Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Phải thoát ra khỏi vòng kim cô ngũ sắc của dân ca để đem lại cho dân ca những giá trị âm nhạc, thẩm mỹ mới… Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Phải thoát ra khỏi vòng kim cô ngũ sắc của dân ca để đem lại cho dân ca những giá trị âm nhạc, thẩm mỹ mới… , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936 tại Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Năm 1955, ông rời quê hương ra Hà Nội để bước vào con đường văn chương với mục đích sau này làm giáo viên dạy văn. Nhưng ông đã dần nhận ra con đường âm nhạc mới là khát vọng của mình và ông đã trở thành một nhạc sĩ với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng nhưu Xa Khơi, Mơ Quê….

 

Các sáng tác của ông có một điểm đặc biệt là đều mang âm hưởng dân gian, từ điệu ví dặm quê nhà Nghệ Tĩnh đến ca dao Nam Bộ. VHNA với ông đã có cuộc trò chuyện về sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh đến con đường sáng tác của ông, và những trải nghiệm về sáng tác âm nhạc…

- Với nhạc sĩ, quê hương có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của mình?

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (NS. NTT): Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của tôi bắt đầu từ quê hương. Nghệ An là vùng quê nghèo nhưng truyền thống văn hóa thì không chịu chung số phận nghèo nàn. Trên những mảnh đất cằn cỗi một năm mười một tháng người dân ăn khoai thay cơm thì những câu hát đò đưa bên sông Lam vẫn da diết cất lên như là biểu trưng cho sự giàu có về tâm hồn, về những giá trị văn hóa của người dân nơi đây. Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh có hai đặc trưng lớn. Về thi ca, ấy là kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du – người con của sông Lam, núi Hồng. Về âm nhạc, ấy là câu ca ví dặm tinh túy lâu đời. Những điều đó là những gì tích lũy từ ngàn năm, là tiếng nói tâm hồn, biểu trưng nhất của cha ông ta. Tôi muốn ca ngợi, biểu dương những truyền thống văn hóa ấy của xứ Nghệ, điều đó đã thúc giục tôi đi vào con đường sáng tác này.

- Ngoài ra, còn có cơ duyên nào đã đưa ông đến với con đường sáng tạo âm nhạc vất vả này?

NS. NTT: Tôi yêu âm nhạc từ bé, ngay từ hồi thiếu nhi tôi đã tham gia những phong trào ca hát. Tôi cũng có những sáng tác nho nhỏ để mọi người cùng hát với tôi, tham gia hoạt động phong trào ca hát nghiệp dư. Tôi say mê ca hát, ở đâu tôi cũng có thể hát được, do đó tình yêu ấy đã nuôi tôi. Nhất là ở quê tôi có phong trào hát dân gian, tôi thấm nhuần tinh thần hát dân gian của cha ông ta từ sớm, vì vậy từ tuổi thơ đi chăn trâu trên đồng ruộng tôi đã hát hò với bạn bè, hát hò với cánh này cánh nọ của làng này làng nọ, thành ra nó nuôi tôi từ ngày bé.

- Những ca khúc của nhạc sĩ thì luôn mang nặng âm hưởng dân ca, lý do vì sao ông lại lựa chon nghệ thuật dân gian làm chất liệu cho những nhạc phẩm của mình?

NS. NTT: Tôi là người từ bé đã thuộc nhiều ca dao, dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh. Sau này ra Hà Nội thì tôi cũng được tiếp xúc mọi luồng dân ca từ Nam chí Bắc, tôi cũng thuộc rất nhiều, từ quan họ Bắc Ninh đến các điệu lý miền Trung, miền Nam, rồi hát ả đào, thành thử những điều đó nằm trong tôi, đã chín muồi trong tôi.

Nghị quyết Trung Ương V của Đảng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp thu bản sắc văn hóa dân gian, nhưng tôi không đợi đến lúc đấy mới tiếp thu, tôi tiếp thu từ lâu rồi. Tôi học cách tiếp thu qua những nhà triết học, mỹ học như Nietzche... Kế thừa vốn dân gian trong sáng tác âm nhạc là vận dụng những gì tinh hoa tích lũy từ ngàn năm, là phát triển những biểu trưng của cha ông. Theo tôi, kế thừa dân gian là một điều tất yếu, bởi lẽ trong mỗi con người Việt Nam, dù ít hay nhiều đều dinh dáng đến quá khứ với ông cha. Chẳng hạn như tôi rất thích ăn canh dưa, ấy là những gì thuộc về quê hương xứ sở đã nằm trong tiềm thức. Trong “Mơ quê”, tôi đã cất tiếng gọi “Tuổi thơ ơi...”, đấy là để gọi về những ấn tượng tuổi thơ cũng chính là những ấn tượng về văn hóa quê hương được bản thân tiếp thu thụ động và chủ động từ thuở mới lọt lòng mẹ. Lời hát ru chập chờn cánh cò, bươn bả ngày mưu sinh của mẹ, câu hát phường vải trên sông Lam thuở nhỏ tôi hay nghe cùng cha ngấm vào tôi như máu thịt và theo tôi suốt cuộc đời. Và vốn dân gian là những gì tiêu biểu nhất của văn học nghệ thuật, là cốt hồn, bản chất của cha ông ta, vốn dĩ các giá trị ấy hiện nay vẫn tiềm tàng ở bất cứ một người Việt Nam nào. Vậy nên nếu đưa được vốn dân gian vào âm nhạc của hôm nay thì sẽ đề cao, thức tỉnh ở họ niềm tự hào Việt Nam, niềm tự hào về những giá trị văn hóa của quê hương, dân tộc mình.

Hơn thế nữa, nói đến âm nhạc, hay bất cứ môn nghệ thuật nào khác, thì phải đem đến cảm xúc. Khai thác nguồn vốn dân gian như gợi lại những kỷ niệm đau đáu trong lòng, ấy là hiện sinh của con người cá nhân. Và hành trình đến với âm nhạc bằng làn điệu dân ca, chất liệu dân gian để tôn vinh những giá trị văn hóa cũng là quá trình đi về tìm con người bản ngã trong mỗi cá nhân.

- Dòng chảy ngàn đời của dân ca là nguồn khai thác của bao thế hệ nhạc sĩ, và dường như nó không thể bị vơi cạn. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng từng đánh giá "Phát triển dân ca trong sáng tác ca khúc nhiều người làm nhưng cao nhất, hiệu quả nhất, thoát nhất chỉ có Nguyên Tài Tuệ". Vậy nhạc sĩ có bí quyết gì để đưa thành công các làn điệu dân ca vào trong các tác phẩm của mình?

NS.NTT: Dân ca đưa tôi vào con đường âm nhạc, và dân ca là nền tảng cho những sáng tạo của tôi. Tuy nhiên, tôi vận dụng, phát huy các giá trị của dân ca nhưng khi phát triển dân ca tôi luôn cố gắng không dừng lại ở dân gian. Nghĩa là khi khai thác chất liệu dân gian, phải biết khai thác đến đâu. Âm nhạc và thi ca phải được nói, được hiểu theo nhiều chiều, đa nghĩa. Chân thực và vi ảo, đấy là nhiệm vụ của văn học nghệ thuật. Bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế để nói lên những hình tượng nghệ thuật. Và phải góp nhặt nhiều vấn đề để nói, phải tôn được hình ảnh mình muốn nói lên bay bổng gấp trăm, nghìn lần. Mà hình ảnh tôi muốn nói ở đây là quê hương, đất nước, đời sống tinh thần văn hóa muôn đời của cha ông. Vậy nên nhiệm vụ của tôi là phải biểu dương những giá trị ấy, đẩy những giá trị ấy lên mức cao hơn tự nhiên nó vốn có. Khi sáng tác tôi phải chắt lọc những hồn dân gian đó, phát triển lên thành chủ đề dân gian, dân tộc. Trong “Xa khơi” hồn ví dặm phảng phất, trong “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” bàng bạc chất Then, nhưng bảo để chỉ ra câu nào là ví dặm, câu nào là Then thì không có. Vì vậy, dân ca trong các ca khúc của tôi là những gì tôi tiếp thu, rồi dùng những giá trị thẩm mỹ của thời đại để nâng nó lên, thích hợp với thời đại. Nếu không có các giá trị thẩm mỹ, người ta sẽ không nghe, không tiếp thu được. Ví dặm hay đấy, nhưng nếu để nguyên, mình không xứng đáng vị trí là một người sáng tạo, tiếp thu những giá trị tư tưởng của cha ông mà phải biết đẩy nó lên. Phải thoát ra khỏi vòng kim cô ngũ sắc của dân ca để đem lại cho dân ca những giá trị âm nhạc, những giá trị thẩm mỹ mới…

- Nhạc sĩ là người đã thổi hồn dân ca vào các sáng tác của mình. Ông có thể kể đôi nét về quá trình sáng tạo một tác phẩm của mình?

NS. NTT: Như tôi đã nói ở trên, tôi mê đắm dân ca từ nhỏ. Ấy là những giá trị dân gian trí tuệ nhất, là máu thịt của người nghệ sĩ trong tôi. Nó hòa tan vào tâm hồn tôi làm cho tôi luôn tự giác nghĩ đến những âm nhạc ấy. Quá trình sáng tạo của tôi là quá trình phát triển vốn âm nhạc dân gian từ lâu đời của ông cha. Nói thêm về quá trình kế thừa vốn dân gian, sẽ có ba mức độ khác nhau. Mức độ thứ nhất là giữ nguyên bản, nghĩa là cha ông ta làm thế nào, ta giữ nguyên đấy. Như quan họ Bắc Ninh hát trên đồi đôi một hát với nhau, hay như hát đò đưa trên sông Lam, hai thuyền hai bên dắng theo nhau, hát theo nhau. Mức độ thứ hai là cải biên đi. Nghĩa là có sự can thiệp của sân khấu, có phối âm dàn nhac, hay đặt lời ca mới, giai điệu thế nào thì vẫn để nguyên nhưng đặt lời vào, nói như cách của dân gian thì là “bình cũ rượu mới”. Nhưng tuyệt vời nhất là trong âm nhạc, từ vốn dân ca của cha ông ta mà ta biết phát triển lên, mang những phẩm chất thẩm mỹ của thời đại để hiện đại hóa nó lên như trong “Xa khơi”...

- Không chỉ “Xa khơi” mà các tác phẩm khác của ông như “Mơ quê”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Mùa xuân gọi bạn”, “Lời ca gửi Noọng”... đều sáng tác như thế?

NS. NTT: Đúng vậy. Tôi muốn sáng tác của mình đến độ nó chỉ mang chiều sâu tâm hồn của nền nghệ thuật dân gian mà thôi, không được bắt chước y nguyên, không copy những gì ông cha đã nói. Đấy mới là phát triển.

- Vậy ông đã dùng cách thức nào để tạo ra sự sáng tạo độc đáo đó?

NS. NTT: Tôi đã đưa vào những tác phẩm của mình những kỹ thuật của thời đại, của thế giới; đã sử dụng khúc thức học, những giá trị hòa thanh, phức điệu... để phát triển vốn dân ca.

- Quá trình học tập, nghiên cứu âm nhạc chính quy có ảnh hưởng thế nào đến các sáng tác và tư tưởng dân gian của ông?

NS. NTT: Nó hoàn toàn chỉ hỗ trợ tôi trong việc sử dụng những kỹ thuật một cách có khoa học và thẩm mỹ. Ở đâu cũng thế thôi, người ta luôn coi trọng chất dân ca quê hương, truyền thống trong âm nhạc. Và theo với tôi, dân gian là cái gốc lớn nhất cho tất cả những người sáng tác âm nhạc. Anh là người Việt Nam, anh phải sáng tạo ra được một “tem âm nhạc” dân gian Việt Nam để người nghe biết anh không vay mượn của anh A, anh B... phương Tây nào đó. Anh phải làm việc ra sao để người nghe phải thốt lên: “A! Đây là âm nhạc dân gian Việt Nam”.

Và một khi làm được điều ấy, bản thân người nghệ sĩ sáng tác nhờ đó không mất các giá trị dân gian, văn hóa truyền thống. Nhưng cũng phải cẩn thận khi anh sử dụng những kỹ thuật mới làm công cụ để sáng tác; Phải có ý thức bảo tồn, bảo lưu những giá trị văn hóa của dân tộc vốn đã có sẵn trong anh. Còn nếu không có cái ấy, những cái mới tràn vào anh, anh sẽ không có gì của anh nữa. Vậy nên phải cực kỳ cảnh giác. Nghệ thuật là môi trường sàng lọc nghiêm khắc, ghê gớm nhất: “Mười phần rơi bảy còn ba, rơi hai còn một vẫn là còn rơi” là như thế. Vì vậy những người nghệ sĩ phải thực sự có ý thức, có tri thức mới làm có thể làm được điều đó.

Còn đối với bản thân tôi, tôi yêu vốn dân gian thật sự, yêu có ý thức và một cách đầy tự giác, nó đã thấm vào máu thịt, trở thành linh hồn tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi.

- Ông nói đến vấn đề ý thức và tri thức, vậy hai điều ấy đặt ra yêu cầu gì trong công việc sáng tạo, nhất là việc phát huy truyền thống dân gian?

NS. NTT: Nói về tri thức trong việc sáng tạo ở đây, ấy là phải có cả kiến thức trong và ngoài ngành. Cái ngoài ngành là gì, ấy là văn học, triết học, xã hội học, địa lý học, hội họa... Còn trong ngành là gì, ấy là kiến thức dĩ nhiên về âm nhạc: các kỹ thuật âm nhạc của thời đại hiện nay, phải hiểu rằng phương Tây mười mấy thế kỷ người ta viết cái gì, Á Đông có Nhật Bản, Trung Quốc sáng tạo được những gì, Việt Nam ta đây vốn dân ca từ Bắc tới Nam có cái gì. Cũng phải hiểu chèo, tuồng, cải lương... nói cái gì, dân ca các vùng miền khác nhau thể hiện như thế nào, phải nắm được, phải nhuần nhuyễn và phải biến nó thành cái của mình. Một tiếng nói cực kỳ dân gian, nó thành xương, máu, thịt của bản thân người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ đắm mình trong dòng sông không phải là ký ức bản thân nữa mà là trong dòng sông nuôi dưỡng cả một dân tộc, đó là văn hóa, là đời sống, là tâm linh. Như thế khi nói ra, công chúng mới đón nhận.

Còn nói về chữ Tâm. Người nghệ sĩ là người trước nhất phải có lòng yêu mọi người, từ đó mới có lòng thương với dân tộc, thương truyền thống ông cha. Văn học nghệ thuật cất tiếng nói khách quan sẽ trở thành ngôn ngữ, thành nghệ thuật phi biên giới. Đối với tôi, dòng sông Lam xứ Nghệ cũng như dòng sông Nậm Na trên Lai Châu, khơi nguồn đầy cảm xúc. Điệu hát Then cũng gợi trong tôi những bồi hồi cảm xúc như câu hát ví dặm. Theo tôi, người nghệ sĩ phải biết ca ngợi những giá trị văn hóa không chỉ của bản thân nguồn cội sinh ra mình, mà phải biết trân trọng những giá trị tinh thần của những vùng miền khác, bởi nói rộng ra nó đều là của dân tộc mình, rộng ra nữa là của muôn thuở.

- Nhạc phẩm “Mơ quê” ông mất hơn 10 năm để sáng tác phải chăng vì tâm phải thành thật với bản thân?

NS. NTT: Đúng vậy. Phải thành thật với mình, nếu mình viết không hay, bản thân mình không nghe được làm sao công chúng thích được.

- Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã nghiên cứu và vận dụng nhiều làn điệu dân ca khác nhau của nhiều vùng miền, dân tộc trên đất nước như “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” là điệu hát Then, “Xôn xao bến nước” là dân ca Nam Bộ nhưng hình như ông vẫn thành công hơn cả khi tiếp thu và phát triển dân ca Nghệ Tĩnh?

NS. NTT: Đúng như vậy. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ câu ví dặm quê hương. Lời ca ấy tác động sâu sắc đến tư duy của thôi, thôi thúc khiến tôi viết chất ví dặm rất tự nhiên trong “Xa khơi”, hay câu lảy Kiều trong “Mơ quê”.

- Ông có thể nói chi tiết về một số chất liệu nghệ thuật dân gian ông sử dụng trong hai nhạc phẩm này?

NS. NTT: Trong bài “Mơ quê”, có hai câu: “ Hỏi câu ví dặm đã lỡ hẹn cùng ai chưa? Mà thương câu Kiều lỡ hẹn cùng trăng xưa”. Còn trong ví dặm, có câu như thế này: “Ơ thương anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở. Thương anh đến bến đò thì đò đã sang sông Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng. Em thương anh như rứa thử hỏi có mặn nồng hay không?”. Điều tôi muốn nói đến là nội dung của câu ví dặm, nội dung rất trữ tình, thông minh, oái oăm nhưng cũng rất biện chứng, thể hiện tài năng trí tuệ của người dân. Câu trả lời rất văn học, thơ ca mà mặn mà, đằm thắm, trữ tình, đi vào lòng người ta. Ấy là tâm hồn nhân dân mà tôi muốn nói trong câu ca của mình. Còn “câu Kiều lỡ hẹn cùng trăng xưa” là nỗi lòng chia ly, mối tình Thúy Kiều – Kim Trọng mà Nguyễn Du đã trân trọng khắc họa bằng những dòng thơ tuyệt bút: “Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi. Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, đấy là niềm cảm xúc sâu xa mà Nguyễn Du dành cho cuộc chia ly này. Tôi đưa những giá trị này vào trong câu ca của tôi, tình yêu của Nguyễn Du như vậy đấy, “vầng trăng xẻ nửa” như vậy đấy.

Rồi trong “Xa khơi”. “ Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn/ Kề vai bên nhau em kề bên anh thương”. Ấy là cảm hứng về hai câu ca dao “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người tri kỷ có buồn hay không?” hay “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người bên nớ có buồn hay không?”. Tôi vừa chữa lại một từ, ấy là từ “nắng” trong “nắng bể mưa nguồn” thành “chớp bể mưa nguồn”. Bởi lẽ nếu để nắng không tiếp thu được truyền thống về mặt ca dao của cha ông. Cha ông ta nói như vậy, bởi đó là hình ảnh thật, tuyệt đẹp, nó không chỉ là hiện tượng mà còn là nỗi lòng. Rồi tiếng kêu ai oán của con giang chiều lạc bạn, đó đã là những cảm xúc của văn học, của đời sống rồi chứ không phải là hiện tượng. Và tôi đưa những cảm xúc ấy vào trong tác phẩm của mình.

- Vì thế nên các tác phẩm của ông đã đem lại những hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt?

NS. NTT: Điều này thì dễ nói mà cũng khó nói. Nói đơn giản là hay thì người ta nghe, vào lòng người ta thì người ta nghe, chạm vào ước mơ, tạo nên những cháy lòng, những câu hỏi trong tâm tư họ thì họ nghe. Vì quần chúng khán giả là người sáng tạo thứ ba. Nếu họ nghe không thấy hay, không thôi thúc được lòng họ, họ không dựng tóc gáy lên mà nghe, không bao giờ tác phẩm đó có thể gọi là hay được. Đó là những điều thuộc về cảm nhận, cho người nghe trí tưởng tượng, nâng tầm người ta lên gợi cho người ta một ký ức nào đấy, một hình ảnh, một nét sinh hoạt gây những xúc cảm khác nhau trong lòng hàng triệu người nghe.

- Ông có nói nghệ thuật là phải đi tìm những giá trị nhân văn, nhân bản; như tác phẩm “Xa khơi” của ông, ông có nói “Chiến tranh rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu ở lại”. Đó là giá trị nhân văn sâu sắc và nhân bản rất mới mẻ. Sâu sắc vì đó là tình yêu của người nghệ sĩ dành cho Con người, Đất nước còn mới mẻ là trong không khí của “Tiếng trống Đồng Khởi”, ông đã mạnh dạn cất lên tiếng nói về tình yêu, về khát vọng tình yêu lâu dài, khẳng định tình yêu là cái gốc của cuộc sống.

NS. NTT: Có người nói “Xa khơi” của tôi nếu chỉ thêm một tiếng súng sẽ không còn giá trị gì. Bởi lẽ văn học nghệ thuật không mô tả những gì trước mắt, mà phải nói đến những gì mang tính lâu dài, thời cuộc. Và người văn nghệ sĩ phải là người đón đầu thời đại, thấy được tương lai. Đó là tài năng mà cũng là nhiệm vụ mà những người đi tiên phong phải làm.

- Cảm ơn nhạc sĩ vì những chia sẻ của ông. Xin chân thành kính chúc ông mạnh khỏe và có thêm nhiều tác phẩm mới!

(Thủy Hiền)

               Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An

 


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65988350

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July