Đó là Đại tá Đặng Xuân Toản, sinh năm 1925 tại xóm Yên Lạc, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong gia đình và quê hương có truyền thống cách mạng kiên cường. Ông là người vinh dự được về Hà Nội chuẩn bị cho công tác đón đại quân về giải phóng Thủ đô Hà Nội ngày 10/10/1954 và 21 năm sau, ông lại tiếp tục vinh dự cùng Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh vào tiếp quản Sài Gòn, làm Chủ tịch Ủy ban quân quản sân bay Tân Sơn Nhất để sau đó không lâu được đón các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội về dự lễ mừng Đại thắng khi non sông đã thu về một mối.
Từ chuẩn bị cho đại quân tiếp quản thủ đô
|
Đại tá Đặng Xuân Toản |
Ông nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1948 trong đội quân của Đại đoàn 304 tham gia các chiến dịch Cao Bắc Lạng năm (1950); chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Quang Trung (1951); chiến dịch Hòa Bình – đường số Sáu; chiến dịch Tây Bắc (1952); chiến dịch Thượng Lào (1953); đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong chiến dịch đó, với vai trò là tiểu đội trưởng, ông đã trực tiếp chiến đấu 42 ngày đêm thì bị thương, gãy cánh tay trái được đưa về tuyến sau.
Chiến dịch toàn thắng, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy hiệu Điện Biên Phủ và thăng chức trung đội trưởng. Hiệp định Giơ - ne – vơ được kí kết, đất nước tạm chia cắt thành hai miền Nam – Bắc; quân Pháp buộc phải rút khỏi miền Bắc.
Ra viện, ông được cấp trên giao nhiệm cùng với một bộ phận cán bộ về Hà Nội trước để chuẩn bị cho ngày 10/10/1954 đại quân về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ông được phân công làm nhiệm vụ ở cụm ô Chợ Dừa vùng Khương Thượng, Chùa Bộc, khu công nghiệp có nhà máy cao su Sao Vàng, nhà máy thuốc lá Thăng Long…Nhiệm vụ chính là vận động thanh niên, phụ nữ, công nhân, thiếu nhi và nhân dân vào các đoàn thể trước ngày Thủ đô giải phóng. Mặt khác theo dõi tình hình và biến động của thực dân Pháp, chính quyền “ngụy” từng phường để vận động gia đình có người đi lính “ngụy” trở về gia đình không theo giặc làm hại nhân dân.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông không tham gia chính quyền mà tham gia khóa đào tạo sĩ quan chính quy phục vụ lâu dài trong quân đội. Ông học khóa 10 trường sĩ quan Lục quân. Sau 3 năm ra trường được chuyển về làm công tác chính trị Bộ tư lệnh không quân ở Gia Lâm – Hà Nội.
Trong khoảng thời gian này, nhiều lần ông được làm việc và phục vụ nhiều tướng lĩnh huyền thoại như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, tướng Phùng Thế Tài…Đặc biệt là 3 lần được phục vụ Bác Hồ đến thăm quân chủng phòng không không quân; trực tiếp phục vụ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và “những người bạn lớn” của dân tộc.
Thiêng liêng nhất là ông được cử vào Ban lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiệm vụ đón khách từ các nước tới viếng thăm qua sân bay Nội Bài. Suốt 20 ngày, đón 103 nước và các tổ chức quốc tế, phái đoàn Hội nghị Pa – ri và các hãng truyền thông lớn trên thế giới.
|
Đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày sum họp (Đại tá Đặng Xuân Toản người cầm ô). Ảnh: TL |
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, được Bộ Quốc phòng bồi dưỡng để nhận những nhiệm vụ đặc biệt trong nhiệm vụ thiêng liêng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như lời di huấn của Bác.
Đến Chủ tịch Ủy ban quân quản sân bay Tân Sơn Nhất.
Năm 1970, từ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị chiến thuật, chiến dịch, nay được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu ở đơn vị chiến lược rồi vào cơ quan Văn phòng Hiệp định Pa – ri. Các năm 1971 – 1972, ông lại được giao nhiệm vụ đốc chiến trong chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, phá hàng rào điện tử Mác-ra-ma-ra. Cứ mỗi tháng một lần, ông cùng các đồng chí khác trong đoàn thay phiên nhau trực tiếp về Bộ Quốc phòng báo cáo tình hình. Vượt qua hàng nghìn địa điểm tử thần là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Hoa Kỳ, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
“Tháng 2, năm 1975. Bộ chính trị nhận định thời cơ đã đến, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam từ kế hoạch 2 năm xuống còn 2 tháng. Mọi công tác chuẩn bị khẩn trương được triển khai. Đang học trường Trung cao cấp Chính trị thì tôi được Tổng cục Chính trị gọi về, được đồng chí Thiếu tướng Đặng Kinh Chi – Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị quân đội trực tiếp giao nhiệm vụ: “ Đồng chí đi cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau vô giải phóng Sài Gòn làm Chủ tịch Ủy ban quân quản sân bay Tân Sơn Nhất”” (trích hồi ký Đại tá Đặng Xuân Toản).
|
Đón Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Bộ trưởng ngoại giao chính phủ lâm thời Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình. Ảnh: TL |
Lên máy bay từ Gia Lâm (Hà Nội) vào sân bay Đồng Hới ( Quảng Bình), đi ô tô vào Quảng Trị. Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Mất vùng I chiến thuật, quân đội ngụy quyền Sài Gòn tan rã nhanh chóng co cụm về lập các phòng tuyến tử thủ ở Phan Rang, Xuân Lộc…Bộ chỉ huy chiến dịch lên tàu thủy từ cảng Đà Nẳng vào Quy Nhơn, từ đó trực tiếp chỉ huy giải phóng Nha Trang, vịnh Cam Ranh; phòng tuyến Xuân Lộc – Long Khánh cũng bị đập tan không lâu sau đó, cửa ngõ Sài Gòn được mở toang. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên đưa gia đình bỏ trốn ra nước ngoài.
Trong thời khắc lịch sử khi lá cờ quân giải phóng tung bay trên Dinh Độc Lập và Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ông cùng Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ cách Sài Gòn 30 km. 5 giờ chiều, đoàn có mặt tại sân bay Biên Hòa, ngủ tại đó một đêm, sáng ngày 01/5/1975, ông có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để chỉ huy công tác quân quản.
Khi các mũi tấn công của ta bao vây đánh tan sào huyệt cuối cùng ở Tây Ninh thì ông cùng đồng đội bắt tay khôi phục đường băng và các hoạt động của sân bay để đón niềm vui Nam – Bắc sum họp. Là người trực tiếp được đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng và hầu hết các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng vào Sài Gòn dự lễ mừng đại thắng bằng đường không. Đó là niềm vui của hồn thiêng sông núi, niềm vui của cả dân tộc. Niềm vui ấy là xương máu, công sức của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hi sinh và chịụ nhiều gian khổ mới có được. Ông làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất cho đến lúc về hưu. Mỗi lần ngồi kể chuyện cho đồng đội và con cháu nghe, ánh mắt của ông lại long lanh một niềm vui bất tận, có lúc trầm tư nghĩ đến đồng đội.
Cuốn hồi kí viết dở
Từ năm 2003, ông bắt đầu viết hồi kí. Sau 2 năm, ông viết được 56 trang. Khi bắt đầu viết đến các sự kiện trong ngày 01/5/1975 thì ông tạm dừng lại để đi kiểm tra sức khỏe toàn diện nhằm thực hiện ý nguyện lên dự lễ kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ý nguyện thăm lại chiến trường xưa thì ông đã toại nguyện nhưng mãi mãi trang hồi ký thì chỉ dừng lại ở trang thứ 56 khi sau chuyến đi ông phải nhập viện vì trọng bệnh. Một thời gian ngắn sau đó, ông về với đất mẹ vĩnh hằng.
NGUYỄN QUỐC HIỆP
Theo Hà Tĩnhonline