Dòng họ Lê Văn ở Thanh Hưng tính đến nay là 19 đời. Di tích Nhà thờ họ Lê Văn là công trình văn hóa tâm linh do con cháu trong dòng họ xây dựng nên để thờ phụng các vị tiên tổ của dòng họ, trong đó có những người có công với dân với nước.
Trao bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ họ Lê Văn. Ảnh: Thu Hương
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà thờ được Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bình Dương sử dụng làm trụ sở làm việc. Từ năm 1946-1947, là nơi làm việc của Ngân hàng tỉnh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà thờ được một số cơ quan sử dụng như Tiểu đoàn 418, Trung đoàn 57, trường sỹ quan lục quân, Công đoàn tỉnh, Nhà máy cơ khí Vinh...
Lễ rước bằng di tích lịch sử về nhà thờ họ Lê Văn. Ảnh: Thu Hương
Hiện nay, tại di tích nhà thờ Lê Văn còn lưu giữ được 87 hiện vật bằng nhiều chất liệu khác nhau như sứ, gỗ, giấy..., trong đó 31 hiện vật cổ, quý có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa.
Dòng họ Lê Văn là một dòng họ lớn ở xã Thanh Hưng, có truyền thống hiếu học và học giỏi. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của các bậc tiên tổ luôn được con cháu trong dòng họ giữ gìn và phát huy.