"Giải thoát" cho vợ trẻ và cách trả ơn cuộc đời của người đàn ông đặc biệt "Giải thoát" cho vợ trẻ và cách trả ơn cuộc đời của người đàn ông đặc biệt , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
"Lúc bạn gặp hoạn nạn được mọi người giúp đỡ sẽ thấu hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia. Tôi có thể không trả ơn được người từng giúp đỡ mình thì tôi trả ơn cho đời bằng những việc làm nhỏ của mình".
Biến cố
Đến xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hỏi về anh Bùi Văn Trung (sinh năm 1968) thì ai cũng biết. Hình ảnh một người đàn ông trên chiếc xe lăn đi khắp mọi nẻo đường đã quá quen thuộc với họ.
Anh Trung là người con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Học xong cấp 3, anh lên đường nhập ngũ. Đến năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh lên Đắk Lắk để lập nghiệp, rồi xây dựng gia đình.
Biến cố đã đến với anh vào đầu năm 2008. Lúc ấy vừa cưới vợ được hơn 5 tháng thì anh bị ngã giàn giáo, gãy cột sống. Dù được gia đình, bạn bè đưa đi bệnh viện điều trị nhưng từ phần bụng đến chân của anh bị liệt hoàn toàn. Từ một người khỏe mạnh, bỗng thành gánh nặng cho gia đình khiến anh Trung suy sụp hoàn toàn.
"Cả bầu trời như tối sầm lại, tôi suy sụp hoàn toàn, nhiều khi không muốn sống nữa. Phải hơn một năm, được sự động viên của anh em, bạn bè, tôi mới lấy lại được tinh thần, đối diện với sự thật để sống tiếp", anh Trung nhớ lại biến cố của cuộc đời mình.
Vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, năm 2016 anh quyết tâm giải thoát cho vợ của mình để về quê sống với bố mẹ.
"Vợ kém tôi 16 tuổi. Chúng tôi lại chưa kịp có con với nhau nên khi gặp nạn, tôi quyết về quê, giải thoát cho vợ. Lúc ấy, tôi cũng đau lòng lắm. Nhưng tôi không muốn vì tôi mà phần còn lại của cô ấy phải chịu khổ sở", anh Trung tâm sự.
Trở về quê hương được ba năm thì bố anh qua đời. Hiện anh sống với mẹ năm nay đã 86 tuổi.
Đừng đánh mất niềm tin
Anh Trung kể, từ những ngày nằm viện, anh đã nhận được rất nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của anh em, bạn bè và cả những người không quen biết: "Lúc bạn gặp hoạn nạn được mọi người giúp đỡ thì sẽ thấu hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia. Sự giúp đỡ đó là nguồn động lực vô cùng lớn cho ta có thêm niềm tin để vượt qua".
Chính vì vậy, dù cuộc sống phải dựa vào chiếc xe lăn, nhưng anh Trung luôn đau đáu phải làm một việc gì đó có ích cho xã hội, phù hợp với sức lực của mình.
"Tôi có thể không trả ơn được những người từng giúp đỡ mình, thì tôi có thể trả ơn cho đời bằng việc làm nhỏ của mình, cho người kém may mắn hơn mình", anh Trung nói .
Năm 2016, tình cờ biết và gặp một hoàn cảnh vô cùng éo le, anh Trung đã viết lên những dòng chia sẻ trên mạng xã hội. Bài viết của anh vô tình chạm đến trái tim của rất nhiều người.
"Thấy nhiều người chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh qua bài viết của mình, tôi thấy vui và có động lực để thực hiện ý tưởng giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Mình là người trong cuộc, cũng đã trải qua những khó khăn nên rất đồng cảm và hiểu họ", cái duyên đến với người nghèo khó của anh Trung là như vậy.
Mỗi năm, anh cũng đã kêu gọi được hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn. Suốt hơn 5 năm qua, anh vẫn miệt mài đi tìm những mảnh đời khó khăn để viết bài kêu gọi giúp đỡ. Đến nay, anh cũng không nhớ mình đã kêu gọi giúp đỡ cho bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn nữa.
Ban đầu có người nghi ngờ, không tin, thậm chí còn có những lời nói khó nghe. Nhưng anh đều bỏ ngoài tai và cố gắng thực hiện công việc của mình. Anh chỉ biết rằng, mình kêu gọi giúp đỡ cho một ai đó tức là họ được san sẻ, vơi bớt đi một chút khó khăn.
"Có người nói sao tôi không lo cho bản thân mình trước đi đã. Ai cũng chỉ biết đến mình thì những người nghèo khó họ sẽ thế nào?", anh luôn tự hỏi chính mình như vậy.
Điều mà anh Trung cho rằng không thể đánh mất được đó là niềm tin. Chính niềm tin, đã giúp anh vượt qua được khó khăn để tiếp tục sống.
"Có thể tôi không giúp được nhiều, nhưng có thể cho họ một chút niềm tin. Niềm tin sẽ cho họ thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn". Anh Trung nói và cho biết vẫn sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào sức khỏe không còn cho phép.