Năm 1948, Hội Phật giáo Việt Nam tặng Bác Hồ một tấm áo quý. Đó là một tấm áo may bằng lụa Hà Đông, màu mỡ gà nhạt, hai ve áo được thêu hai đóa hoa sen trắng, rất tinh tế, nên được gọi là áo Bạch Liên. Lúc bấy giờ mặt trận Bình Trị Thiên đang vào hồi quyết liệt. Bác Hồ không mặc tấm áo đó, mà gửi tặng Ủy ban Hành chính Liên khu Bốn để bán lấy tiền ủng hộ chiến sỹ mặt trận Bình Trị Thiên.
Buổi bán đấu giá tấm áo quý được tổ chức tại Đô Lương (Nghệ An). Đông đảo tổ chức, doanh nghiệp, những nhà công thương, những hộ khá giả và cán bộ, nhân dân trong vùng đến dự. Công ty Việt Thương ở Thanh Hóa, Đoàn Kiến thiết kinh tế Nghệ An cũng tới tham gia đấu giá. Thể thức cuộc đấu giá rất đơn giản là ai trả giá cao nhất sẽ được sở hữu tấm áo, nhưng những người không trúng đấu giá cũng sẽ hiến số tiền đã trả giá cho kháng chiến.
Cộng hưởng với tấm lòng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với chiến sỹ, cuộc đấu giá diễn ra sôi nổi, hào hứng, vì ai cũng muốn có tấm áo quý, hiện thân tấm lòng của vị cha già dân tộc. Cuối cùng, người được sở hữu báu vật đó là Lương y Phó Đức Thành. Ông trả giá cho tấm áo quý với một số tiền tương đương 160 lượng vàng lúc bấy giờ. Toàn bộ số tiền thu được trong cuộc đấu giá đã được Ủy ban Hành chính Liên khu Bốn chuyển cho mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa.
Thế nhưng, tấm áo quý về gia đình chưa được 1 tháng, thì ngày 2/11/1948, ở Thanh Hóa diễn ra Đại hội Luyện quân lập công, do Thiếu tướng Nguyễn Sơn chủ trì, Lương y Phó Đức Thành lại gửi tặng báu vật cho Đại hội để làm phần thưởng động viên phong trào.
Lương y Phó Đức Thành quê ở Hưng Yên, nhưng lập nghiệp ở Vinh từ năm 1926, là người quản lý Công ty Đông Nam dược Vĩnh Hưng Tường lớn nhất Trung Kỳ khi đó. Ông là cha đẻ của cao Vạn Ứng, tiền thân của cao Sao Vàng thần thánh sau này mà Báo Nghệ An đã có bài giới thiệu. Ông là người có tấm lòng hào hiệp đã chủ trương và tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội trước Cách mạng Tháng Tám.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khoa học - Kỹ thuật Liên khu 4. Thời gian này, ông Phó Đức Thành còn là Trưởng ban Trang bị vũ khí của Liên khu.
Năm 1947, ông đã cử con trai mình là Phó Đức Thanh sang Ma Cao mua vũ khí chở bằng thuyền về trang bị cho đoàn Quang Trung ở Nghệ An. Một người con trai khác của cụ là bác sỹ Phó Đức Thực, có thời gian được phân công chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng rất tiếc anh đã mất sớm vì bạo bệnh năm 1949. Quân Y xá mang tên Phó Đức Thực hồi đó chính là tiền thân của Bệnh viện Quân y 354 anh hùng hiện nay.
Lương y Phó Đức Thành cũng chính là người đã sưu tầm và mua được với giá rất cao một văn bản mang bút tích của cụ Phan Đình Phùng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đề ngày 10 tháng 2 năm Hàm Nghi thứ ba, tức ngày 4/3/1887. Đây là bài thơ cụ Phan Đình Phùng viết tặng cụ Tô Bá Ngọc (ở Minh Thành, Yên Thành) vì cảm mến tấm lòng và công đức giúp đỡ nghĩa quân của cụ Tô. Năm 1965, lương y đã hiến tặng hiện vật quý này cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguồn: Phó Đức Thành - Thân thế và sự nghiệp, Đa Văn, Nxb Lao động, 2011.
Theo baonghean.vn
https://baonghean.vn/tam-ao-bach-lien-cua-bac-ho-265771.html