Đi chăn trâu trên đồi, Lê Thị Hường phát hiện phi công Mỹ to lớn vừa nhảy xuống, đang loay hoay mở dù. Với chiếc liềm cắt cỏ, cô dân quân nhỏ xíu đã khống chế và bắt sống thiếu tá phi công Mỹ.
> Người con gái sông La, ngày ấy - bây giờ
Trong căn nhà nhỏ bé, trống hoác nằm heo hút dưới chân đồi ở xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An), cụ bà Lê Thị Hường (73 tuổi) chậm rãi kể về ký ức của một thời hoa lửa.
|
Bà Lê Thị Hường kể về kỷ niệm dùng liềm bắt giặc lái. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Thanh Lam, mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn rất nhỏ, lên 7 tuổi, Lê Thị Hường đã phải đi chăn trâu thuê cho nhiều gia đình trong làng. Lớn lên, Hường tham gia dân quân du kích, rồi vào đội cảm tử quân chuyên rà phá bom mìn.
Những năm 1964-1972, cung đường 15A đi qua các huyện Thanh Chương, Đô Lương trở thành túi bom của địch với mục tiêu chia cắt con đường chi viện Bắc - Nam. Mỗi ngày có hàng chục lượt máy bay của địch tuần tiễu, ném bom.
Khoảng 10h ngày 27/8/1966, hàng chục máy bay thi nhau trút bom xuống Truông Bồn, trọng điểm đánh phá ác liệt của không lực Mỹ nhằm băm nát tuyến đường huyết mạch. Đợt ném bom này đã bị pháo cao xạ của quân ta bắn trả quyết liệt. Hai chiếc máy bay trúng đạn, phụt lửa bốc cháy.
Khi đang chăn trâu cho hợp tác xã, thấy phi công Mỹ nhảy dù xuống ngọn đồi vắng cách mình khoảng 50 m, Hường liền cầm liềm băng qua con suối tiếp cận. Trong lúc tên phi công cao lớn đang lúng túng gỡ dù thì chị lấy viên đá ném trúng đầu gối làm hắn khuỵu xuống. Nhanh như cắt, chị lao đến chụp dù vào đầu hắn xoay vòng.
Như con cá bị mắc lưới, khẩu súng trong tay tên phi công Mỹ chới với và bị chị Hường dùng liềm quật rơi xuống đồi. "Nằm im, không tao bắn", giọng chị dõng dạc, tay dùng liềm dí vào đầu hắn. Phi công ngoan ngoãn đầu hàng để cho chị dùng dây dù trói lại. Khi hai bộ đội phát hiện sự việc, chạy đến thì thì thiếu tá phi công Mỹ cao lớn đã phục tùng cô gái nhỏ nhắn.
|
Chiếc liềm bà Hường dùng để bắt giặc lái được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng quân khu 4. Ảnh: Nguyên Khoa. |
Với chiến công bắt sống phi công Mỹ, chị Hường được kết nạp vào Đảng, được Tỉnh đội Nghệ An tặng bằng khen và Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng ba. Tấm gương dũng cảm mưu trí của chị được tất cả đơn vị bộ đội, dân quân từ Bắc đến Nam học tập, được đi báo cáo thành tích cho các đơn vị bộ đội, dân quân đóng quân trên địa bàn.
Tên tuổi của chị Hường cũng được đi vào những lời ca, câu hát khắp trong Nam, ngoài Bắc: “Đẹp như cô gái Thanh Lam bắt giặc Mỹ”. Bức ảnh chị chụp bên xác máy bay Mỹ và chiếc liềm (vũ khí bắt giặc lái Mỹ năm xưa) hiện được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng Quân khu 4.
Chiến tranh kết thúc, một phần xã Thanh Lam nay thuộc xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An), chiến công của bà Hường lùi dần vào quên lãng. Ông Nguyễn Đình Bảo, chồng bà Hường tâm sự, từ khi hòa bình lập lại, những ngày mít tinh kỷ niệm chiến thắng hoặc gặp mặt hội cựu chiến binh, chưa bao giờ bà Hường được mời dự. Nhiều người bày cho bà viết đơn lên chính quyền để được quan tâm nhưng bà không viết.
"Ai lại đi đòi thành tích, mình may mắn hơn nhiều người là còn lành lặn mà nuôi chồng nuôi con chứ đơn vị dân quân của tui ngày đó hy sinh và bị thương quá nửa. Thành tích của tui cũng nỏ có chi ghê gớm, người ta nhớ tới cũng tốt, mà không nhớ tới cũng nỏ răng cả", bà Hường nói.
|
Bên cạnh bức ảnh chân dung cùng tấm bằng khen, câu chuyện về cô dân quân bắt giặc lái được những người tham quan Bảo tàng quân khu 4 xúc động và trân trọng. Ảnh: Nguyên Khoa |
Bà Hường đã nhờ người liên hệ với Bảo tàng quân khu 4 để trao lại chiếc liềm kỷ vật cùng tấm bằng khen nhằm trưng bày tại bảo tàng với tâm nguyện “cho thế hệ sau biết đến và nối tiếp truyền thống cha ông”.
Thượng úy Nguyễn Thị Quỳnh Hương, cán bộ bảo tàng Quân khu 4 cho biết, những kỷ vật của bà Hường rất có ý nghĩa. Các thế hệ học sinh, sinh viên, cựu chiến binh cũng như những người đến Bảo tàng quân khu 4 đều rất xúc động khi nghe lại câu chuyện cô dân quân nhỏ nhắn cầm liềm bắt thiếu tá phi công nhảy dù cao lớn.
Nguyên Khoa
Theo Vnexpress
|