Không như nhiều ca sỹ đắt sô khác, Quang Luyến lặng lẽ toả sáng sau tấm màn nhung nhờ những thanh âm trầm bổng mang hơi thở của núi rừng miền Tây. Ai đã nghe anh hát, đã bị anh chinh phục bởi những thanh âm núi rừng ấy đều không thể quên giọng hát ngọt ngào kia.
Quang Luyến kể rằng, anh đến với nghề không phải từ một cơ duyên như những ca sỹ khác. Vốn sớm nhận thức được mình có năng khiếu và niềm yêu thích vô bờ với những ca khúc thính phòng có nốt cao sáng, từ nhỏ Luyến đã hát thành thục những ca khúc người lớn có quãng giọng rộng như: Tình ca, Màu hoa đỏ….
Ý thức vậy nhưng con đường đến với nghệ thuật chuyên nghiệp của Luyến không hề bằng phẳng. Bởi anh đã phải trốn gia đình để sang Vinh bằng chiếc xe đạp cà tàng để theo học lớp luyện thanh suốt mấy năm trời.
“Làm ca sỹ làm gì, hát hò ai nghe” – câu nói của mẹ nhằm ngăn cản sự theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp của Luyến càng thôi thúc anh chứng tỏ bản thân. Thế rồi, không thể ngăn được bước chân của con, mẹ Luyến đã phải đồng ý cho anh thi vào trường âm nhạc chuyên nghiệp.
Không hiểu vì cơ duyên hay vì sự lựa chọn an toàn mà Luyến chọn thi vào trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc. Luyến cho biết: “Dù không có khuôn hình ăn sân khấu nhưng em không tự ti khi thi thố với những thí sinh có chất giọng đẹp, lợi thế hình thể khác vì em nghĩ ai cũng có điểm mạnh của mình và hãy biết dùng điểm mạnh đó để tạo nên những cá tính riêng ”.
Quả vậy, khi những giai điệu bay bổng “Màu hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến được Quang Luyến thổi hồn vào phần dự thi đã khiến ban giám khảo phải ngả mũ vì chàng trai nhỏ bé với lối diễn tự tin. Phần trình diễn của Luyến đã khiến căn phòng hôm ấy không chỉ sáng lên bởi giai điệu bài hát mà còn là cách nhấn nhá đặc sắc nhưng rất chân thành mộc mạc của Luyến.
Nhận giấy gọi nhập học, Luyến mừng không sao tả xiết: mừng vì anh được bước những bước chân đầu tiên trên con đường mà từ nhỏ anh đã hằng mơ, và mừng vì đã chứng tỏ được cho mẹ mình thấy cậu con trai út bướng bỉnh của bà đã chọn đúng.
Vào trường nghệ thuật, điều mà Luyến xác định đầu tiên đó chính là những khó khăn vất vả để chinh phục những môn học khó. Với bất kỳ sinh viên nào, dù có tố chất âm nhạc gì thì khi học khoa Thanh nhạc trước hết phải nhập môn với những “ca khó” là các môn học Thính phòng, Bác học với những giáo trình cổ điển phương tây.
Nên ngoài việc phải rèn sao cho có được một cột hơi chắc, khoẻ, đúng điểm rơi thì luyện sao để đạt được những nốt cao chuẩn âm thanh mà các bài tập đòi hỏi là việc không phải ai cũng chinh phục được, dù có năng khiếu, có tài năng và sự cảm thụ âm nhạc. Vì thế với Luyến, tài năng chỉ chiếm một phần nhỏ, cơ bản là nỗ lực lao động, rèn luyện thì sẽ đạt được thành công.
Cái khó nữa là sự cọ xát với nhiều không gian âm nhạc, nhiều môi trường âm nhạc để sớm định hình cho mình hướng đi. Đối với những sinh viên tỉnh lẻ có điều kiện sẽ thuận tiện nhiều mặt vì họ có nhiều mối quan hệ, sự quen biết để có thể cọ xát trên nhiều sân khấu. Thế nhưng chàng trai xứ Nghệ tự nhận mình kém duyên trong những thử thách này.
Nhưng đó không phải là việc đáng buồn “thời gian mà các bạn “bay sô” thì em sẽ trau dồi các kỹ năng, gặp các thầy cô, các đàn anh đàn chị để nhờ chỉ dạy thêm các kỹ thuật khó. Việc lắng nghe họ thị phạm rất quý bởi không có ca sỹ nào học qua sách vở mà có thể đạt được những kỹ năng mang tính học thuật cả”.
Và với những cần mẫn, những ý chí đó, Luyến đã được nhận tấm bằng đỏ trong lễ trao bằng tốt nghiệp. “Không ai có thể xem thường người học giỏi nhưng ít “bay sô” được, đó là những giá trị mà em nghĩ mình cần phải tạo cho bản thân trong suốt chặng đường làm nghề” – Luyến nói.
Ra trường, Luyến được nhận ngay vào Đoàn ca múa dân tộc Nghệ An, dù chàng trai quê huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh không có được những lợi thế hình thể nhưng ban lãnh đạo đoàn đã sớm nhận ra tố chất trong giọng ca có hơi thở dân gian miền núi bay, nhẹ và phiêu bồng, nên đã luôn ưu ái anh.
“Rất nhiều ca sỹ tên tuổi hát bài Hội cầu mùa có chất liệu dân ca dân tộc Thái của nhạc sỹ Lương Tuyển thành công, nhưng khi nghe Quang Luyến hát tôi cảm thấy “chất” nhất, thấy được hơi thở của đồng bào, thấy được cái ý tứ, cái tinh thần mà tác giả muốn gửi gắm” – Nhạc sỹ Quốc Chung – Phó đoàn Ca múa dân tộc tỉnh cho biết.
Thế nhưng có lẽ cái sự “không bằng phẳng” trên con đường nghệ thuật luôn đeo bám anh. “Vào đoàn mới được 18 tháng thì em lại phải chuyển công tác vì nhiều lý do ngoại cảnh. Thay cho việc tìm miền đất hứa ở các thành phố lớn như các bạn cùng trang lứa, em chọn cho mình vùng đất Tây Bắc – nơi đã nuôi dưỡng tình yêu với các ca khúc dân tộc miền núi”. Vào đoàn Tây Bắc như “cá về với nước” Luyến trở thành giọng ca được chào đón và yêu mến của mảnh đất miền sơn cước này.
Sau hai năm, cũng vì tiếng gọi quê hương, tình yêu gia đình, Luyến một lần nữa lại quay lại với Đoàn Ca múa dân tộc Nghệ An để được hát những ca khúc dân ca miền núi mà anh trót đam mê. Cũng từ đây anh tìm được người bạn diễn ăn ý – ca sỹ Trịnh Lan Hương và cho rằng chính ca sỹ đàn chị đã tạo nên sự cộng hưởng cho các ca khúc của anh; đã cho anh tiếp tục thăng hoa, tiếp tục tìm ra niềm cảm hứng để kể câu chuyện tình yêu trong ca khúc có chất liệu dân gian miền núi.
Giờ đây, khi đã khẳng định được vị trí, tên tuổi Quang Luyến vẫn không thôi đeo đuổi những đam mê, những ý niệm mà anh đã dành cho các tác phẩm có âm hưởng dân gian miền núi. Anh thích nhất là khi được về với đồng bào, được hát trên những sân khấu vùng miền núi Tây Nghệ An, “bởi lúc đó em được là em nhất, được tâm sự được kể chuyện và được sẻ chia”.
Vì thế, những ca khúc mới về miền Tây Nghệ An, các nhạc sỹ xứ Nghệ luôn mời Quang Luyến thể hiện. “Dù kém duyên với các sô diễn sự kiện nhưng em luôn may mắn được các nhạc sỹ yêu quý”. Luyến cho rằng đó là nhờ tinh thần làm việc chuyên nghiệp, là sự chỉn chu trong bất cứ công việc nào của Đoàn hay của các đơn vị mà anh hợp tác. “Làm việc đúng giờ, tận tuỵ với đơn vị mình nhận kèm cặp, thị phạm là nguyên tắc của em” – Luyến cho biết.
Nói Quang Luyến là ca sỹ hát nhạc dân gian miền núi hay nhất thì có thể chưa chính xác nhưng những ca khúc mới như: Phố huyện Con Cuông (Trần Vương), Về miền quê huyền thoại (Phạm Mạnh Dũng), Về hội với núi rừng (Phạm Mạnh Dũng) mang âm hưởng dân ca dân tộc Thái được Luyến thể hiện mới đây khiến người nghe bị chinh phục hoàn toàn bởi âm sắc mà anh mang đến.
Trong chương trình Đoàn Ca múa dân tộc tham gia Liên hoan chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng tới đây, Quang Luyến được giao đảm nhiệm phần lĩnh xướng cho một số tác phẩm mang âm hưởng dân ca miền núi, với anh đó là hạnh phúc là niềm vinh dự lớn lao, khi được “đóng đinh” tên mình trong những ca khúc dân gian dân tộc miền núi Nghệ An, dù ở bất kỳ sân khấu nào.