Sở dĩ món ăn mang tên "cháo canh" do nước dùng phải nấu để đạt độ sánh như cháo. Sợi bánh cho vào đun sôi lại vài phút rồi vớt ra chứ không chỉ nhúng qua nước sôi như cách nấu bún hay phở ở miền Bắc.
Để làm ra những sợi bánh mềm, người ta thường dùng bột mì pha thêm chút bột gạo. Bột được trộn với nước trước khi nhào cho mịn, đem đi cán rồi cắt sợi. Toàn bộ công đoạn đều làm bằng tay.
Những sợi bánh sau khi cắt được chần sơ rồi để ráo. Khách gọi mới đem thả vào nước sôi một lần nữa để phục vụ. "Người có kinh nghiệm sẽ thêm một bước là cho sợi bánh vào nước lạnh để mì có độ dai và không bị dính vào nhau", một chủ hàng cháo canh lâu năm cho biết.
"Linh hồn" của món ăn là nước dùng được nấu từ xương heo cùng các gia vị, có độ sánh và mùi thơm phức. Thường nước dùng luôn phải nấu từ sáng sớm, ninh xương càng lâu nước càng ngọt. Ăn kèm với sợi bánh còn có vài lát thịt heo, chả, trứng cút luộc, thịt cá hoặc tôm, tùy theo từng nơi.
Tô cháo canh được dọn ra lúc nào cũng còn nóng hổi, điểm xuyết thêm ít lá mùi, hành lá, hành phi trông bắt mắt. Lý tưởng nhất là thưởng thức món này vào sáng sớm, vừa thổi vừa ăn mới đã. Khi thưởng thức, bạn đừng quên vắt vài lát chanh hoặc thêm chút ớt để tăng mùi vị.
Một số địa chỉ ở thành phố Vinh ngày nay còn phục vụ bánh mì chiên giòn để thực khách có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, đối với khách từ miền Nam, món ăn bị "trừ điểm" bởi hầu như không nơi nào phục vụ rau ăn kèm.
Cháo canh là món ăn bình dân quen thuộc với người dân thành phố Vinh và cũng là món đặc sản rất được du khách yêu thích, bên cạnh súp lươn và bánh bèo.
vnexpress.net
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/chao-canh-dac-san-khien-thuc-khach-lam-tuong-o-xu-nghe-244906.html