Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 21/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Về lại Nậm Nơn Về lại Nậm Nơn , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Một ngày hè nóng bức trong bốn bức tường chật hẹp nơi phố thị, mở điện thoại vô tình đọc được dòng tin nhắn của người bạn nhỏ chốn núi rừng rằng: “Anh đã quên Nậm Nơn rồi à?”. Câu hỏi làm tôi chợt giật mình và lòng lại trỗi dậy một niềm ham muốn ngược nguồn Nậm Nơn.

Những chiếc bè trên sông Nậm Nơn là nơi sinh sống và đánh cá của ngư dân bản Hoa Lý (xã Mỹ Lý)

Sáng hôm sau, tôi vội gói ghém mấy bộ quần áo nhét vào chiếc balo con cóc rồi vẫy chuyến xe đò lên trung tâm xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn). Tuyến đường từ thị trấn Mường Xén vào Mỹ Lý giờ đây rộng thênh thang, xe chạy bon bon mà ngỡ như mình đang mơ.

Mất năm giờ đồng hồ tôi mới đặt chân đến cầu Xốp Tụ của xã Mỹ Lý. Dòng Nậm Nơn đang mùa nước rút. Phía dưới chân cầu những chiếc thuyền độc mộc vẫn nằm im trên bến nghỉ ngơi sau một chuyến đánh cá nhọc nhằn. Tất cả hiện lên như một bức tranh đẫm chất màu của họa sĩ thiên nhiên ban tặng cho đất trời Mỹ Lý.

Lênh đênh Nậm Nơn

Mặt trời đã bắt đầu xuống khỏi ngọn núi phía bên kia sông, tôi bước vào nhà anh Chủ tịch xã Lương Văn Bảy – ngôi nhà sàn đơn sơ nằm ngay bên dòng Nậm Nơn ở bản Hòa Lý. Ở trong nhà ngày hay đêm đều nghe được tiếng sóng róc rách vỗ vào mạn thuyền. Tôi ngỏ lời muốn được theo chân mọi người lên thuyền đi trên dòng Nậm Nơn để thăm thú cảnh vật. Anh Bảy mỉm cười bảo rằng: “Thế thì ta làm một chuyến đánh cá đêm với dân bản cho biết nhé”. Nói xong anh lập tức gọi thêm đứa cháu là Vi Văn Bình ở Hòa Lý đến để cùng đi. Sau 30 phút chuẩn bị nào nước uống, đèn pin, rượu… chúng tôi lên đường khi trời vừa bắt đầu khép lại những vầng sáng cuối ngày.

Thiếu nữ bản Cha Nga lái thuyền trên sông Nậm Nơn

Đang mùa nước rút nên những khúc sông qua bản Hòa Lý hay qua xã Mai Sơn (Tương Dương) khó khăn vô cùng. Hiểm nhất là lúc thuyền vượt thác, nước cuồn cuộn dâng lên trào xoáy như muốn cuốn tất cả những gì còn lập lờ trên mặt nước vào lòng nó. Vi Văn Bình mới 25 tuổi nhưng cơ bắp săn chắc và cuồn cuộn đúng với bản chất của một chàng trai nơi đầu nguồn con nước. Vừa điều khiển chiếc thuyền độc mộc anh vừa hét lớn: “Thuyền đến thác rồi, mọi người ngồi thật vững”. Quả thật nếu không có lời trấn an của Bình, tôi nghĩ mình cũng chẳng còn giữ nổi bình tĩnh để vượt thác. Nước trào vào lòng thuyền từng đợt tưởng như chìm đến nơi khiến tôi phải trải qua một phen hú vía. Ấy vậy mà trên khuôn mặt Bình lại bình thản lạ thường. Anh cho biết từ đây đến chỗ đánh cá còn phải mất gần một tiếng nữa, đây là thác lớn nhất còn mấy thác sau nữa nhưng không đáng ngại. Nghe nói thế chúng tôi thấy vững dạ hơn nhiều.

Địa điểm chúng tôi dừng chân là một bè bằng tre nứa dùng làm nơi nghỉ chân của ngư dân bản Hòa Lý. Đây là khu vực giáp ranh giữa hai xã Mai Sơn và Nhôn Mai của huyện Tương Dương. Trên bè có anh Vi Văn Tuân và Lương Văn Cường. Hai người này ở đây từ mấy năm nay chỉ những khi hết gạo và thức ăn hoặc ngày lễ, tết thì mới lên bờ. Sau một hồi hội ý, mọi người quyết định các món sẽ chiêu đãi khách tối nay. Thôi thì đủ các món cá tươi roi rói vừa đánh bắt từ dưới sông lên: cá nướng, cá luộc, cá nấu canh chua… Khi tất cả bắt đầu ngồi vào mâm thì từ các thuyền chài khác mọi người cũng tấp lại chung vui. Tiếng cười nói vang vọng cả một khúc sông.

Trời càng về khuya càng lạnh. Cái thú ngồi nhâm nhi ly rượu giữa lòng sông nghe tiếng sóng róc rách như đưa tôi về một thế giới đầy thơ mộng. Ánh đèn chài trên các bè nứa cùng ánh trăng chiếu xuống làm sáng lên cả một khúc sông. Đang là mùa hè nóng bức nhưng gió ở đâu cứ thổi thốc đến mát rượi. Thấy ánh đèn sáng trên bè, lũ cá mương rủ nhau bơi đến lượn dày đặc xung quanh mạn bè. Thấy lạ tôi tò mò hỏi: “Sao cá ở đây nhiều thế mà các anh không bắt?”. Mọi người cười bảo tôi rằng: “Dân ở đây có mấy người mà ăn loại cá này chứ, xương nhiều lắm. Có những lần quăng lưới một lúc đã được hàng yến cá nhưng đem về có biết làm gì đâu, bán thì được vài nghìn một cân nên không ai bắt”. Lấy chiếc rổ để sẵn bên người tôi thò tay xuống vớt nhanh, lũ cá mương tản ra chạy tứ phía, chỉ còn vài con nhảy tanh tách trong rổ. Loài cá này khôn ranh vô cùng, chỉ lừa chúng để vớt được một lần còn sau đó muốn vớt cũng chịu vì chúng sẽ không xuất hiện trở lại khu vực ấy.

Cuộc vui kết thúc lúc hơn 21h để mọi người nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến đánh cá ngày mai. Trước lúc nằm, anh Vi Văn Tuân còn dặn tôi rằng hẹn đồng hồ để dậy sớm chứ 3 giờ sáng đã phải đi rồi. Đêm trên dòng Nậm Nơn yên tĩnh lạ thường. Tiếng sóng vỗ tí tách bên mạn thuyền, thỉnh thoảng một vài chú cá quẫy mạnh xua tan đi không khí vắng lặng giữa bốn bề sông nước.

Đúng 3h sáng, mọi người tất tả dậy chuẩn bị đi thu lưới, xem câu. Trên sông nhiều hộ gia đình đã soi đèn sáng rực. Lưới nhà nào thả ở đâu thì tìm đến để thu, tuyệt đối không có chuyện người này đi xem lưới người kia. Chuyện ấy hồ như đã trở thành luật bất thành văn của bà con vạn chài vùng sông nước này. Anh Vi Văn Tuân và Lương Văn Cường đứng trên chiếc bè nhỏ, chiếc thuyền còn lại giao cho tôi để chèo đi theo. Mỗi người mỗi đèn pin sáng quắc và một thùng xốp ngược dòng Nậm Nơn. Nơi thả lưới cách bè không xa nên việc chèo thuyền cũng không đến nỗi vất vả đối với tôi. Có khoảng chục lưới đánh cá được hai anh thả từ bên này sang bên kia sông, mỗi lưới dài chừng 60-80 mét. Đến những địa điểm lưới của mình, hai người đứng hai đầu kéo lưới lên. Những chú cá bị dính lưới còn giãy đành đạch cố vùng vẫy để thoát ra nhưng càng vùng vẫy càng bị quấn vào lưới.

Một sáng thu mua cá trên sông Nậm Nơn của các thương lái ở bản Hoa Lý

Lão ngư Vi Văn Việt ở bản Hòa Lý đang thu lưới gần đó mách nhỏ với tôi: “Việc thu lưới cũng không khó bằng việc gỡ cá ra khỏi lưới. Sơ sẩy sẽ làm cá chết hoặc rớt xuống sông ngay. Mà cái nghề này cũng hay lắm, có ngày may mắn thì được cả yến cá, có ngày thì chỉ được vài ba cân. Cũng ở khúc sông này năm ngoái tôi được một con cá lăng gần 13kg. Chỉ cần một con thế thôi cũng sướng rồi”. Còn chàng trai Vi Văn Bình thì đưa tay chỉ về phía những cây khô còn nổi trên mặt hồ bảo rằng, năm ngoái cũng ở chỗ ấy Bình đánh được gần chục con cá lăng “khủng”. Con nặng nhất hơn 8kg. Mà giá cá lăng đưa ra tận thị trấn Mường Xén hơn 400 nghìn/kg. Những ngư dân trên dòng Nậm Nơn hầu như biết đến nghề đánh cá này từ khi có lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cuộc sống gia đình cũng chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ cá.

Chuyến săn cá kết thúc lúc gần 7h sáng. Lúc này trên sông các thuyền của thương lái đến thu mua cá đã tấp nập hơn nhiều. Cá được phân ra thành nhiều loại để thương lái dễ lựa chọn. Cũng đã thành quy định, cá của bè nào thuộc quyền thu mua của thương lái nào cứ việc đến lấy, không ai tranh giành của ai. Loại cá bọp, cá rô phi, cá rầm có giá 30 nghìn/kg, lươn chạch và cá ghé, cá lăng nhỏ giá cao hơn, cá đặc sản loại to lại càng cao hơn nữa. Cứ thế, mỗi thương lái đi hết khúc sông thu mua chừng 20-30kg rồi trở về.

Mặt trời đã lên cao, con thuyền độc mộc lại đưa tôi về bến bản Hòa Lý. Mặt sông Nậm Nơn bắt đầu nóng lên, những ngư dân lại trở về nghỉ ngơi sau một đêm dầm mình trên con nước chờ một ngày đánh cá mới…

Nghỉ ngơi đến chiều, Chủ tịch xã Lương Văn Bảy lại rủ tôi ngược nguồn lên bản Cha Nga, sát biên giới Việt – Lào. Chẳng nghĩ ngợi nhiều, niềm vui khi được trở lại bản làng bên dòng Nậm Nơn khiến tôi hối thúc Lương Văn Bảy đi ngay. Theo sự hướng dẫn của anh Bảy, tôi lên thuyền của Vi Văn Việt. Việt được giới thiệu là người làm nghề lái thuyền đưa khách ở thượng nguồn Nậm Nơn này đã ngót chục năm. Gương mặt dạn dày của chàng trai sông nước khiến tôi yên tâm hơn nhiều. Trời đổ mưa phùn từ trưa nhưng sức nóng vẫn bốc lên từ mặt sông khiến người đổ mồ hôi. Cảm giác được đến với bản làng làm tôi quên hết mệt mỏi sau một chuyến xe nhọc nhằn hơn 200 cây số và một đêm lênh đênh trên sông nước.

Từ bản Xằng Trên lên tới Cha Nga phải vượt qua bao nhiêu ghềnh thác hiểm nguy. Chàng trai sông nước Vi Văn Việt trấn an tôi rằng: “Khi thuyền qua thác Cành Lẹt anh nhớ ngồi vững nhé, dân đi thuyền sợ nhất là qua chỗ này. Giá từ dưới kia lên Cha Nga là gần 800 nghìn nhưng vượt qua Cành Lẹt cũng mất 400 rồi”. Lời nói của Việt khiến tôi hơi sợ. Mà cũng đúng thật, 20 phút sau thuyền đến Cành Lẹt. Mặt nước tung bọt trắng xóa. Những tảng đá to nhấp nhô giữa dòng thác cuồn cuộn như một trận đồ binh pháp của vua Thủy Tề nhằm dụ đối phương vào đó để nuốt chửng. Việt kêu lên: “Anh lùi ra sau ngay, nguy hiểm lắm”. Tôi vội vàng ngồi vào sát tay lái thuyền. Việt vừa bình tĩnh điều khiển thuyền vượt thác vừa cố gắng bảo vệ hành lý cho tôi. Nước tung bọt đổ vào khoang làm cả khách và chủ ướt nhèm. Mỗi giây phút ấy đều gợi lên trong tôi những ý nghĩ lo sợ, ấy vậy mà mọi sự lại bình yên. Vi Văn Việt vẫn im lặng hồ như chưa có gì xảy ra.

Mặt trời đã chếch sang bên kia núi. Những ánh sáng cuối cùng còn hắt xuống mặt sông gay gắt. Sau cơn mưa dường như cảnh vật núi rừng càng trở nên vui tươi hơn bao giờ hết. Những chú chích chòe đứng ngay bên bờ sông hót vang trời, thỉnh thoảng một vài ngư dân dong thuyền ra quăng chài giữa sông. Khung cảnh yên bình đến lạ.

Đôi bờ thượng nguồn Nậm Nơn

Chợt thấy một bản nhỏ bên kia sông, tôi hỏi Việt, ấy là bản của dân tộc nào vậy? Việt bảo rằng: “Bản Xốp Cắng của người Lào đấy anh. Họ sống ở bên kia còn mình ở bên này. Họ với ta cũng thân thiết với nhau lắm, hay ta lên đó chơi tí đi?”. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay. Bước lên khỏi con thuyền, có bốn người Lào bước ra đón chúng tôi. Do bất đồng ngôn ngữ nên phải nhờ Việt phiên dịch lại tôi mới nghe được lõm bõm đôi câu.

Sau dăm ba phút chuyện trò cùng Việt, họ nằng nặc mời tôi lên bản thăm nhà. Thấy người lạ vào, mấy đứa trẻ người Lào xúm lại vây lấy tôi. Bản nhỏ rộn vang tiếng cười, tiếng nói. Lần đầu tiên được đặt chân đến một bản của người Lào sinh sống nên mọi thứ đối với tôi đều rất lạ lẫm. Những đứa trẻ, những người phụ nữ Lào khúc khích cười khi thấy tôi giơ máy ảnh lên chụp. Bên khung cửi, thiếu nữ bản Xốp Cắng miệt mài làm ra những tấm thổ cẩm đẹp mê hồn. Nước da nâu, tóc búi cao với giọng nói ấm áp em bảo rằng, phụ nữ Lào sinh ra đã biết nuôi tằm dệt vải rồi. Không biết làm là không lấy được chồng đâu anh ơi.

Phụ nữ bản Xốp Cắng (Lào) với nghề dệt vải truyền thống

Thật lạ, dù sống nơi núi rừng xa cách nhưng mỗi ngôi nhà ở đây đều được đánh biển số nhà. Trưởng bản Xốm My Xay bảo với tôi rằng, ranh giới Việt – Lào được chia từ nửa con sông Nậm Nơn, nửa bên này là của Lào, bên kia là đất Việt. Trước đây bà con ở Cha Nga (Mỹ Lý) và Xốp Cắng (Lào) cũng thường đi lại với nhau nhưng rất khó khăn bởi sự chia cắt về mặt hành chính. Bây giờ 2 bản kết nghĩa với nhau rồi thì bà con qua lại thường xuyên. Mất 5 phút đi thuyền là đến nhà nhau uống rượu cần múa lăm vông, vui lắm.

Chỉ mấy phút ngắn ngủi ở Xốp Cắng thôi mà lòng tôi vui khôn tả. Con người nơi đây thật thà chất phác như con sông ngọn núi vậy. Trưởng bản Xốm My Xay nằng nặc mời chúng tôi ở lại vui rượu cần nhưng đã lỡ hẹn với mọi người ở Cha Nga nên đành cáo từ. Trưởng bản hẹn tôi rằng, thế tối nay anh em Xốp Cắng sẽ sang Cha Nga uống rượu cần cho vui. Nắm cái tay thật chặt, tôi tin lời ông nói trước khi chia tay.

Thuyền đậu bến Cha Nga, mấy người dân trong bản ra đón khách như người thân lâu ngày gặp lại. Trong nhà ông Lô Văn Nghĩa hôm nay mọi người tập trung thật đông. Thật bất ngờ, trong cuộc rượu tôi được gặp con rể ông, anh Lương Khăm Xay cũng là người Lào. Trên dòng Nậm Nơn này, những đêm trăng sáng soi xuống sông đã kết duyên cho cô gái người Việt xinh đẹp và chàng trai người Lào vạm vỡ chất phác này.

Cuộc rượu vừa được mấy phút, chợt mọi người reo lên khi có mấy người Lào ở Xốp Cắng cũng vừa cập thuyền đến. Tay bắt mặt mừng, ông Xốm My Xay bảo tôi rằng, ông đã đưa đến cho tôi một chàng trai “nửa Việt nửa Lào” đây. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng được chàng trai kia lại thăm rượu và giải thích ngay. Lữ Văn Lợi vốn là người Lào ở bản Xốp Cắng nhưng từ nhỏ anh đã làm con nuôi của người Việt ở bản Cha Nga này. Hóa ra vì thế mà giờ Lợi nói tiếng Việt sõi quá. Anh bảo: “Bây giờ Cha Nga hay Xốp Cắng cũng đều là quê hương tôi cả. Việt hay Lào cũng đều uống chung một nguồn nước Nậm Nơn cả thôi”.

Sau chầu rượu trắng là rượu cần. Những chiêng rượu cần ngọt lịm bờ môi cứ chống chếnh sau những điệu múa lăm vông của các cô gái bản. Các già làng bảo rằng, chắc do uống nguồn nước Nậm Nơn nên những cô gái ở đây sinh ra đều rất đẹp, siêng năng và chịu khó. Tâm trí tôi đê mê sau mỗi điệu nhạc. Ngôi nhà sàn ngả nghiêng và rộn lên theo ánh mắt lúng liếng của cô gái Thái.

Một đêm thật tuyệt vời. Tôi chìm sâu trong giấc ngủ, dòng Nậm Nơn vẫn róc rách chảy, sóng vỗ quanh thân con thuyền độc mộc như lời cô gái vẫn thì thầm bên tai: “Mai xa rồi anh vẫn nhớ Nậm Nơn chứ?”. Chắc chắn là thế rồi!

Tác giả: Đào Thọ

Nguồn tin: tapchisonglam.vn

 


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
  + Xúc động Chương trình nghệ thuật “Làng Sen nuôi chí lớn” (10/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65075821

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July