Nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn, tên thật là Ngô Đức Đẩu, sinh năm 1911 tại làng Quỳnh Sơn, nay thuộc xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước ông vào Sài Gòn học nghề ảnh và làm thuê cho các hiệu ảnh ở đây. Tới năm 1936, ông trở về quê Nghệ An sinh sống bằng nghề nhiếp ảnh tại thị trấn Cầu Giát và lấy tên hiệu ảnh chính là tên ngôi làng của mình.
Chân dung nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn. Ảnh: Gia đình cung cấp
Điều đặc biệt đáng trân quý ở ông, ông không chỉ chụp ảnh như một cách mưu sinh, mà ông còn rất có ý thức để lưu giữ lại những khoảnh khắc đầy tính thời sự nóng bỏng diễn ra trên quê hương mình.
Những năm tháng gian nan, khói lửa ấy, ông thường bỏ phòng ảnh, xa vợ con đi tìm đến những vùng ác liệt để ghi lại hiện thực của cuộc kháng chiến sôi động. Ông đã nhiều lần đi chụp ảnh phục vụ chiến dịch cho Mặt trận Việt Minh. Ông có hơn 1.000 bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, tiêu biểu là những bức ảnh: “Thanh niên cầu Giát tòng quân”; “Mua công trái ủng hộ kháng chiến”; “Gây quỹ Liên Việt”; “Lớp cứu thương Quỳnh Lưu”; “Lễ tưởng niệm Đại nguyên soát Stalin ở vùng cách mạng Khu Bốn”; “Cầu Giát cháy trong trận càn”; “Đắp đường phục vụ kháng chiến”…
Ngày 12/9/2004, sau khi xem những bức ảnh của ông, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: "Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã đóng góp cho đất nước những hình ảnh sinh động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đây là những hình ảnh quý hiếm và ngày càng có giá trị".
Cuốn sách ảnh tập hợp những tác phẩm ảnh của nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn. Ảnh: NMĐ
Trong cuốn sách ảnh Nhiếp ảnh Nghệ An thế kỷ XX (Nhà xuất bản Nghệ An 2003) nhận xét: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một số nhà nhiếp ảnh Nghệ An đã bỏ phòng chụp về các vùng có phong trào cách mạng nóng bỏng để ghi lại hiện thực cuộc kháng chiến sôi động. Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã chụp được bức ảnh độc đáo về xác lính Pháp trôi dạt trên cửa Lạch Quèn - Quỳnh Lưu. Đây là người chụp ảnh thời sự đầu tiên của Nghệ An đi vào kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ trao tặng Bằng Xác lập kỷ lục cho gia đình cố nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn vào ngày 26/8 tới đây. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhiếp ảnh gia Quỳnh Sơn mất năm 1972. Qua quá trình thẩm định hồ sơ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xét thấy có đầy đủ cơ sở để tôn vinh Giá trị nội dung kỷ lục đến cố nghệ sỹ nhiếp ảnh Quỳnh Sơn với nội dung: Người đầu tiên chụp ảnh phóng sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghệ An, để lại hàng ngàn tấm phim ảnh có giá trị lịch sử hiện còn được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Nghệ An. Bằng xác lập tôn vinh giá trị Nội dung Kỷ lục sẽ được trao tặng đến gia đình cố nghệ sỹ nhiếp ảnh trong sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 35 diễn ra vào ngày 26/8 tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2014, nhà báo - nhiếp ảnh gia Minh Đạo đã được trao tặng Bằng Xác lập kỷ lục quốc gia cho những bức ảnh phong cảnh nước Việt chụp từ trên cao. Ảnh: Gia đình cung cấp
Trước đó, năm 2014, con trai của nghệ sỹ Quỳnh Sơn là nhà báo - nhiếp ảnh gia Ngô Minh Đạo cũng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng Bằng Xác lập kỷ lục cho nội dung: “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” - Sách ảnh tập hợp nhiều ảnh màu và đen trắng về phong cảnh Việt Nam được chụp từ trên cao nhiều nhất.
Sách ảnh của nhà báo Minh Đạo. Ảnh: NMC
Bút tích của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi xem cuốn sách ảnh của nhà báo Minh Đạo. Ảnh: NMC
Nhà báo Minh Đạo sinh năm 1938 tại Quỳnh Lưu, thuộc thế hệ những phóng viên ảnh đầu tiên của TTXVN. Cuối những năm 1960 là phóng viên ảnh tại Khu 4 và Chiến trường B, sau đó sang làm phóng viên ảnh tại chiến trường Lào. Sau 1975, ông trở về làm phóng viên đặc biệt theo đoàn công tác của các đồng chí Lê Duẩn, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt rồi nghỉ hưu. Ông cũng đã từng đoạt nhiều giải ảnh quốc gia và quốc tế.