(Baonghean.vn) - Đình Hoành Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) không chỉ nổi tiếng là công trình có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mà nơi đây còn lưu giữ hệ thống tượng cổ độc đáo.
Đình Hoành Sơn (đình làng Ngang) được Thông giám hầu Đặng Thạc khởi dựng năm Cảnh Hưng thứ 23 (1763), thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang, tứ vị Thánh Nương, đức Phật, thánh thần. Đây là đình làng có quy mô đồ sộ vào bậc nhất miền Trung, gồm 7 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Trong đình, kết cấu gỗ được chạm khắc tinh xảo, công phu, thể hiện sâu sắc các quan điểm nhân sinh, triết lý và tinh thần dân tộc. Ảnh: Huy Thư
Ngoài nghệ thuật điêu khắc, tại đình Hoành Sơn còn lưu giữ 10 pho tượng cổ (chưa rõ niên đại), gồm nhiều thể loại: tượng Phật, tượng thánh, thần... được tạo tác từ chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng. Hệ thống tượng pháp này đều được thờ ở hậu cung. Bàn thờ chính giữa thờ 6 pho tượng, trong đó có 4 tượng Phật Thích Ca tạo tác theo kiểu ngồi thiền và 2 tượng được cho là Bồ Tát tạo tác trong tư thế đứng. Ảnh: Huy Thư
Theo ban quản lý di tích, tượng pháp tại đình Hoành Sơn có nguồn gốc từ chùa Ngang - một ngôi chùa cổ trong vùng. Những năm chiến tranh khi chùa bị tháo dỡ di dời, người dân địa phương đã chuyển hàng chục pho tượng cổ ở đây về thờ trong đình Hoành Sơn. Những năm vùng 5 Nam bị lụt to, nước lụt đã cuốn trôi nhiều tượng gỗ. Số tượng còn lại hiện nay chỉ là một phần nhỏ tượng chùa Ngang xưa. Ảnh: Huy Thư
Trong 10 pho tượng cổ này, 7 tượng đã được sơn son thếp vàng lại, còn 3 tương Phật vẫn giữ nguyên hiện trạng như mấy chục năm nay. Ảnh: Huy Thư
Tượng cổ đã nhuốm màu thời gian với nhiều biến cố thăng trầm... Sự hiện hữu của những pho tượng này cũng khẳng định về một ngôi chùa lớn, cổ kính đã từng tồn tại ở làng Ngang, cùng với đình làng Ngang và nhà thánh làng Ngang. Ảnh: Huy Thư
So với nhiều ngôi đình khác trong tỉnh, việc đình Hoành Sơn đang lưu giữ nhiều pho tượng Phật, thánh, thần ... cũng là một điều đặc biệt. Trong ảnh: Một số pho tượng cổ nhìn từ phía sau. Ảnh: Huy Thư
Bàn thờ bên trái hậu cung thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu... Bàn thờ bên phải thờ các vị Thánh nương. Mỗi pho tượng mang một phong thái khác nhau, đậm tính chân dung hiện thực, đặc biệt chú trọng đến thần thái, biểu cảm của từng nhân vật, thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. Ảnh: Huy Thư
Tượng Ngọc Hoàng được tạc khắc toàn thân trong tư thế ngồi, hai tay giơ lên phía trước với đầy đủ trang phục cung đình, nổi bật với khuôn mặt quắc thước, đôi tai dài và chiếc mũ có chữ "Vương" ở trên đầu. Ảnh: Huy Thư
Cùng với nghệ thuật điêu khắc gỗ tuyệt mỹ, hệ thống tượng cổ đặc sắc đã làm phong phú thêm hiện vật, đối tượng thờ tự ở đình Hoành Sơn cũng như khẳng định bề dày truyền thống của một vùng quê văn vật . Trong ảnh: Bàn thờ các vị Thánh nương. Ảnh: Huy Thư
Năm 1980, đình Hoành Sơn đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia. Năm 2017, đình được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thiện Tư - người trông coi di tích đang nói chuyện với du khách về nguồn gốc các pho tưọng cổ ở đình Hoành Sơn. Ảnh: Huy Thư
Huy Thư
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/chiem-nguong-he-thong-tuong-quy-o-di-tich-quoc-gia-dac-biet-dinh-hoanh-son-280122.html
|