(Baonghean.vn) - Văn hóa không chỉ là nhân tố nội sinh, giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần, mà còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển. Quán triệt sâu sắc điều này, Nghệ An đã xác lập cách tiếp cận mới đối với việc phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, xây dựng con người sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, khơi dậy được sự phát triển dựa vào lợi thế, nét đặc trưng và sự khác biệt.
Một tiết mục văn nghệ của đồng bào Thái. Ảnh: Đào Tuấn
Diện mạo văn hóa đặc sắc
Nghệ An là mảnh đất văn vật, cái nôi của khoa bảng, con người, thể hiện tinh thần hiếu học, khổ học, cần học và trọng đạo lý làm người, những văn nhân, võ tướng… được sinh ra trên mảnh đất này đã góp phần làm nên diện mạo riêng của con người xứ Nghệ. Mỗi thời kỳ đều có những con người, những bậc hiền tài đem tài năng và trí tuệ của mình đóng góp lớn cho quê hương, đất nước. Trong tổng thể những nét văn hóa chung của mỗi vùng, mỗi miền lại được hòa lẫn vào những nét riêng của cá nhân, đã góp phần làm sâu sắc những đặc trưng riêng của sắc thái văn hóa xứ Nghệ trong bản sắc chung của cả dân tộc Việt Nam.
Xưa nay, hầu hết các học giả viết về phong thổ xứ Nghệ đều đánh giá rất cao yếu tố con người. Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết Nghệ An là nơi: “Núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ… Được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… Thực là nơi hiểm yếu như thành đồng ao nóng của nước và là then chốt của các triều đại”.
Du khác về thăm quê ngoại Bác Hồ. Ảnh: Cảnh Hùng
Còn Bùi Dương Lịch viết trong “Nghệ An ký”: “Xứ này đất xấu, dân nghèo nhưng dân đều vui vẻ với những công việc sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ. Phong tục thuần hậu, chưa từng bị gián đoạn bao giờ”.
Cố PGS Ninh Viết Giao thông qua các tác phẩm nghiên cứu của mình rất đề cao yếu tố văn hóa, con người Nghệ An. Trong sách “Nghệ An đất phát nhân tài” ông lập luận: “Sách xưa thường cho rằng, Nghệ An là nơi “địa linh” nên mới sinh nhiều “nhân kiệt”. Chúng tôi cho rằng có nhân kiệt rồi mới lý giải bằng do địa linh. Nhân kiệt, một phần nhỏ do thiên bẩm, còn phần lớn do ý chí rèn luyện, tinh thần nỗ lực học tập, tu dưỡng, lao động, chiến đấu của cá nhân, cộng với sự tôi luyện trong đấu tranh và sự giúp đỡ của quần chúng. Nhân kiệt thường xuất hiện trong các phong trào quần chúng”.
Phụ nữ bản Nhang Thắm, xã Châu Cường (Quỳ Hợp) vui ngày đại đoàn kết. Ảnh: Đào Tuấn
Khơi dậy sự phát triển trên nền tảng văn hóa
Khơi dậy sự phát triển trên nền tảng văn hóa
Có thể nói các thành tố: “Truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên” đều là những giá trị quý báu, lâu đời, cốt lõi trong cốt cách, văn hóa của con người xứ Nghệ. Tuy vậy, khi nhìn nhận về văn hóa và con người xứ Nghệ, bên cạnh những nét đặc sắc, đức tính quý báu là chủ yếu thì vẫn còn những biểu hiện của “tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bảo thủ, trì trệ, hẹp hòi, níu kéo, chủ quan nóng vội ở mức độ khác nhau…” đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XVI cách đây hơn 15 năm, đến nay có lẽ vẫn còn phần nào tính thời sự.
Chơi trò đu tiên tại Lễ hội Làng Vạc, TX Thái Hòa. Ảnh: Nhật Thanh
Nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người; đồng thời khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những yếu tố đặc sắc để văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho tỉnh, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã xây dựng các chương trình, kế hoạch để điều tra, nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người xứ Nghệ, xây dựng môi trường văn hóa nhân văn, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Nghệ An cùng với cả nước đang chuyển sang nấc thang phát triển mới về chất: Nền tảng xuất phát mới, phương thức tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, cách tiếp cận phát triển dựa vào hội nhập toàn cầu, hiện đại, công nghệ cao và bản sắc. Với quan điểm, cách tiếp cận đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành thời lượng xứng đáng trong chương trình làm việc để bàn, thống nhất các nghị quyết, chương trình, đề án trong lĩnh vực văn hóa, phát triển con người. Qua đó, không chỉ đề ra mục tiêu cụ thể mà còn xác lập cách tiếp cận mới của Nghệ An đối với các vấn đề phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, con người sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, khơi dậy được sự phát triển dựa vào lợi thế, nét đặc trưng và sự khác biệt.
Cụ thể như, trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về việc ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh; đã thông qua Đề án nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững ở Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ý kiến vào báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện “Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”. Qua đó, xác định tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; chú trọng tuyên truyền các nội dung, quan điểm đổi mới của Đảng về văn hóa, văn nghệ trong Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đồng thời, tiếp tục xây dựng con người Nghệ An phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thời đại, thấm nhuần tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa xứ Nghệ gắn với việc hoàn thiện các chuẩn mực gia đình văn hóa Nghệ An.
Khắc luống - một nét đẹp trong văn hóa đồng bào dân tộc Thái được thực hiện tại Lễ hội hang Bua, Quỳ Châu. Ảnh: Thành Cường
Đề cập đến vấn đề này trong phiên họp thường kỳ tháng 12 vừa qua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu đưa nội dung xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An vào sinh hoạt chuyên đề tại các cuộc sinh hoạt chi bộ; từ đó nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về con người văn hóa, gia đình văn hóa, góp phần tác động tích cực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Thành Duy
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/xac-lap-cach-tiep-can-moi-de-van-hoa-luon-la-nguon-luc-noi-sinh-cho-phat-trien-300367.html
|