Cùng với Xứ Thanh, Xứ Lạng, Xứ Nghệ của dải đất miền Trung cũng rất nổi tiếng về truyền thống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc. Trong đó, dân ca ví, giặm là một nét vẽ phác họa khá đầy đủ về nhân cách, tâm hồn, tình cảm, tập quán, trí tuệ…của cư dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xưa. Dẫu ngày nay, không gian nguyên thể của ví, giặm không còn nhưng hồn quê Xứ Nghệ thì vẫn mãi lung linh, tròn trịa trong từng điệu hát, lời ca được lưu truyền…
Câu hát khắc đậm hồn quê Xứ Nghệ
Hà Tĩnh và Nghệ An tuy phân cách nhau về địa giới hành chính nhưng từ thuở xa xưa vốn đã gắn bó với nhau trong những điểm chung về truyền thống văn hóa, cách mạng, trong đó dân ca ví, giặm là một thực thể không thể tách rời. Gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa này đang là mối quan tâm chung của lãnh đạo và nhân dân 2 tỉnh. Các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm lớn nhỏ được liên tục tổ chức trong thời gian qua là một động thái tích cực để hồn quê Xứ Nghệ truyền thống sống lại thật lung linh giữa đời sống hiện đại.
Được bắt đầu bằng đêm khai mạc khá lộng lẫy, nhưng các chương trình nằm trong khuôn khổ liên hoan đã khiến dân ca ví, giặm Xứ Nghệ dần dần tự trút bỏ được tấm áo lụa là ấy mà bộc lộ chất mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần duyên dáng, ý nhị của mình. Những điệu ví, bài giặm với lời hát đơn giản, mộc mạc, nhiều phương ngữ đã khắc đậm hồn quê riêng Xứ Nghệ. Đó là một xứ với những người nông dân tinh tế, giàu tình cảm, bạo liệt mà bao dung, đáo để mà duyên dáng, đặc biệt là rất hiếu nghĩa, thủy chung và khá hiện đại trong tình cảm lứa đôi…
|
Tiết mục "Kháp mặt hẹn dạ nên duyên" của CLB dân ca xã Thạch Châu (Lộc Hà - Hà Tĩnh)
|
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Xứ Nghệ thì tùy theo đặc điểm thiên nhiên, tập quán sản xuất, sinh hoạt mà ở nhiều vùng trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có những điệu hát ví khác nhau còn giặm thì chủ yếu phát triển ở phía Nam Hà Tĩnh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy người dân xứ Nghệ từ xưa đã sáng tạo và lưu truyền những câu hát ấy một cách rộng rãi, họ xem nó như một thứ tài sản chung. Người dân vùng này có thể hát điệu hát của người dân vùng khác là bởi trong đó ẩn chứa những tâm tư, tình cảm, những khao khát chung. Chính vì thế tại liên hoan lần này có sự trùng lặp tiết mục trong chương trình dự thi của các CLB, trong đó nhiều nhất là điệu hát ví đối đáp giao duyên, ví phường cấy, hát giặm Phụ tử tình thâm, Thập ân phụ mẫu… Ban tổ chức cho rằng đó là phần hạn chế của liên hoan nhưng với cảm nhận riêng, tôi cho đó là cái được ở phương diện mức độ phổ biến và lưu truyền của các làn điệu trong cuộc sống hiện đại. Điều đó cũng thể hiện mối liên hệ mật thiết, gần gụi trong tâm hồn của cư dân 2 tỉnh.
|
Hoạt cảnh "dạy hát dân ca" của CLB dân ca xã Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An)
|
Ân tình Xứ Nghệ còn bộc lộ mạnh mẽ qua những đêm giao lưu giữa các CLB tại Nam Đàn, Nghi Xuân, Cửa Lò, TP Vinh…bên lề liên hoan. Khi những người dân vùng miền núi Nghệ An hay vùng sông nước Hà Tĩnh hát rất hay nhiều làn điệu mang tính đặc trưng của địa phương khác, khi đó người dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã hòa làm một trong mối ân tình chung. Anh Văn Dũng – thành viên CLB dân ca NGọc Sơn (Thanh Chương – Nghệ An) cho biết: “Hoạt động giao lưu trong chương trình liên hoan lần này như một động thái tích cực thắt chặt thêm mối tình keo sơn, gắn bó của người dân Xứ Nghệ. Trời Nghi Xuân đêm chúng tôi về hát có mưa nhưng không ngăn được lời ca, tình cảm của chúng tôi. Không chỉ hát cho nhau nghe chúng tôi còn hát những điệu hát đặc trưng của địa phương bạn và những cái hay, cái đẹp trong từng câu hát ấy đã khắc sâu hơn trong tâm hồn chúng tôi tình yêu với mỗi câu ví, giặm quê nhà, khắc sâu hơn ân tình của người dân Xứ Nghệ”. Có lẽ đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều nghệ nhân, thành viên các CLB khác.
Cháy bỏng niềm yêu tha thiết những khúc hát dân ca
Tuy đây là lần đầu tổ chức nhưng Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ với sự tham gia của 22 CLB và 700 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công qua 72 tiết mục có chất lượng cả về nội dung và nghệ thuật đã thu được những thành công lớn. Tình yêu với dân ca được thể hiện rất phong phú và đa dạng trong từng buổi biểu diễn. Từ những tiết mục được sưu tầm, biên soạn lại lời cổ đến một số lượng khá lớn những tiết mục tự biên đã chứng tỏ có một tình yêu dân ca đang âm thầm chảy trong trái tim của những người làm công tác văn hóa. Có thể thấy rất rõ điều đó qua tiết mục mang đậm sắc thái tình cảm, phương ngữ, tập quán sinh hoạt: “Kháp mặt hẹn dạ nên duyên” (Thạch Châu – Lộc Hà) hoặc là sự hòa quyện cuộc sống hiện đại và văn hóa truyền thống trong những tiết mục tự biên của CLB Diễn Thái (Diễn Châu – Nghệ An). Sự tham gia của những nghệ nhân cao tuổi như Trần Khánh Cẩm (Kỳ Thư – Kỳ Anh – Hà Tĩnh) và nhiều diễn viên nhí như Thu Hà (10 tuổi ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Hiền (14 tuổi ở Nghĩa Hội – Nghĩa Đàn – Nghệ An)… cũng cho thấy công tác tiếp nối giữa các thế hệ trong việc lưu truyền vốn văn hóa phi vật thể quý giá của Xứ Nghệ được các CLB triển khai rất tốt.
|
Nghệ nhân cao tuổi Trần KHánh Cẩm trong tiết mục "Ô lục soạn"
|
Tình yêu với từng câu ví, giặm còn được thể hiện bằng việc các nghệ nhân, diễn viên trẻ rất chú ý đến giọng hát, kỹ thuật hát, nhấn nhá, ngân nga theo đúng nhịp phách âm nhạc và sáng tạo riêng để thể hiện âm ngữ giai điệu của từng địa phương, từng thể loại ví và giặm. Tình yêu đó cũng được thể hiện qua cách trình diễn linh hoạt, thông minh hóm hỉnh kết hợp được “đố tục giảng thanh” đối đáp, triết lý hồn nhiên, hấp dẫn thu hút đông đảo khán giả. Và được khắc đậm hơn trong việc đầu tư về mỹ thuật phục trang, đạo cụ sân khấu thể hiện rất rõ bức tranh dân gian về đất và người xứ Nghệ.
Những diễn viên tham gia liên hoan dù họ là nghệ nhân cao tuổi hay là giáo viên, nông dân, thiếu nhi, dù họ đã dạn dày trên sân khấu hay còn bẽn lẽn, ngượng ngùng trước đông đảo khán giả thì khi cất lên lời hát họ đã truyền lửa tình yêu dân ca đến với đông đảo công chúng. Đó là một trong những thành công lớn của liên hoan. Nhà văn hóa lao động thành phố Vinh buổi diễn nào cũng chật ních khán giả đủ mọi lứa tuổi. Chị Diệu Hiền – một khán giả ở Hà Tĩnh cho biết: “Dân ca ví, giặm có một sức hút kỳ lạ đối với tôi. Nghe dân ca là phải hiểu dân ca. Bằng chính những tình cảm và trải nghiệm cá nhân của mình tôi đã đến và say những lời hát mộc mạc nhưng không kém phần triết lý, nhân văn của ông cha ta. Chính vì tình yêu đó mà ngày nào tôi cũng lặn lội từ Hà Tĩnh ra Vinh để theo dõi liên hoan”.
|
BTC trao giải A cho đại diện cho 2 CLB Thạch Châu và Diễn Thái
|
Liên hoan dân ca ví, giặm Xứ Nghệ kết thúc sau 3 ngày diễn ra sôi nổi. Ban tổ chức đã chọn trao 2 giải nhất cho CLB xã Nghi Liên (TP Vinh) và CLB xã Thạch Châu (Lộc Hà - Hà Tĩnh), trao giải A cho 15 tiết mục xuất sắc nhất. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao Chứng nhận Nghệ nhân cao tuổi trình diễn xuất sắc cho cụ Khánh Cẩm, 82 tuổi - CLB Kỳ Thư (Kỳ Anh - Hà Tĩnh); Tác giả có nhiều tiết mục xuất sắc cho cụ Cao Xuân Thưởng, CLB Diễn Thái (Diễn Châu - Nghệ An); Nghệ nhân nhỏ tuổi trình diễn xuất sắc cho Nguyễn Thị Hiền, 14 tuổi - CLB xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn -Nghệ An); Đơn vị sử dụng trang phục, đạo cụ phù hợp đẹp nhất cho CLB Lam Hồng, phòng GD-ĐT TP Vinh… Đó là sự ghi nhận quý giá đồng thời là sự động viên, khích lệ đối với những nỗ lực, đóng góp trong việc dựng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của Xứ Nghệ.
Liên hoan khép lại bằng việc mở ra trong lòng đông đảo công chúng một tình yêu tha thiết với khúc hát dân ca và khắc đậm hơn mối tình gắn bó của người dân 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh trong dòng chảy đời sống hiện đại. Và tôi tin, thành công của liên hoan cũng là động lực cho sự nỗ lực hơn nữa của các CLB dân ca trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị vốn di sản văn hóa quý giá này.
ANH HOÀI
Theo hà tĩnhonline
|