Chùa Giai tọa lạc ở trung tâm xóm Chùa, xã Thanh Khai là một công trình kiến trúc cổ kính, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân địa phương. Chùa trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc xưa với 2 nhà thượng, hạ, kiểu chữ “nhị”.
Trước đây, chùa có tên là Văn Hoa Tự, theo tên địa danh của làng. Đến thời vua Thiệu Trị, chùa được đổi tên thành Văn Giai. Theo thời gian, chùa Giai là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong ảnh: Bảng đại tự cổ với 3 chữ Hán lớn " Hoa Văn Tự " treo ở chùa
Tại chùa Giai, hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị, như tượng, giá gương, câu đối, đại tự…. Riêng hệ thống tượng có trên 10 pho gồm nhiều loại: Phật, thánh, thần…trong đó tiêu biểu là 2 pho tượng Phật Thích Ca có kích thước lớn được thờ ở gian giữa chính điện. Theo ông Nguyễn Đình Minh – thành viên ban quản lý chùa, pho tượng Phật ở phía trước, vốn dĩ được thờ ở chùa Sâm xã Thanh Yên, khi chùa này bị hư hỏng, người dân địa phương đã rước tượng này về thờ tại chùa Giai, còn pho tượng Phật ở phía sau là tượng gốc tại chùa.
Pho tượng Phật Thích Ca gốc tại chùa cao khoảng 1,6m làm từ chất liệu gỗ, đức Phật được tạc trong tư thế ngồi thiền trên tòa sen. Tượng gồm 3 phần: thân tượng, đài sen và bệ đỡ, ngày trước được sơn màu đỏ, sau khi tôn tạo chùa, tượng đã được sơn lại màu nâu. Pho tượng này gắn liền với nhiều huyền thoại về việc xây dựng chùa và tín ngưỡng thờ Phật của người dân làng Văn Giai xưa.
Tượng Thích Ca chùa Giai được tạc với nghệ thuật điêu luyện, khuôn mặt đầy đặn với đủ các tướng quý từ mặt, mũi, tai, miệng… toát lên sự từ bi, nhân hậu. Chùa Giai là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Thanh Chương (gần như là duy nhất) còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ độc đáo, trong đó có hệ thống tượng Phật.
Ngoài 2 pho tượng lớn, tại chùa còn thờ một số tượng Thích Ca sơ sinh và tượng thánh thần… tất cả đều được tạo tác đẹp và bài trí ở gian giữa chính điện.
Vòng cửu long bằng gỗ được điêu khắc chạm trổ công phu tỷ mỷ cũng là hiện vật cổ kính, độc đáo của chùa.
Ngoài hệ thống tượng pháp, trên 2 bàn thờ tả hữu trong chánh điện chùa Giai còn thờ một số bức tranh, ảnh cổ, trong đó có bức tranh gỗ dài khoảng 0,8m cao 0,5 m điêu khắc nổi cảnh voi chiến ra trận.
Một hiện vật khác, cũng được cho là bảo vật cổ kính của chùa Giai, đó là chiếc lư hương đá, tai rồng, nặng hơn 10 kg.
Chiếc lư hương cổ hình hộp, phía trên có 2 cái tai, xung quanh thân lư được chạm khắc nhiều họa tiết, hoa văn đẹp mặt, phía trước là hình lưỡng long triều nguyệt. Trải qua hàng trăm năm, chùa cổ làng Văn Giai vẫn hiện hữu như ngày xưa, một góc hồn quê góp phần cố kết cộng đồng, giúp người dân hướng đến những giá trị nhân văn của đạo Phật. Chùa Giai đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2013.