Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Chân dung ba anh em họ Phạm - Nguyễn Thúc Chuyên Chân dung ba anh em họ Phạm - Nguyễn Thúc Chuyên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Ba anh em họ Phạm này là con cụ Phạm Văn Bật, người làng Thái Hà, xã Việt Yên hạ (Đức Phong/Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ba người con trai của cụ sinh liền kề nhau được cụ đặt tên theo thứ tự là: Phạm Văn Ngôn, Phạm Văn Thản, Phạm Đương Nhân.

Lớn lên cả ba anh em lần lượt thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng trong phong trào Cần Vương và Duy Tân, rồi kẻ trước người sau đều trở thành những chiến sĩ thời cận đại vì tinh thần yêu nước mà bỏ mình nơi đất khách quê người hoặc ở ngoài hải đảo đầy khổ ải…. Phó giáo sư Ninh Viết Giao, khi biên soạn cuốn “Từ điển nhân vật xứ Nghệ” gặp trường hợp ba anh em nhà họ Phạm này đã tỏ lòng thương cảm, ngậm ngùi viết một dòng suy tư của mình như sau: “Gia đình họ Phạm này ba anh em ruột đều vì nghĩa cả, vì việc nước mà bỏ mình nơi đất khách. Chưa rõ đời sau, quê hương và xã hội đã dựng cái bia kỷ niệm lưu danh những chí sĩ “xả thân vĩ đại” này chưa? Ôi! Nghe sao mà cám cảnh vậy! Cá nhân tôi trong quá trình sưu tầm tư liệu viết cuốn sách mỏng “157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông Du” cũng đã bắt gặp được một ít tư liệu về ba anh em họ Phạm này. Vì vậy tôi nẩy ra ý tưởng cung cấp thêm một ít tư liệu đã thành văn. Hy vọng rằng, khi địa phương và dòng họ có điều kiện lập bia tưởng niệm sẽ có nhiều thông tin tư liệu hơn chăng! Bài viết này sẽ trình bày một phần về tiểu sử nhân vật, hoàn cảnh xã hội và những nghĩ suy của nhân vật thông qua các sáng tác thơ văn của bản thân và bầu bạn…, nhằm khắc họa được một phần nhỏ về chân dung của mỗi người. Những chỗ còn tồn nghi chúng tôi sẽ ghi chú thích ở phần cuối của từng nhân vật. Xin mời các bạn đọc cùng xem.

1. Phạm Văn Ngôn (Hiệu Tùng Nham, 1881 – 1914)

Ông và Đặng Thái Thân (Ngư Hải) cùng là bạn học, cùng là môn sinh của cụ Phan Bội Châu. Phạm Văn Ngôn từng đỗ tú tài kỳ thi Hương ở Nghệ An. Tính tình ông hào hiệp, khảng khái, học giỏi, hay văn thơ… nhưng không thiết tha gì về con đường khoa cử… Sau khi cụ Phan xuất dương, từ Nhật về lần đầu khoảng cuối năm 1905, sau Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ, Phan Bội Châu ra Bắc gặp cụ Hoàng Hoa Thám nhằm trao đổi phối hợp phong trào yêu nước giữa hai miền Bắc và Trung kỳ, cụ Hoàng có hứa: “Trung kỳ mà thủ xướng đại nghĩa thì tôi vui lòng làm quân ứng viện”, đồng thời cụ giao cho khoảnh đất cạnh đồn Phồn Xương cho các nghĩa sĩ Trung kỳ “lưu vong mất đất” làm căn cứ trú ngụ cho các “chí sĩ đảng nhân” khi cần thiết. Có được lời hứa và điều kiện thuận lợi này, cụ Phan Bội Châu liền cử Phạm Văn Ngôn và Hoàng Xuân Hành (tục gọi là Cố Giám) ra Yên Thế lập một cái đồn, thường được nhân dân gọi là “đồn Tú Nghệ”. Đây là một căn cứ hoạt động vũ trang trên đất Bắc của Phạm Văn Ngôn, một chí sĩ cương quyết dùng bạo lực để sống mãi với kẻ thù xâm lược, bắt đồng bào ta vào vòng nô lệ…

Vào khoảng năm 1908, chủ soái "đồn Tú Nghệ" Phạm Văn Ngôn hay tin đã mua được 300 khẩu súng và đạn dược ở Nhật, nhưng chưa tìm được cách chở về nước qua đường Xiêm - Lào rồi về Việt Nam. Ông bèn giao quyền chỉ huy đồn cho Hoàng Xuân Hành, còn mình về lại Hà Tĩnh, Nghệ An để nắm tin tức, đón “hàng” về. Trong thời gian chờ đợi, ông đi lại giữa 2 tỉnh vận động thành lập Hội buôn, góp vốn kinh doanh, lấy lãi lập quỹ học phí Đông Du, xây dựng căn cứ ở Bồ Lư và Đồng Hồ ở Thanh Chương và Anh Sơn, giao cho Đội Quyên, Ấm Võ phụ trách… Chờ đợi lâu ngày chưa thấy động tĩnh gì về món “hàng lậu” đã đến, nên ông lại trở ra Bắc. Đầu năm 1910, sau Tết Canh Tuất, có tin ở Xiêm cho biết cụ Đặng Thúc Hứa và Đặng Tử Mẫn đã chở lén súng từ Nhật về Hương Cảng cất giấu và đang tìm cách thuê thuyền chở về Xiêm. Quá phấn khởi, Phạm Văn Ngôn liền lên đường trở vào miền Trung… Trong khi ông đang ở Hà Tĩnh, thì ông được tin sét đánh, bạn ông là Đặng Thái Thân (hiệu Ngư Hải) ở làng Phan Thôn, huyện Nghi Lộc đã tự sát bằng bắn súng để khỏi rơi vào tay giặc Pháp. Quá thương người đồng chí, ông vừa khóc, vừa thảo đôi câu đối viếng bạn: Nguyên văn bằng chữ Hán: “Song Ngư ngật ngật, cố nhân quy an quy. Sổ thập niên ái quốc thâm tâm, huyết thả vị chi ẩn, túc thả vị chi luy, bôn tẩu giang sơn phong vũ tế;

Nhất bộc oanh oanh, quốc hồn tỉnh vị tỉnh. Thiên lý ngoại chinh phu viễn khách, sư văn chi nhi bi, hữu văn chi nhi tích, khốc ca hào kiệt tử sinh gian”.

Trần Huy Liệu dịch: “Ngất ngất Hòn Ngư, người cũ về đâu đó? Mấy mươi năm lòng son yêu nước, chân đã mòn, máu đã hộc, chống chèo non nước buổi mây mưa; Ầm ầm tiếng súng, hồn nước tỉnh hay chưa? Ngoài nghìn dặm khách lạ bên trời, thầy cũng tiếc, bạn cũng thương, cười khóc anh hùng cơn sống thác”.

Ít tháng sau, một bất hạnh khác giáng vào ông. Số là một hôm nọ trên đường đi công tác, ông bị Pháp giăng bẫy phục kích bắt, đày ra Côn Đảo. Vì thể chất ốm yếu, lại bị chúng tra tấn dã man, ít năm sau ông qua đời trong ngục tù vào ngày 12 tháng 3 năm 1914 (nhằm ngày 16 tháng 2 năm Giáp Dần), hưởng dương 33 tuổi.

Ghi chú: - Có tài liệu ghi ông sinh năm 1833, mất năm 1918 (?)

- Theo thông tin khác ông bị bắt trong lúc đang ốm, về nhà thuốc thang.

-  Phạm Văn Ngôn là người đã tìm ra con đường mòn từ Hà Tĩnh có thể sang Lào, rồi vượt sông MêKông sang Xiêm (Thái Lan).

***

2. Phạm Văn Thản (1884 – 1920), ông có tên thường gọi ở quê nhà là Đồ Thản, một người con rất có hiếu với mẹ. Anh cả ông Phạm Văn Ngôn đi tham gia “Hội kín”, ông đã thay anh chăm sóc mẹ già chu đáo. Lớn lên anh cả đưa đi làm liên lạc cho phong trào Duy Tân - Đông Du nhưng chưa thoát ly hẳn. Sau khi ông Ngôn bị bắt đày ra Côn Đảo, ông mới thoát ly gia đình cùng với Đội Quyên, Ấm Võ (tức Lê Võ - người cùng huyện), Tú Phương… đi quyên góp quỹ du học sinh Đông Du, đem về giao cho Đặng Thái Thân cất giữ, chờ cụ Tăng Bạt Hổ từ Nhật về thì giao lại, đem sang nộp cho cụ Phan. Phạm Văn Thản đã từng xây dựng căn cứ Bồ Lư ở Thanh Chương. Do mải mê hoạt động cách mạng nên ông lập gia đình muộn. Khi hay tin anh cả Phạm Văn Ngôn qua đời ở Côn Đảo, ông có làm bài văn tế “Khóc anh Tú”, trong đó có đoạn.

“Nhớ anh xưa:

Ngang tàng chí cả,

Trung hậu tính trời

Án tuyết ngoại mười năm, công cha dạy chuyên nghề cử tử,

Đường mây vừa một bước, ơn giời cho nên đấng tú tài…”

(…) Phá sản nghiệp mở đường thương hội,

Xếp bút nghiên lên chốn võ đài,

Gõ mái chèo thề rửa thẹn non sông, vẫy vùng bể Bắc giời Nam, lòng khảng khái soi trên nhật nguyệt.

Đè ngọn kiếm gạt ngang cơn gió bụi, chẳng quản triều Âu sóng Á, tài kinh luân chống chọi giữa vân lôi.

Những mong mở mặt với hoàn cầu, một phen ấy xoang tay độc lập;

Nào ngờ sa chân vào lưới Pháp, năm năm trời phải bước chông gai;

Mang râu mày đứng giữa cõi trần, tuổi ba mươi năm lẻ, đem tính mệnh thác ngoài bể thẳm, ngày mười sáu tháng hai,

Người giống vàng nào tội với giời xanh, con tạo đánh ghen chi lắm; lòng son thắm để vui theo đất đỏ, đời người đến thế thì thôi”. (……)

Vào khoảng cuối năm 1914, ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh. Lúc này ông chưa có con với cô vợ Nguyễn Thị Thành. Tại nhà lao, ông rất nhớ gia đình, được bộc lộ trong một bài thơ “Tiếng kèn”

“Hiu hắt năm canh một tiếng kèn,

Thổi đòi phen nát ruột đòi phen,

Chiêm bao về với hồn thư nhạn,

Nước mắt rơi theo tiếng đậu quyên,

Chưa biết năm nào đầu quạ trắng,

Còn may tuổi trẻ tóc mai đen,

Rằng mai trời hẳn xây vần lại,

Nay đặng về nhà thấy bóng huyên”(1).

Sau khi thành án, ông bị Pháp đày ra Côn Đảo. Cô Nguyễn Thị Thành xin đi theo chồng, vừa để chăm sóc chồng ở chốn lao tù, vừa muốn có con để bảo toàn nòi giống, vừa có chỗ dựa. Thật hạnh phúc vô cùng hơn một năm sau chị có bầu, đến ngày vượt cạn, sinh hạ được một bé trai, hai vợ chồng đặt tên cho con là Phạm Văn Bảo. Các bạn tù trên đảo cũng vui lây, làm thơ tặng mừng chị sinh con, như các cụ Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiên, Trần Hoành, Lê Đại, Đặng Thai Nhẫn….

Sau đây là bài thơ của Tú Kiên (Nguyễn Đình Kiên, hiệu Hy Cao) tặng chị:

“Có nợ nần gì với núi sông/ Xa xôi muôn dặm phải liều công,

Chua cay đáo để người không nước/Duyên nợ đa mang gái có chồng,

Tu được trời dành trăm quả phúc/Trồng lâu đất nở một chồi bông,

Nước non như thế, đàn bà thế/Hỏi bạn mày râu có mấy ông?”

Khi thấy con mình đã cứng cáp, ông khuyên bà đem con về quê ở Hà Tĩnh. Theo phong tục địa phương, ai có con đầu lòng đều lấy tên con gọi. Bà Nguyễn Thị Thành từ đây mang tên là Bảo. Thật bất hạnh tai họa đã gây lên đầu bà, lúc cháu Bảo lên 6 tuổi đã bị bệnh qua đời. Bà ở vậy chờ chồng, thờ con cho đến cuối đời… Nhưng rồi đến năm 1920, một tin sét đánh đến với bà, chồng bà là ông Phạm Văn Thản cũng bị bệnh và qua đời ngoài Côn Đảo vào ngày 25 tháng 12 năm 1920, nhằm ngày 16 tháng 11 năm Canh Thân, hưởng dương 36 tuổi. Trước khi mất, ông có làm bài thơ gửi bầu tâm sự: (trích)

….. “Đành cái phận tang hồ bồng thỉ,

Thân làm trai bốn bể là nhà.

Kể từ khi bước chân ra,

Mây mưa chẳng quản, phong ba cũng liều.

Còn non nước còn nhiều ân ái,

Còn thân người nay lại gặp thời;

Ngày đêm ra đứng trông trời,

Hỏi xem con tạo vẽ vời ra sao?...”

Sau khi cụ Phan Bội Châu về nước bị giam lỏng ở Huế, cụ đã hỏi thăm tin tức về hoàn cảnh gia đình ông Phạm Văn Thản, cụ có làm bài thơ tứ tuyệt gửi tặng bà Bảo để động viên, an ủi bà tham gia công tác cách mạng, với nội dung như sau:

“Bên cầu Bến Ngự dưới cây Sung,

Một chiếc thuyền con sóng tứ tung,

Giữa kiếp trầm luân ơi các bạn,

Dời non lấp bể gắng nhau cùng.”

                 (cụ Nguyễn Duy Trinh cung cấp)

Bà góa Nguyễn Thị Thành sinh năm 1886 mất năm 1976, thọ 90 tuổi. Sau Cách mạng Tháng 8 bà từng ở trong Ban Chấp hành phụ nữ huyện, tỉnh. Trước khi về hưu bà là Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ bà lập “Quán Quân Nhân” ở thị xã, để đón tiếp bộ đội từ Nam ra, Bắc vào. Khi bà qua đời, tỉnh Hà Tĩnh lo liệu chu đáo, phần mộ được xây đàng hoàng.

Ghi chú: - Có tư liệu ghi ông sinh năm 1885, từng sang Nhật trong phong trào Đông Du. Bài thơ “Tiếng Kèn”, “Thơ từ Côn Đảo gửi về”… do cố Bảo đọc cho ghi lại. (theo sách “Văn thơ yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh” của Trần Văn Kính).

3. Phạm Đương Nhân (1887 – 1916)

Xuất dương trong phong trào Đông Du ở Nhật, vào học trường Đồng Văn học hiệu tại Tokyo. Sau vì hết tiền đóng học phí, đóng tiền ăn, nên ông đã bỏ đi Xiêm (Thái Lan) tham gia ở trại cày Bản Thầm, chịu nhiều khó khăn, gian khổ. Năm 1912 ông sang Trung Quốc, tham gia Việt Nam Quang phục hội, được các đồng chí tin cậy giao trách nhiệm về nước ám sát một tên tay sai khét tiếng nguy hiểm. Bình sinh ông vốn người cương trực, có tính khí khái, có lòng nghĩa hiệp. Được giao trách nhiệm ông nhận lời ngay, đồng hành với ông có Đặng Tử Vũ (tức Đặng Thái Chang) phụ trách thủ quỹ. Không ngờ dọc đường chưa đến nơi đã tiêu gần hết, nên lỡ công việc, đành quay lại với nỗi tức giận ấm ức… Về lại đơn vị trên đất Trung Hoa ông rất giận mình đã không làm nên việc được giao. Nỗi dằn vặt này kéo dài trong tâm trí ông. Về sau ông đổi họ thay tên, cùng với Đặng Hồng Phấn, quê ở Nam Định xin vào học trường sĩ quan “Bảo Định quân sự học hiệu” ở Bắc Kinh (1914). Năm Bính Thìn (1916) ông thi đỗ tốt nghiệp ra trường, được bổ dụng làm cán bộ chỉ huy trong một đơn vị quân đội Trung Hoa đóng quân tại Bắc Kinh. Thế nhưng vì thể chất ốm yếu, ông bị nhiễm lạnh phổi, thường ho ra máu. Đơn vị đưa ông vào bệnh viện Quân y chạy chữa, nhưng bệnh tình ngày càng trở nên trầm trọng, vô phương cứu chữa. Ngày 11 tháng 10 năm 1996, nhằm ngày rằm tháng Chín năm Bính Thìn, ông qua đời, hưởng dương 29 tuổi. Bạn ông, chí sĩ Đặng Đoàn Bằng, người huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, có làm bài thơ bằng chữ Hán để tưởng niệm ông. Tạm dịch thơ như sau:

“Bể Nam mong rửa gió tanh hôi,

Một bước ngờ đâu giận trọn đời.

Đem đến cửu nguyên chôn võ khố,

Những thương muôn địch phụ anh tài.

Liều mình vì nước lòng không tả,

Đến chết lo trời máu vẫn tươi.

Liếc mắt thần kinh muôn dặm cách,

Hồn đi hồn lại núi mây xuôi.”

(Nguyên văn: “Nguyện phiên Nam Hải tẩy tinh phong/ Nhất khứ ninh tri bão hám chung/ Cảnh hướng cửu nguyên tàng vũ khố/ Không liên vạn địch phụ anh hùng/Bản sinh tuẫn quốc tâm nan bạch/ Thùy tử ưu thiên huyết thượng hồng/ Cực mục thần kinh dư vạn lý/ Hồn lai hồn phản thụ vân trung”.

Thay lời kết. Người xưa nói “sống gửi thác về” là lẽ đương nhiên của tạo hóa đối với loài người. Nhưng lúc “về” với cõi thiên thu của ba anh em họ Phạm, sao mà thương cảm vậy? Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không chép lại được hết nguyên văn những bài điếu văn của bầu bạn khóc ba anh em họ Phạm, để bạn đọc thấy được tinh thần xả thân của họ vì đại nghĩa, một lòng kiên trung vì lý tưởng, vì cách mạng, mà bản thân họ nguyện theo đuổi đến cùng. Chúng tôi đã có "duyên" gặp được chị Phạm Thị  Huế (nguyên giáo viên cấp 3) người trong họ để thẩm định lại các tư liệu lịch sử nêu trong bài viết này. Ước nguyện của chị Huế là muốn có dịp ra Côn Đảo để viếng thăm phần mộ hai ông bác (nếu có) thắp nén nhang cho vong linh 2 chí sĩ, chụp một bức ảnh có tên hai ông ở bia tưởng niệm các chí sĩ, liệt sĩ đã bỏ mình trên cái địa ngục trần gian mà thực dân Pháp xây nên làm nơi giam cầm, tù đày những người yêu nước của dân tộc ta.

Hỡi ôi! “Cõi Hồng Lam cao đắp thành sầu, phong cảnh đó người đi đâu vắng!

Miền Côn Đảo ngàn trùng bể thẳm, nông nỗi này ai lấp cho vơi?” (2).

Hôm nay, hậu thế dòng họ Phạm xin có nén hương thơm cáo với ba vị chí sĩ rằng, nước nhà đã được độc lập thống nhất, xin các vong linh thanh thản an giấc Bồng Lai nơi cõi vĩnh hằng nghìn thu vĩnh biệt.

 

 

 

 

 

 

------------------------

(1) Mẹ

(2) Trích trong bài “Khóc anh Tú” của Phạm Văn Thản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- “Từ điển nhân vật xứ Nghệ”. Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh 2008

“Việt Nam nghĩa liệt sử”. Xuất bản năm 1918 ở Thượng Hải. Tôn Quang Phiệt dịch

“Văn thơ yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh”. Hội Văn nghệ Hà Tĩnh 1975

“Tạp chí Văn hóa Nghệ An” số 61 tháng 6 năm 2005

“Xưa và Nay” số 390 – Tháng 10 năm 2011

“Phan Bội Châu niên biểu” – Nxb Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh – 2001

“157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông Du” – NXB Nghệ An - 2007

 


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65096756

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July