Đền Đức Hoàng được xây dựng vào thế kỷ 16 để thờ vua Lê Trang Tông - vị vua khởi đầu thời kỳ trung hưng của nhà hậu Lê và phối thờ cha, mẹ, ông nội, ông ngoại của vua. Đền gồm cổng tam quan, hạ điện thượng điện. Cổng tam quan là công trình mang vẻ đẹp uy nghi, cổ kính với sự gắn kết giữa các trụ biểu, tượng canh, cổng vòm cách điệu nhiều tầng, nhiều mái. Ảnh: Huy Thư
Mặt sau, phần trên của cổng tam quan. Ảnh: Huy Thư
Đầu đao hình rồng trên cổng tam quan. Ảnh: Huy Thư
Hạ điện là ngôi nhà 3 gian 2 hồi, bên trong trên khung gỗ được chạm khắc đẹp với những đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý… thể hiện đầy đủ tài năng và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân xưa. Ảnh: Huy Thư
Mỗi đường kẻ là một tiểu tác phẩm trọn vẹn 2 mặt với những hoa văn, hình ảnh sống động như cá chép hóa rồng, nghê, phượng, rùa lội ao sen… Ảnh: Huy Thư
Trên các vì nóc, cột kê, bệ đỡ….đều được chạm khắc công phu cả 2 mặt tạo nên những tác phẩm hoàn mỹ, đứng ở gian nào trong đền cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc gỗ. Sự khác biệt trên hai vì nóc hồi là mỗi vì có thêm 2 đầu rồng ngậm ngọc chầu về trung tâm. Ảnh: Huy Thư
Mặt trước của thượng điện là hệ thống ngưỡng ngọa, cửa kéo truyền thống được trang trí khá đẹp. Ảnh: Huy Thư
Gian giữa của thượng điện chạm khắc những chữ hán lớn và trên 2 cột trốn dãy trước có 2 đầu rồng ngậm ngọc hướng về bàn thờ. Ảnh: Huy Thư
Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật là đồ tế khí cổ kính có giá trị như long ngai, kiệu rồng, bát bửu… Ảnh: Huy Thư
Tồn tại qua hàng trăm năm với những giá trị to lớn, đền Đức Hoàng đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996. Lễ hội đền Đức Hoàng diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm là ngày hội lớn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Ảnh: Huy Thư