Những năm tháng chưa bình yên
Tháng 7, chúng tôi có dịp lên với Mường Lống, nơi được ví là “Sa Pa của xứ Nghệ” bởi khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình. Sắp xếp từ trước, lần này phải dành thời gian thăm và thắp hương ở nghĩa trang liệt sỹ, thể hiện tấm lòng tri ân với hơn 20 cán bộ, công nhân đã nằm xuống nơi đây. Một niềm xúc cảm dâng đầy, khóe mắt chợt rưng rưng khi nghĩ đến những người đang yên nghỉ giữa núi rừng, sau cổng trời miền Tây xứ Nghệ.
Nghĩa trang liệt sỹ Mường Lống (Kỳ Sơn) là nơi yên nghỉ của hơn 20 liệt sỹ bị phỉ tập kích, giết hại vào ngày 24/6/1964. Ảnh: Công Kiên
Cùng rảo bước trong khuôn viên, ông Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Vào rạng sáng 24/6/1964, bọn phỉ đã tập kích vào trung tâm Mường Lống, tập trung tấn công vào trại ươm giống trên địa bàn, nơi có hơn 20 công nhân đang làm nhiệm vụ. Hơn 20 người đã ngã xuống dưới làn đạn của bọn phỉ Châu Phà, số người sống sót rất ít, trong đó có ông Lê Văn Toản”.
Hôm sau, ngược ra thị trấn Mường Xén, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Toản ở khối 2 với mong muốn được biết rõ hơn về sự kiện bi thương đã đi qua hơn nửa thế kỷ. Thật may, đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn còn minh mẫn, chỉ mới nhắc đến địa danh Mường Lống, nét mặt suy tư như chạm đến miền ký ức, để rồi sự kiện năm nào lần lượt hiện về như thước phim quay chậm.
Ông Lê Văn Toản (SN 1940), quê ở xã Mỹ Thành (Yên Thành), chưa đầy 15 tuổi đã ngược rừng lên Kỳ Sơn kiếm sống. Năm 1962, Ty Nông nghiệp Nghệ An thành lập trạm ươm giống ở Mường Lống. Nhờ thông thuộc địa hình và biết một ít tiếng nói, phong tục đồng bào vùng cao nên ông Toản được tuyển vào làm công nhân.
Đây là thời điểm phỉ đang hoạt động mạnh ở vùng biên giới Kỳ Sơn, nhất là vùng đồng bào Mông sinh sống. Chúng cấu kết với lực lượng của Vàng Pao ở Lào để chống phá cách mạng, có ý đồ lập nhà nước tự trị. Tháng 8 năm ấy, đoàn công nhân trại giống do ông Nguyễn Hữu Cương (trại trưởng) dẫn đầu đi bộ vào Mường Lống.
Qua một ngày đến bản Huồi Đun (Huồi Tụ), rồi Phà Xắc bỗng nghe tiếng súng dội ra từ Mường Lống. Một lúc sau hay tin phỉ vừa phục kích, bắn bị thương các cán bộ cơ sở. Ông Toản và 10 người khác được lệnh khiêng những người bị thương ra Mường Xén cứu chữa, sau đó tiếp tục trở vào làm nhiệm vụ xây dựng trại.
Nhắc đến những đồng chí, đồng đội hy sinh, ông Toản không nén được niềm xúc động. Ảnh: Công Kiên
Ký ức và niềm mong chờ
Giữa núi rừng hoang vu, cán bộ, công nhân Trạm ươm giống Mường Xén sống trong thấp thỏm, vì bọn phỉ thoắt ẩn thoắt hiện, có thể bị chúng phục kích bất cứ lúc nào. Và nỗi lo lắng ấy đã thật sự hiện hữu vào rạng sáng 24/6/1964, khi toán phỉ hàng chục tên với súng AK và lựu đạn ồ ạt tập kích vào trại.
Lãnh đạo địa phương và du khách dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sỹ Mường Lống. Ảnh: Công Kiên
Ông Toản nhớ lại: “Khoảng 3h sáng tôi chợt thức giấc, vừa thiu thiu ngủ lại thì nghe tiếng AK bắn xối xả vào trại. Biết là đã bị phỉ tập kích, tôi choàng dậy với khẩu K44 vừa để bắn trả, vừa báo động anh em công nhân. Nhưng chúng tôi chỉ có mấy khẩu súng, trong khi bọn phỉ bắn đạn vào như vãi trấu và ném lựu đạn tới tập nên hầu hết đều bị trúng đạn và hy sinh”.
Riêng ông Toản lúc ấy nấp vào được dưới bệ rèn, dùng súng bắn trả và hạ được 3 tên phỉ. Cuộc tập kích của bọn phỉ kéo dài đến tận 7h tối, hầu hết công nhân Trại ươm giống đều hy sinh, chỉ ông Toản, ông Cương (trại trưởng) và một vài người sống sót.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, Mường Lống không còn là chốn hoang vu, đường nhựa đã về tận bản, đời sống mọi mặt đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Công Kiên
Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Kỳ Sơn, số người bị bọn phỉ giết hại trong cuộc tập kích ở Mường Lống hôm đó là 27, bao gồm công nhân trại ươm giống, bộ đội, dân công, cán bộ y tế và giáo viên. Những người bị phỉ giết hại được ông Toản và mọi người mai táng tại một điểm ven sườn núi, về sau được nhà nước công nhận liệt sỹ.
Hầu hết các liệt sỹ hy sinh ở Mường Lống ngày 24/6/1964 đều là người miền xuôi lên công tác, nên khi hòa bình lập lại được gia đình cất bốc hài cốt về quê an táng. Hiện trong nghĩa trang chỉ còn 13 mộ chí, có những ngôi mộ hàng năm có người nhà lên chăm sóc hương khói, nhưng cũng có những ngôi mộ chưa có thân thân tìm đến thăm nom.
Mấy năm trước, trong trận mưa lớn, một tảng đá từ núi lăn xuống làm sập một đoạn tường rào và đài thắp hương trong nghĩa trang, nay vẫn chưa được sửa chữa.
“Huyện đã làm tờ trình lên UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí tu sửa, nâng cấp nghĩa trang Mường Lống, xứng đáng với sự hy sinh và thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì sự bình yên và phát triển của quê hương”.
Ông Lê Hồng Lập - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Kỳ Sơn.
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, Mường Lống không còn là chốn hoang vu, đường nhựa đã về tận bản, đời sống mọi mặt đã có nhiều khởi sắc với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/năm. Tận dụng ưu thế về khí hậu và thổ nhưỡng, bà con người Mông nơi đây đã phát triển các loại cây trồng đặc trưng như đào, mận, gừng, dược liệu và phát triển chăn nuôi gia súc, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Lê Văn Toản mong ước sẽ có một tấm bia dẫn tích để du khách gần xa hiểu rõ sự kiện bi thương và sự hy sinh của những người tiên phong lên phát triển kinh tế ở núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Công Kiên
Đặc biệt, Mường Lống hiện đang được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng, hứa hẹn sẽ có thêm bước đột phá mới trong thời gian gần.
Chia sẻ về ước nguyện của mình, ông Lê Văn Toản cho biết: “Tôi không có niềm mong ước nào hơn là 13 liệt sỹ đang an nghỉ ở nghĩa trang Mường Lống được gia đình chuyển về quê, vì đã hơn 56 năm xa cách. Và mai đây, ở vị trí ấy sẽ có một tượng đài và tấm bia dẫn tích nho nhỏ để du khách gần xa hiểu rõ sự kiện bi thương và sự hy sinh của những người con lên phát triển kinh tế ở núi rừng miền Tây xứ Nghệ”.
Công Kiên
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/chuyen-nhung-liet-sy-hy-sinh-noi-cong-troi-muong-long-271119.html