(Baonghean) - Việt Nam nói chung, xứ Nghệ nói riêng hiếm người phụ nữ được dân tôn làm Thần Thành Hoàng, lập đền thờ tại làng, xã mình. Thế mà ở làng Phương Lịch, nay là xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, có bà Tú Lường - Phạm Thị Tảo đã được nhân dân làng chùa Me (nay là làng Đạo Lý, xã Lý Thành, huyện Yên Thành) tôn làm Bản Cảnh Thành Hoàng và lập đền thờ Bà từ năm Nhâm Thân (1932)…
Bà Phạm Thị Tảo sinh năm 1860, là con gái của cử nhân Phạm Đăng Tuấn, làm quan án sát tỉnh Ninh Bình. Bà sống trong gia đình gia giáo nên sớm có đức tính hiếu nghĩa và giàu lòng yêu nước, thương dân.
Vào thập niên 70 của thế kỷ XIX, là thời kỳ giặc Pháp ồ ạt đánh chiếm các tỉnh miền Bắc nước ta. Nam Định, Ninh Bình… lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Quan án sát tỉnh Ninh Bình không giữ được Thành Ninh Bình nên Vua Tự Đức có lệnh gọi vào Kinh đô Huế để nhận án chém đầu. Bà Phạm Thị Tảo, lúc đó mới có 12, 13 tuổi, đã nghĩ kỹ: Nếu cha chết thì không ai nuôi bà nội đã hơn 90 tuổi, nên bà viết đơn xin chết thay cha mình. Khi vào đến Kinh, hai cha con bà quỳ trước mặt Vua Tự Đức. Vua hỏi: “Con này quỳ đây để làm gì?”. Bà Tảo dâng đơn lên. Đọc xong đơn của bà, vua ra lệnh tha án chém cho án sát Phạm Đăng Tuấn, nhưng phải đày lên tận Lạng Sơn. Thế là nhờ có lòng chí hiếu, bà cứu sống cha mình. Thực ra, bà biết các tỉnh miền Bắc cũng như các tỉnh miền Nam rơi vào tay giặc Pháp không phải các quan tỉnh không giữ được thành, cũng không phải vì dân yếu kém, mà nguyên nhân chính là do Nguyễn Ánh cầu viện Pháp sang đánh Hoàng đế Cảnh Thịnh.
Vợ chồng ông Võ Tính Thành, bà Phạm Thị Thức là anh rể và chị ruột cuảbà Tảo cùng với một số người khác lập ra Trại Lạt, ở huyện Tân Kỳ (NghệAn) để góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân phong trào Cần Vương ở Nghệ An. Bà Tảo là người thông tin liên lạc giữa nghĩa quân với Trại Lạt. Nhờ vậy, Trại Lạt là một trong những hậu phương tin cậy của nghĩa quân.
Ở lang Nghiêm Thắng, nay là xã Đông Sơn, Đô Lương, có ông Nguyễn Cảnh Đỉnh khôi ngô tuấn tú, mới 25 tuổi đã thi đậu tú tài. Hồi đó ở vùng chợ Lường chưa có người đậu đạt. Ông Nguyễn Cảnh Đỉnh là người khai khoa, dân thường gọi là ông Tú Lường. Bà Phạm Thị Tảo kết duyên với ông Tú Lường, dân gọi bà là bà Tú Lường. Gia đình ông bà sống rất hạnh phúc, năm ông 27 tuổi thì bị bệnh nặng, qua đời khi bà Tú Lường mới 22 tuổi, mang thai được 3 tháng. Khi sinh được con trai, bà quyết định ở vậy thờ chồng, nuôi con”.
Ở làng Chùa Me, nay là làng Đạo Lý, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, có tướng Nguyễn Văn Ngợi dưới trướng Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn. Trong phong trào Cần Vương xứ Nghệ, khi tướng Nguyễn Văn Ngợi giết được thiếu úy Coóc chỉ huy quân đội Pháp và quân đội Nam Triều đánh phá phong trào Cần Vương ở trận Cồn Voi đã làm cho quân Pháp kinh hồn bạt vía. Lúc đó, các quan Nam Triều nhiều người mừng nhưng cũng có không ít người lo. Vì giặc Pháp cố tình bắt cho được Nguyễn Xuân Ôn khi đang trên giường bệnh, vào tháng 7/1887. Tướng Ngợi không hề nao núng, vẫn lãnh đạo quân sỹ chống giặc cho đến năm 1893. Lúc này, lực lượng nghĩa quân mỏng dần, lại bị gián điệp chỉ điểm nên tướng Ngợi bị bắt, bọn chúng đưa tướng về làng Chùa Me xử tử và đốt phá triệt hạ để uy hiếp phong trào Cần Vương xứ Nghệ. Dân làng Chùa Me phải đi phiêu bạt nhiều nơi.
Sau khi cụ Đình Nguyên Phan Đình Phùng và cụ Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn từ trần, phong trào Cần Vương xứ Nghệ tạm lắng. Bà Tú Lường bỏ tiền ra và đi kêu gọi những nhà hảo tâm trong vùng giúp đỡ cho dân làng Chùa Me trở về làng cũ, xây dựng nhà cửa, cày cấy làm ăn, chăm sóc mồ mả tổtiên ông bà, cha mẹ. Chẳng bao lâu, làng lại trù phú như xưa và họ xin ý kiến của bà đổi tên thành làng Đạo Lý.
Ngày 19/5, năm Nhâm Thân (1932), bà Tú Lường quy tiên, hưởng thọ 73 tuổi. Nhân dân làng Đạo Lý tưởng nhớ công ơn bà, đã lập đền thờ và lên Đô Lương xin chân hương về thờ, tôn bà Tú Lương- Phạm Thị Tảo là Bản Cảnh Thành Hoàng của làng Đạo Lý.
Ngày 21/4/2008, nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở xã Đông Sơn được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà thờ này thờ ông bà Tú Lường và các vị tổ trong họ. Còn nhà thờ Đại tộc họ Nguyễn Cảnh, ở xã Tràng Sơn, Đô Lương đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, từ năm 1991. Ngày 6/1/2011, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 58/QĐ-UBND.VX về việc đặt đổi tên đường Thành phố Vinh đợt IV, trong đó có đường Phạm Thị Tảo ở phường Bến Thủy, điểm đầu là đường Phong Định Cảng, điểm cuối là đường Võ Thị Sáu...
Hồ Bá Quỳnh
|