Nam Anh là một xã có diện tích trồng hồng lớn của huyện Nam Đàn (Nghệ An). Cả xã có khoảng hơn 120 ha trồng hồng, trong đó tập trung nhiều ở xóm 5,6,8 và 9. Mùa này những vườn hồng cổ thụ ở Nam Anh cho quả chín vàng ươm tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp, nổi bật giữa núi rừng.
Anh Nguyễn Trọng Sách, chủ một vườn hồng tại xã Nam Anh chia sẻ: “Qua những năm đầu thử nghiệm, người dân đã xây dựng những mô hình du lịch nông nghiệp (trải nghiệm vườn hồng) và đã cho nhiều kết quả khả quan. Bước đầu thu hút được đông đảo du khách địa phương và các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đến thăm quan và trải nghiệm. Qua đó, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân nơi đây”.
Những vườn hồng sai trĩu quả nằm lưng chừng sườn núi lãng mạn như những khu vườn trong cổ tích.
Những vườn hồng cổ cũng là địa điểm du lịch trải nghiệm về vùng nông thôn nơi có những đặc sản nổi bật sẽ là lựa chọn mới của nhiều du khách du lịch.
Du lịch nông nghiệp ở Nam Đàn bước đầu cho nhiều kết quả khả quan.
Với khoảng thời gian tuy ngắn nhưng du khách lại được hòa mình vào cuộc sống của người địa phương, tự tay hái những đặc sản "sạch" ngay tại vườn sẽ rất thú vị và đưa lại những trải nghiệm khó quên cùng những bộ ảnh đẹp làm kỉ niệm.
Một thiếu nữ thả dáng bên vườn hồng cổ thụ
Bạn Ngô Thị Huyền Trang (25 tuổi, trú tại xã Nam Thanh huyện Nam Đàn) chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em cùng nhóm bạn quay lại đây trải nghiệm. Những vườn hồng sai trĩu quả nằm lưng chừng sườn núi lãng mạn như những khu vườn trong cổ tích. Đây được xem như là điểm sáng mới của huyện Nam Đàn khi đề án phát triển du lịch nông nghiệp từ các vườn hồng ở xã Nam Anh”.
Nhiều bạn trẻ đã vượt hàng chục km đến vườn hồng cổ để chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc.
Tới vườn hồng, ngoài tham quan và chụp ảnh, du khách có thể tự tay thu hoạch hồng hoặc báo nhà vườn để họ chọn cho những trái đẹp và ngon nhất. Riêng khu vực vườn để chụp ảnh thì khách không được tự ý hái quả trên cây.
Những qua hồng chín mọng, du khách có thể tự tay hái và "trải nghiệm" ngay tại vườn.
Hiện, ở đây có nhiều vườn hồng được chọn là điểm du lịch sinh thái. Vé vào chụp ảnh, tham quan 30.000 đồng/lượt. Đặc biệt, những vườn hồng cổ này nằm ngay trên đường lên chùa Đại Tuệ nên hằng ngày có đến hàng trăm du khách ghé trải nghiệm, thăm quan chụp ảnh.
Vườn hồng cổ thu hút nhiều khách tham quan đến từ các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh.
Huyện Nam Đàn đã có đề án phát triển du lịch cộng đồng từ các vườn hồng Nam Anh, xã cũng đã chọn hồng làm sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Dịch vụ chụp hình cũng được nhóm quản lý vườn chuẩn bị sẵn cho khách có nhu cầu với nhiều trang phục, đạo cụ.
Theo đó, xã Nam Anh sẽ được đầu tư dây chuyền công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm từ hồng quả: hồng ép dẻo, hồng sấy giòn, mứt hồng… nâng cao chất lượng, giá trị quả hồng, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết đầu ra ổn định cho cây hồng Nam Anh.