Anh Viện hơn tôi 5 tuổi. Nhớ lại xa xưa… cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi “thấy” anh Nguyễn Khắc Viện ở trường Bưởi, thời Pháp, tên trường chính thức là Lycée du Protectorat.
Năm 1932, khi tôi bước chân vào bậc Cao đẳng tiểu học thì anh Viện đã ở năm thứ hai Tú tài bản xứ. Tôi là lính mới, các bạn thì thầm chỉ cho tôi ở ngoài sân một thanh niên mặc áo the, quần trắng, đầu húi carré đang đá cầu. Họ bàn tán: Viện đấy! Vua đá cầu, bóng rổ… không thuộc loại học “gạo” mà lại xuất sắc. Anh đỗ tốt nghiệp cao, cả Tú tài ta lẫn Tú tài tây. Tôi chỉ “kính nhi viễn chi” như vậy thôi!
Rồi anh đi đường anh, tôi đường tôi!
Bẵng đi một thời gian dài, mười tám năm sau, 1948, kháng chiến chống Pháp, tình cờ tôi lại được “nghe” về anh. “Nghe” qua một cái đài ọ ẹ: “Paris – BS. Nguyễn Khắc Viện đã xuất bản một tài liệu về những phương pháp giáo dục ở bậc tiểu học”. Tôi cho đăng ngay tin ấy lên tờ báo địch vận chiến khu III là L’étincelle mà tôi làm chủ bút (kháng chiến vào giai đoạn gay go, mọi tin tức đề cao khả năng dân tộc, nhất là về mặt quốc tế rất cần cho địch vận). Lại bẵng đi 15 năm. Năm 1963, ở Hà Nội, tôi gặp anh Viện tại một phòng hiu quạnh của nhà khách phố Hai Bà Trưng.
Anh chỉ còn một nửa lá phổi, mới bị trục xuất khỏi nước Pháp sau 24 năm cư ngụ và hoạt động “không vừa lòng mẫu quốc”. Trước mắt tôi là một người gày gò, trẻ hơn tuổi 50 với nét mặt xa vắng và thanh thản của một đạo sĩ phương Đông, nói năng nhỏ nhẹ, áo quần không là, không chút “Pa-ri-diêng” (dân Paris) nào! Chúng tôi trao đổi về sách báo đối ngoại. Anh đang có tiếng là một nhà viết sách sành sỏi ở Pháp. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng chúng tôi lại được đọc bài của anh ở một số tạp chí thuộc phe tả Pháp.
Lúc đó, tôi là Tổng biên tập báo đối ngoại Pháp-Anh Le Vietnam en marche, báo ra được 7 năm. Tạp chí xuất bản từ 1956, theo tinh thần đấu tranh cho Hiệp nghị Paris và giới thiệu Việt Nam ra thế giới, nặng về văn hoá xã hội. Anh Viện về, thấy như vậy không còn hợp với tình hình ta đang phải đương đầu về chính trị và quân sự với Mỹ. Anh đề nghị nên thay bằng một tờ đấu tranh thời sự Le Courrier du Vietnam và một tạp chí đi vào chiều sâu hơn (Etudes Vietnamienne).
Hai cơ quan ngôn luận này ra đời đã khiến cho báo chí đối ngoại Việt Nam khởi sắc. Sự thực thì báo ngoại ngữ từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa có điều kiện phát triển. Lèo tèo có tờ Le Peuple ra ở Hà Nội cho đến khi toàn quốc kháng chiến (1948), rồi mấy tờ báo địch vận ở các chiến khu… Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, có tạp chí Le Vietnam démocratique chỉ ra được một số, Le Vietnam en marche và Báo ảnh Việt Nam. Chỉ đến cuộc kháng chiến chống Mỹ: Etudes Vietnamiennes, Le Courrier du Vietnam và các sách của NXB Ngoại văn, đặc biệt tiếng Pháp và tiếng Anh, mới phát huy tác dụng tốt.
Cuộc kháng chiến gay go lại là một điều kiện thuận lợi cho sách báo đối ngoại Việt Nam vì Việt Nam trở thành vấn đề quốc tế nóng bỏng. Mặt trận Thế giới vì Việt Nam (bao gồm tất cả các nước, các dân tộc và những người có cảm tình với một dân tộc đi chân đất, chống máy bay của một đế quốc siêu công nghiệp) chăm chú theo dõi những gì phát đi từ trái tim Hà Nội.
Anh Viện đã tập hợp được một số anh em trí thức học thời Pháp (thuộc đủ ngành: làm báo, biên tập, dạy học, phiên dịch…), cải tổ nhà xuất bản Ngoại văn, sáp nhập Etudes Vietnamiennes và Le Courrier duVietnam (1970). Một số anh em chúng tôi qua công tác có ít nhiều kinh nghiệm về viết cho đối tượng nước ngoài. Anh Viện là người đúc kết đầy đủ nhất những kinh nghiệm và lý luận tuyên truyền đối ngoại, nhất là chiến lược và sách lược đấu tranh quốc tế, tranh thủ cảm tình nhân dân thế giới.
Bản dịch Kiều sang tiếng Pháp của anh đề ra một quan niệm dịch thuật khá độc đáo. Anh chủ trương không nhằm tìm kiếm cái xa lạ (exotique) theo kiểu Đông phương học mà lược các điển tích, thể hiện cái thần của văn hoá Việt, “tính người” phổ biến giữ được chất thơ qua nhịp điệu Pháp ngữ. Anh là kiến trúc sư bộ Tuyển tập văn học Việt Nam tiếng Pháp gồm 4 cuốn trên 2.000 trang. Bộ sách đã được rút ngắn một nửa, chuyển sang tiếng Anh.
Độc giả thế giới rất tán thưởng bộ tuyển tập này: “Suốt ngày đêm, hàng trăm B52 và mấy trăm máy bay chiến đấu đã dội bom xuống thôn xóm Việt Nam. Nhưng đối phương của Mỹ lại là những người cứng đầu vì họ có trí thông minh, lòng tự hào… Họ vừa xuất bản một bộ tuyển tập rất trau chuốt gồm những bài thơ cổ dịch sang tiếng Pháp” (báo Le Monde). Tác phẩm này là một tác phẩm then chốt (F.P.Rodriguez, Cuba). “Tác phẩm có giá trị này đã vươn lên từ Việt Nam” (nhà văn Mỹ R.Friend)”.
Tạp chí Pháp – Anh Nghiên cứu Việt Nam do anh Viện sáng lập và làm Tổng biên tập có một vai trò đối ngoại, nhất là đối với phương Tây trong kháng chiến chống Mỹ. Giáo sư Mỹ D.Jardine đánh giá: “Tạp chí này, từ những năm 1960 đã là một kho tàng tri thức vì Việt Nam. Tôi đã luôn dựa vào nó, coi là nguồn chủ yếu trong công việc nghiên cứu”. Nhà văn Mỹ Lady Borton có ý kiến: “Trong 47 năm nay, tạp chí công bố những công trình của các nhà nghiên cứu Việt Nam, là tiếng nói chính của người Việt!”.
Tổng kết những cống hiến của anh Viện, cần nhắc đến các công trình sử học, dưỡng sinh, phục hồi môn đá cầu truyền thống, nghiên cứu tâm lý trẻ em.
Anh Viện quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là con cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm. Mặc dù lưu lạc hơn hai chục năm ở Pháp, anh vẫn giữ nhiều tính cách “thầy đồ Nghệ”, chữ Nho anh rất khá. Thầy đồ Nghệ đi Tây, viết tiếng Tây mà phục vụ đất nước đắc lực. Năm 1992, được tặng giải lớn Pháp ngữ của Viện Hàn lâm Pháp.
Nguồn: KH&ĐS
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|