Đền Rậm là một quần thể di tích bao gồm cả đền, chùa, nhà thánh với nhiều nhà ngang dãy dọc tọa lạc trên một khu đất rộng có diện tích 10.401 m2, xung quanh được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ. Đền khởi công xây dựng vào năm 1831, hoàn thành vào năm 1832 là nơi hợp tự thờ các nhân vật lịch sử, có công với quê hương đất nước như Lê Lợi, Nguyễn Quang Hợp, các vị thần như Cao Sơn, Cao Các...Đền Rậm gồm đền trong và đến ngoài. Trong ảnh: Toàn cảnh đền Rậm ngoài.
Thời chống Pháp, những thanh niên ưu tú trước khi xuất dương hoạt động cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong... từng bí mật hẹn gặp tại đền. Trong những năm 1930 - 1931 và Cách mạng Tháng Tám (1945), đền Rậm là nơi cán bộ cách mạng diễn thuyết, tổ chức đấu tranh đi cướp chính quyền. Những năm kháng chiến chống Mỹ, đền là nơi cất vũ khí, nơi trung chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường thủy trên sông Lam... Với nhiều giá trị to lớn, đền Rậm đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Nghệ thuật năm 2008. Trong ảnh: Hạ điện đền Rậm trong nhìn từ nhà trình.
Kết cấu kiến trúc của các tòa đền thể hiện tính khoa học, tạo nên những bộ vì kèo, bộ khung chắc khỏe, chịu được lực phù hợp với khí hậu vùng miền Trung. Các chi tiết kiến trúc trên được liên kết với nhau trên cơ sở kỹ thuật mộc truyền thống, theo không gian ba chiều, tạo cho các tòa đền có một dáng vẻ đồ sộ mà vẫn giữ được nét thanh thoát, chắc chắn. Nghệ thuật điêu khắc chạm trổ độc đáo của đền Rậm thể hiện đầy đủ trên khung gỗ của nhà hạ điện đền Rậm trong.
Trên các kết cấu của cột hồi, tứ bề đều được điêu khắc. Là một công trình không thưng ván bao bọc nên có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc ở mọi góc độ.
Chạm khắc ở đền Rậm, đặc biệt là đền Rậm trong kết tinh trình độ kỹ thuật nghề mộc một cách tinh tế của nghệ nhân xưa. Đền Rậm là di tích có sự tiếp nối giữa nghệ thuật điêu khắc mang tính dân gian và yếu tố cung đình. Trong ảnh: Cận cảnh những mảng điêu khắc tiêu biểu của đền Rậm.
Ngoài điêu khắc trên gỗ, ở đền Rậm còn có điêu khắc trên đá thể hiện ở các pho tượng người, tượng động vật tại nhà trình. Những phù điêu hay những đầu đao cong vút trên mái đền cũng là nét tiêu biểu của nghệ thuật tạo tác ở đây.
Tại đền Rậm còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ kính như bia đá, đại tự, câu đối, sắc phong, lư hương, tượng cổ... Trong ảnh: Bàn thờ Phật, thánh thần với nhiều tượng cổ trong quần thể di tích đền Rậm có giá trị nghệ thuật cao.