lên sức chịu đựng của ông như thế nào.

Thuở nhỏ, ngoài một lần tận hưởng không khí cả làng được mùa trong niềm vui nghẹn nước mắt vào năm Kỷ Hợi (1959) cùng với đó là cái dạ dày của cậu bé Đồng Văn An biết được thỏa thuê co bóp dăm ba bận tháng, bận ngày. Nhường chỗ lại cho tất cả những ký ức sâu thẳm về quê hương đối với ông có lẽ chỉ là những hạt thóc lép bay dọc triền đê hắt hiu tháng rộng, năm dài.

Người “giữ lửa” họ Đồng
Vợ chồng ông Đồng Văn An

Mảnh vườn của ông xưa kia là một bãi bồi chỉ có sú, vẹt và bần chua lum khum buồn giữa cảnh triều lên, nước xuống. Thân sinh của ông là cố Đồng Văn Hiến được coi như người đi đầu trong cuộc cách mạng chống lại đói nghèo ở Thạch Bàn. Một mình cố từng dùng thuyền ba ván chở đất từ ngọn Dở Mặn quần quật như một kẻ trạo phu kéo thuyền dọc mép sông cửa Sót đắp nên đập Hội ngăn mặn trồng ra hạt lúa, củ khoai. Năm Bính Tuất (1946), đói dồn, đói dập, cố Hiến lại trở thành người hùng đứng ra kêu gọi 17 hộ gia đình khác đắp đập Miệu Vua mở hơn 1 ha đất cấy cày.

Không biết bao mồ hôi, nước mắt của người mở đất giành giật với thiên tai kiếm từng hạt lúa, củ khoai. Nhưng hạt lúa, củ khoai tồn tại ở nơi này đâu dễ nên người Thạch Bàn xưa nay coi nghề làm ruộng chỉ là những canh bạc đỏ đen, mà vận đỏ thường quay lưng lại với người.

Cố Hiến không những là một trong những người như thế mà nghịch lý đời cố còn phủ phàng hơn. Bởi một thời, Thạch Bàn cũng không nằm ngoài chủ trương chuyển đổi ruộng đất, đặc biệt vào năm giáp thìn (1964) xã Thạch Bàn được ra đời trên cơ sở chia tách từ xã Thạch Đỉnh để chuyên canh nghề muối. Từ đó những sào ruộng của cố từng khai hoang cứu đói đành phải nộp lại cho hợp tác xã.

Mặc dầu giấc mộng với cây lúa, củ khoai không thành, nhưng trước khi nhắm mắt cố Hiến kịp dặn lại với con cháu rằng, cần phải tự hào về dòng họ và gìn giữ tất cả những gì tổ tiên đã gầy dựng. Hồn vía quê hương làm nên cốt cách của ông, để rồi dù đi đâu, làm bất cứ việc gì, ông cũng không thoát ra khỏi những mối ràng buộc của quê xứ. Cái mốc kỷ niệm không bao giờ quên trong ông là mùa hè năm Tân Hợi (1971) Đồng Văn An bắt đầu bước ra khỏi cái làng đầy tủi thương ấy khoác lên mình màu áo lính tham gia vào quân ngũ.

Và mùa xuân năm 1975, Đồng Văn An được hòa vào đoàn quân ào ào thác lũ tiến vào giải phóng Sài Gòn. Để được góp sức vào niềm vui chiến thắng của dân tộc ông đã phải hứng chịu không biết bao thương tích trên cơ thể. Nhưng ông cho rằng mình còn may mắn hơn hàng triệu người khác là được tận mắt nhìn thấy lá cờ đỏ tung bay trên nóc dinh Độc Lập đúng vào giây phút trọng đại nhất của đất nước và được sống trở về với quê hương, ngày, đêm nghe tiếng thổn thức từ biển mặn dội về trên những luống đất của cha ông mình từng thấm đẫm bao mồ hôi nước mắt.

Như một cơ duyên từ kiếp trước, nhân một dịp về phép anh lính bệnh binh có thân hình nhỏ nhắn, gầy yếu xanh xao Đồng Văn An không ngờ phải lòng bà Nguyễn Thị Cúc một diêm nữ xinh đẹp đảm đang nổi tiếng ở làng trên. Từ đó, hình như mọi ước vọng của Đồng Văn An bắt đầu rẽ sang một hướng khác. Năm Bính Thìn (1976), đám cưới của họ được tổ chức trong niềm vui tột cùng, nhưng chỉ vài ngày sau ông tiếp tục trở lại đơn vị biền biệt tới mười hai năm sau mới phục viên trở về.

Người “giữ lửa” họ Đồng
Nghề chăn nuôi vịt đẻ giúp gia đình ông An nâng cao thu nhập

Không thể hình dung nổi sự khó khăn thời bao cấp, nhất là vào những năm giữa thập kỷ 70 đến hết thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Với những người thuộc thế hệ như chúng tôi từng chứng kiến cảnh xác xơ tiêu điều ở những vùng diêm dân chuyên canh nghề muối mới càng thấu được nỗi cơ cực của người dân chốn này. Thời điểm ấy, bà Cúc không những một mình quần quật trên 1,5 sào nại khoán dưới cái nắng rát bỏng mà bà còn nhận lại một số ô nại của người khác bỏ làng đi vì cơm cao gạo kém. Bà chỉ mong làm được càng nhiều sản lượng muối nhập kho để được cấp thêm bo bo mà nuôi con qua tháng, đoạn ngày!

Trước hoàn cảnh gia đình và quê hương Đồng Văn An càng rơi nước mắt! Nhưng bệnh tật ốm đau vật lộn thường niên, nhất là những lúc trở trời, hơi gió toàn thân ông càng thêm buốt nhức. Tuy vậy, với bản lĩnh của một người lính và đặc biệt là những lời dặn của người cha như vẳng lại trong sâu thẳm đáy lòng. Vào một chiều giông gió mịt mùng giửa mùa đông năm Mậu Thìn (1988). Ấy là sau ngày vừa rời quân ngũ trở về, bất giác ông chạy một mạch từ nhà ra nghĩa trang làng úp mặt xuống mộ cha khóc sướt mướt rồi thề với linh hồn cha rằng, từ rày con sẽ làm tất cả những gì để không phụ lòng mong mỏi của cha dưới ngàn lau, chín suối.

Năm Kỷ Tỵ (1989) được coi là năm nhiều kỷ niệm buồn, vui lẫn lộn nhất đối với ông. Năm ấy, chứng kiến cơn lũ lịch sử chưa từng có xẩy ra ở Thạch Bàn mà chính gia đình ông là một trong những hộ hứng chịu tai họa khủng khiếp nhất. Cơn hồng thủy ấy đã xé toang toàn bộ hệ thống đê bao của xã, xóa sạch tất cả những đồng muối. Và như một con rồng đói khổng lồ nó ngoạm hết cả những miếng khoai khô cuối cùng dưới góc bếp nhà ông. Giữa lúc đó ông như con thoi ngược xuôi gào gọi trai tráng lao ra đê, tay nắm tay nhau giăng thành hàng cố gìm lại cơn thịnh nộ của Thủy tặc. Nhưng tất cả những gì có thể làm được cũng đành trở nên vô vọng!

Thời điểm cơn lũ xẩy ra lại đúng vào ngày chẵn tháng đứa con thứ ba của vợ chồng ông là cháu Đồng Thị Hương. Đến nay, ông vẫn không thể tin nổi rằng không biết sức mạnh nào đã gúp ông bơi được về nhà kịp bắc thang đưa mấy tấm ván lát trên mái nhà cõng vợ con lên ngay đầu miệng sóng. Giữa biển nước mênh mông không biết lấy đâu ra một ngụm nước để uống và bất cứ một thứ gì để mà ăn. Xót xa hơn, lũ rút tới đâu thì bầu vú của bà Cúc héo lại tới đó nên thuở ấu ắng của Đồng Thị Hương là những chuỗi ngày khát sữa triền miên!.. Có lẽ đó cũng chính là hình ảnh chung của những đứa trẻ vốn sinh ra ở Thạch Bàn luôn ám ảnh tôi kể từ khi tôi bắt đầu biết tới nơi này.

Sau lũ, cái đói lại tiếp tục gặm nhấm dạ dày của người Thạch Bàn khiến nhiều người bỏ cửa, bỏ nhà mà li quê kiếm sống làm cho xóm làng càng hoang tàn lạnh lẽo! Trước cảnh ngộ đó, ngay ông Lê Văn Lý, nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Bàn cũng không giữ nổi bình tĩnh vội xách con dấu của UBND xã lên huyện Thạch Hà giao lại cho UBND huyện xin xóa tên xã để huyện lo được thế nào thì lo. “Cái khó lại ló cái khôn”, trong lúc vừa phải đi làm thuê kiếm gạo nuôi vợ con, Đồng Văn An đã kịp tham mưu cho chính quyền xã kêu gọi những người có năng lực và nhiệt huyết lập dự án phục hồi tuyến đê bao cứu làng.

Sáng kiến của Đồng Văn An được nhiều người ủng hộ. Đặc biệt, chính ông Lê Văn Lý đã dốc hết toàn bộ số tiền của mình góp được trong quá trình ông đi làm nghề thầu khoán trước đó để làm kinh phí hoạt động cho Ban xây dựng đề án. Từ đó, Đồng Văn An người được cử làm tổ trưởng có điều kiện cơm đùm, cơm gói gõ cửa các nơi và ra tận Hà Nội thuyết trình dự án tại Bộ Thủy lợi. Không ngờ đề án của ông được đánh giá rất cao, được tổ chức OXFAM Bỉ ca ngợi và tài trợ với số vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng.

Có được nguồn đầu tư, Thạch Bàn chủ động mở thầu ưu tiên cho người trong xã thực hiện tạo điều kiện cho bà con tham gia, trước mắt giảm bớt khó khăn, vừa được hưởng lợi dự án lâu dài. Từ những việc làm ấy, Đồng Văn An ngày càng được bà con tín nhiệm. Năm Giáp Tuất (1994), ông được bầu vào HĐND xã khóa III, được giao giữ̉ chức Xã đội trưởng. Ngoài ra, ông còn đảm nhận chức trách quan trọng trong Hợp tác xã điện tham gia tích cực vào dự án Phát triển điện nông thôn ở Thạch Bàn. Lúc rỗi ông còn tranh thủ phở đất trồng màu, chăn vịt đẻ lấy trứng nhập lên thành phố tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh cuộc đời Đồng Văn An, bà Nguyễn Thị Cúc là một người vợ trên cả tuỵệt vời! Thương chồng, ngoài những ngày hè nóng nực bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên từng ô nại, bà Cúc còn đi đục sò, cào don dưới mép sông cửa Sót, hay lên rú Nam Giới đào rễ cỏ cú, sài hồ. Ngoài ra, bà còn vào tận Bình Dương, Bình Định đi làm nghề phụ nề, sang mỏ sắt Thạch Khê nấu ăn cho công nhân Công ty khai thác Hà Tu và thậm chí còn ra thành phố đi làm nghề Ôsin để lấy tiền nuôi con ăn học.

Cả vùng bãi ngang huyện Thạch Hà hầu như ai cũng biết tới và thán phục vợ chồng Đồng Văn An. Hạnh phúc của đôi vợ chồng bệnh binh nghèo được đền đáp bằng 5 tấm bằng Đại học của năm người con. Lần lượt là Đồng Thị Nhàn (SN 1979) tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội; tiếp đến là Đồng Phan Hoàng ( SN 1981) tốt nghiệp Học viện Biên phòng; Đồng Thị Hoa ( SN1988) tốt nghiệp Học viện hành chính quốc gia T.P Hồ Chí Minh; Đồng Thị Hương (SN 1989) tốt nghiệp Đại học Luật T.P Hồ Chí Minh và sau cùng là Đồng Thế Bảo (SN 1992) đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Luật, T.P Hồ Chí Minh.

Người Thạch Hà thường có câu: “nợ mòn con nậy”. Mặc dù tới nay vợ chồng Đồng Văn An còn nợ đọng Ngân hàng gần trăm triệu đồng tiền nuôi con ăn học. Nhưng điều quan trọng là ở một góc trời nghèo khó hết chổ nói như Thạch Bàn mà ông một con người mang đầy vết thương trên cơ thể lại dám nghĩ, dám làm những điều tưởng như không tưởng ấy. Điều mà ông vẫn thường khiên tốn nói: “nỏ có chi mô lại hóa vô cùng”!…

Có một điều khiến ông hết sức trăn trở là hơn hai mươi năm, kể từ khi cơn đại hồng thủy khủng khiếp nhất xẩy ra, Thạch Bàn vẫn còn tới 5.700 nhân khẩu với 1.200 hộ dân. Vậy mà tới thời điểm này cả xã chỉ còn lại 4.200 nhân khẩu với 890 hộ dân dù tỷ lệ sinh con ở đây vẫn duy trì ở mức cao. Với tuyến đê bao kiên cố, ngày nay người Thạch Bàn không còn phải đối mặt với triều cường, lũ dữ. Nhưng liệu một này nào đó con đê đầy ắp kỷ niệm buồn vui ấy có níu lại nỗi bao bước chân vì bát cơm manh áo mà đi đánh đổi phận đời?

Những đồng muối bây giờ đã bị bỏ hoang do đầu tư đầu cao mà giá thành đầu ra lại thấp. Không những vậy, diện tích ô nại càng bị thu hẹp bởi những dự án “ma”. Bà con diêm dân phải kéo nhau lên rú Mốc làm phu đá. Nhưng nghề đá quá phụ người nên đói nghèo cứ bủa vây lấy họ. Trong lúc đó, Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, một dự án trọng điểm nằm trên địa bàn vì nhiều lí do triển khai một cách chậm chạp khiến bà con không thế mạo hiểm tính chuyện sản xuất kinh doanh hay làm ăn bất cứ việc gì lâu dài.

Đồng Văn An là người hiếm hoi của họ Đồng trụ lại với quê cha, đất tổ không chỉ vì những mối ràng buộc tâm linh, mà ông luôn tin vào một tương lai rạng rỡ khi mỏ sắt Thạch Khê triển khai đồng loạt sẽ mở ra cơ hội cho con em được góp sức xây dựng quê hương đẹp giàu. Trước khi tiễn năm người con vào giảng đường Đại học ông từng dặn con cần phải nỗ lực học thật giỏi hy vọng một ngày nào đó trở về làm việc tại vùng mỏ gom lấy những giọt mồ hôi từ trong muối mặn mà tạ ơn tạo hóa, đất, trời.

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG
theo hà tĩnhonline


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66342557

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July