Chương trình lại trở về những khung cảnh, lời hát của người chèo thuyền, người đan lát, người đi củi, người kéo vải... khẳng định tính đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của dân ca ví, giặm; những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc sắc này của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Với những hình ảnh, biểu tượng về “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh” cùng lời ca mặn mòi, bình dị, tha thiết, say đắm lòng người nói đến những gió lào – cát trắng, sông Lam – núi Hồng, cà dưa, muối mặn, 6 dân tộc anh em, trích đoạn “Ví Giặm nối những vòng tay” đã khẳng định giá trị độc đáo, tính đại chúng, tính lan tỏa của dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
“Xứ Nghệ quê tôi / Câu ví giặm nhuộm gió lào thành gió mát quê hương… / Xứ Nghệ quê tôi… / Nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên / Nơi đất cằn không giấu nổi những ánh nhìn bất khuất / Nơi ngọn gió lào đi qua rồi cúi đầu lẩn mất / Vì hổ thẹn với ngọn lửa trong những con tim”… Những câu ví, giặm lắng đọng hồn người bởi nét dung dị, trữ tĩnh, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm…
Các tiết mục tại đêm khai mạc Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ.
Ảnh: Sỹ Minh
Ví, giặm bao đời nay đã là phần hồn, cốt cách người Nghệ, như NSND Hồng Lựu, NSUT Tiến Dũng… đã hai tháng ròng rã vất vả, lo toan “không đêm nào ngon giấc”; Là nét cười rạng rỡ của cô sinh viên Cao Thị Dung cùng nhiều bạn khác ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An: “Hai tuần nay, ngày đêm nào chúng em cũng tập luyện; rất vui và tự hào góp phần vào thành công của liên hoan”.
Ngồi ở khu vực đại biểu, cụ ông Trần Văn Minh (80 tuổi, ở xã Kim Liên, Nam Đàn) tâm sự: “Con cháu cứ bảo ở nhà xem qua truyền hình trực tiếp cũng được; nhưng tôi vẫn quyết tâm đi; quả thật chương trình khai mạc liên hoan hôm nay thật tuyện vời, giúp tôi như sống lại ngày xưa. Tôi sẽ theo dõi hết liên hoan với phần biểu diễn của các câu lạc bộ; mong muốn sao được xem nhiều liên hoan dân ca ví dặm như thế này nữa”…. Với bà Nguyễn Thị Sen (65 tuổi, ở phường Hưng Dũng, Thành phố Vinh): “Dân ca vẫn mãi sống trong lòng mọi người dân Nghệ bởi những câu hát đậm nghĩa đậm tình, dễ yêu dễ mến”.
Ca sỹ Phạm Phương Thảo (một người con xứ Nghệ), khiến ai ai cũng như dùng dằng chẳng muốn rời chân, bởi lời ca “Em nỏ muốn về thì anh về răng được / Lời hẹn thề tạc vào non nước / Hội còn vui về răng được mà về…”.Phương Thảo tâm sự: Về với liên hoan, được hát trên quê mình là niềm vui lớn.
Ví, giặm tự tình sống mãi giữa hồn quê .