Thứ sáu, 12/02/2021 Tết đặc biệt trong lịch sử của người lính biên phòng Thứ sáu, 12/02/2021 Tết đặc biệt trong lịch sử của người lính biên phòng , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Đây là cái Tết đặc biệt trong lịch sử của lực lượng bộ đội biên phòng. Những người lính đã tình nguyện ở lại gác Xuân nơi biên giới để giữ cái Tết an toàn, vui tươi cho nhân dân.
Những lá đơn tình nguyện trực chốt phòng dịch ngày Tết
Hai năm trước, Trung úy Võ Trung Sơn - Đồn biên phòng Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) trực Tết. Năm nay, Trung úy Sơn sẽ được về quê đón Tết với gia đình. Bao nhiêu dự định đã được chàng lính trẻ này lên kế hoạch cụ thể để phân bố thời gian dành cho gia đình và thực hiện lời hứa nhiều năm với bạn gái...
Gần đến Tết, dịch Covid-19 có những diễn biến bất thường với liên tiếp nhiều ca được kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2. Trung úy Sơn viết đơn tình nguyện ở lại trực Tết dẫu biết rằng lời hẹn đi ngắm pháo hoa vào thời khắc giao thừa sẽ thêm một lần bị lỡ .
"Khi tôi thông báo ở lại trực Tết, bố mẹ, bạn gái cũng có chút hụt hẫng nhưng rồi ai cũng động viên yên tâm ở lại. Tết ai không muốn quây quần bên gia đình, người thân nhưng đang trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, mình gác lại một chút niềm riêng để nhân dân yên tâm đón Tết, vui Xuân", Trung úy Sơn tâm sự.
Năm ngoái trực Tết, năm nay, Đại úy Hoàng Văn Trung, nhân viên phòng chống Ma túy và tội phạm, Đồn cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy sẽ được nghỉ, về đón Tết cùng gia đình. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, anh viết đơn tình nguyện lên chốt. Hiện, anh Trung đang thực hiện công tác bảo vệ biên giới và phòng chống dịch tại Đồn 539 (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
"Trước khi viết đơn tình nguyện, anh có "thăm dò" vợ. Thú thực, năm ngoái vợ chồng, con cái đã phải đón Tết xa nhau nên năm nay tôi đã có nhiều dự định. Khi anh nói sẽ lên chốt, bản thân tôi cũng hụt hẫng nhưng dằn lòng mình lại, động viên anh lên đường. Người lính ở thời nào cũng vậy, cũng phải biết gác lại riêng tư để thực hiện nhiệm vụ lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", chị Trần Thị Quỳnh, vợ Đại úy Trung tâm sự.
Giáp Tết, khi người người, nhà nhà quây quần bên nhau, cùng chuẩn bị để đón năm mới thì anh khoác ba lô ngược lên núi. Ở đó, đồng đội của anh vẫn đang ngày đêm đội sương gió, rét buốt để bảo vệ từng tất đất Tổ quốc, bảo vệ cho sự an toàn và bình yên của nhân dân.
Ngày 30 Tết, mọi công việc chuẩn bị ở 2 nhà nội ngoại chị Quỳnh đã chu toàn. Chị cùng cô con gái sửa soạn mâm cỗ cúng giao thừa, cắm thêm những lọ hoa tươi để căn nhà dù vắng anh nhưng luôn ấm cúng.
"Nhiều khi cũng chạnh lòng lắm, Tết đến, nhìn vợ chồng người khác líu ríu cùng nhau đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, còn mình thì thui thủi một mình. Nhưng suy nghĩ đó cũng chỉ thoáng qua trong đầu thôi, rồi lại tự xốc lại tinh thần, thay chồng lo toan mọi việc.
Phụ nữ mà, ai cũng có phút yếu mềm nhưng cũng phải mạnh mẽ để chồng yên tâm công tác. So với mình ở nhà thì trên chốt anh và các đồng đội vất vả nhiều hơn. Tết đến chẳng mong gì, chỉ mong anh và đồng đội luôn khỏe mạnh, dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi. Hẹn anh Tết sau cả nhà mình cùng đón Giao thừa, chào năm mới", vợ Đại úy Trung chia sẻ.
Theo Đại tá Lê Như Cương - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, toàn đơn vị có 212 đồng chí viết đơn tình nguyện ở lại bám các tổ chốt phòng dịch, trong đó không ít đồng chí nhiều năm chưa về ăn Tết với gia đình.
"Bộ chỉ huy ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Rất phấn khởi và tự hào khi Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An được Bộ Tư lệnh BĐBP gửi công văn khen về tinh thần tình nguyện, xung phong trong phòng chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu", Đại tá Cương cho biết.
Gác Tết nơi biên cương
Quản lý hơn 468 km đường biên giới, thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ các Đồn biên phòng Nghệ An phải căng sức thực hiện đồng thời nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Vào những ngày Tết, nhiệm vụ của những người "gác biên cương" càng nặng nề hơn khi nhu cầu về nước đón Tết và tránh cách ly, qua lại thăm thân giữa hai phía biên giới tăng.
Mặc gió rét, mặc hiểm nguy, tại 33 tổ chốt phòng chống dịch Covid-19 đóng dọc biên giới luôn duy trì trực 24/24h, đảm bảo không để trống chốt dù chỉ một giây. Để kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ trên các tổ chốt, ngoài việc đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo Chỉ huy các Đồn bố trí đi chúc Tết những người trực Tết; đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết để các tổ chốt gói bánh chưng, để anh em chiến sỹ đón Tết đầy đủ, ấm áp, tươi vui.
"Đây là cái Tết đặc biệt nhất của lực lượng biên phòng. Vào đêm Giao thừa, tại trụ sở Bộ Chỉ huy sẽ tổ chức chúc Tết trực tuyến. Các cán bộ, chiến sỹ đang trực trên các tổ chốt đã phủ sóng 3G, 4G sẽ nhận chúc Tết và động viên của lãnh đạo UBND tỉnh và Bộ chỉ huy qua các ứng dụng điện thoại", Đại tá Lê Như Cương cho biết thêm.
9 năm trong quân ngũ thì có đến 4 cái Tết Trung úy Võ Trung Sơn phải xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ. "Lính mà!", Sơn cười nhẹ nhàng khi nói đến Tết của những người gác biên cương.
Do đặc thù địa hình, địa vật và nhiệm vụ, các tổ, chốt đều được đóng ở những nơi hoang vu, xa dân. Thời khắc mùa Xuân gõ cửa đất trời cũng không thể xua tan những khắc nghiệt nơi núi sâu rừng thẳm. Ở chốt, cành đào rừng đã bung nở, giữa cái lạnh tê tái, sau giờ tuần tra biên giới, Sơn và đồng đội ngồi quây quần bên bếp lửa, tâm sự về gia đình - điểm tựa tinh thần của những người lính biên phòng.
"Bên cạnh sự động viên của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, chỉ huy đồn, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chiến sỹ, chúng tôi luôn nhận được sự động viên, cảm thông, khích lệ từ gia đình, người thân. Bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ biên phòng đều ý thức cao về trách nhiệm của bản thân trong việc đảm bảo an ninh biên giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào nội địa để người dân an tâm vui Tết, đón Xuân an lành.
Năm mới, tôi mong dịch bệnh ở Việt Nam cũng như ở thế giới sớm được khống chế và đẩy lùi, để sau Tết, anh em trên chốt có thể về nhà, vui Xuân muộn cùng gia đình và người thân", Trung úy Võ Trung Sơn chia sẻ.
Tháng 2 này, hoa đào nở rộ trên khắp dải biên cương. Ở đó, những người lính vẫn âm thầm gác Tết để Xuân yên vui về với mọi nhà...