Đứa con đi lạc
Ở một làng quê xa xôi nọ, có một người đàn ông trẻ góa vợ, anh vô cùng yêu thương đứa con trai nhỏ 5 tuổi của mình.
Một ngày, anh có việc đi làm xa và bỗng có một toán cướp đến làng, cướp bóc, đốt cháy tất cả nhà cửa ruộng vườn và bắt cóc đứa con trai bé nhỏ của anh đi. Khi người đàn ông quay trở về, anh nhìn thấy khung cảnh tan hoang và hoảng hốt khi thấy thân thể bị thiêu rụi của một đứa trẻ sơ sinh.
Anh ta nghĩ đó là con trai mình và đau khổ khóc than. Anh tổ chức lễ hỏa thiêu, thu nhặt tro vụn và để chúng vào một chiếc túi nhỏ vô cùng xinh đẹp mà anh luôn giữ bên người.
Trong khi đó, đứa con trai thực sự của anh lại may mắn trốn thoát khỏi bọn cướp và tìm đường về nhà. Cậu bé về tới căn nhà mới dựng của cha vào lúc nửa đêm và gõ cửa.
Người cha, vẫn đang rất đau buồn, nghe tiếng động bèn hỏi: "Ai đó?"
Đứa trẻ trả lời: "Cha ơi, hãy mở cửa!"
Nhưng trong tâm trạng vô cùng đau khổ, anh vẫn đinh ninh rằng đứa con trai nhỏ bé của mình đã chết, người cha nghĩ rằng một đứa trẻ nào đó đang trêu đùa với nỗi đau của anh, bèn hét lên: "Hãy cút đi!" và tiếp tục khóc.
Nán lại ngoài cửa một lát, đứa trẻ tội nghiệp bỏ đi. Và từ đó, hai cha con không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Từ câu chuyện này, Đức Phật dạy rằng: "Đôi khi, bạn tự cho rằng điều gì đó là sự thật. Và nếu bạn luôn luôn để ý nghĩ đó ăn sâu bám rễ, thì ngay cả khi sự thật thực sự xuất hiện dưới hình dáng một con người, và thậm chí đến gõ cánh cửa nhà bạn, bạn vẫn không mở cửa."
Định kiến, sự tức giận, nỗi đau buồn hay mọi cảm xúc tiêu cực đều có thể giết chết con người, nếu người đó luôn luôn khép mình trong những nỗi đau ấy và cuối cùng họ không mở cánh cửa tâm hồn mình để cảm nhận những điều còn thật hơn mọi định kiến và nỗi đau.
Đó là bài học về sự mở lòng khi trải nghiệm và buông bỏ những chấp niệm trong đời sống.
Cũng như lời đức Phật dạy: "Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác."
Đức Phật nổi giận
Có lần thầy Thích Nhất Hạnh trong buổi nói chuyện của mình đã kể một câu chuyện về người phụ nữ nọ luôn đều đặn thực hành niệm Đức Phật A Di Đà ba lần mỗi ngày.
Và mặc dù bà đã thực hành niệm Phật trong hơn 10 năm, nhưng vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc bản thân mình, thường la hét và chửi mắng mọi người xung quanh khi tức giận.
Một người quen muốn dạy cho bà một bài học, vào một ngày nọ, chờ đến khi bà bắt đầu giờ niệm Phật, ông này đến cổng nhà, gõ cửa và liên tục gọi tên bà.
Nghe tiếng gọi, bà vô cùng tức giận, nhưng cố tự nói với bản thân: "Mình không tức giận, không tức giận, cần phải bỏ qua những lời gọi kia."
Và bà tiếp tục: "Nam mô A di Đà Phật, Nam mô A di Đà Phật…"
Trong khi đó, người đàn ông nọ vẫn không dừng lại, và tiếp tục hét tên bà, làm cho bà cảm thấy bực tức hơn nhiều.
Bà bắt đầu tự hỏi có nên ngừng niệm Phật để ra cho người đàn ông kia một bài học hay không, nhưng rồi vẫn cố tiếp tục niệm: "Nam mô A di Đà Phật, Nam mô A di Đà Phật…"
Người đàn ông bên ngoài vẫn nghe thấy tiếng niệm Phật, bèn tiếp tục lớn tiếng gọi.
Và đến lần này thì bà không thể chịu đựng được nữa, dừng niệm, đứng lên, đóng sầm cửa, đi ra phía cổng và hét lớn: "Tại sao ông lại làm như vậy? Tôi đang niệm Phật và ông đứng bên ngoài liên tục hét tên tôi!"
Người đàn ông lúc này bèn mỉm cười và nói: "Tôi mới chỉ gọi tên bà trong mười phút mà bà đã tức giận như thế này, liệu bà có nghĩ đã gọi tên Đức Phật tận mười năm nay, thì ngài phải tức giận với bà tới chừng nào?"
Câu chuyện nhỏ để lại nhiều suy ngẫm về việc niệm Phật, học theo đạo Phật và thực hành những triết lý ấy trong đời sống hàng ngày.
Tách trà mỏng manh
Một học trò hỏi thiền sư Suzuki Roshi tại sao người Nhật lại làm những tách trà quá mỏng manh đến vậy, rằng nó có thể vỡ bất kỳ lúc nào.
Thiền sư bèn đủng đỉnh trả lời: "Không phải là tách trà quá tinh xảo, quá mỏng manh hay dễ vỡ, vấn đề chính là anh chưa biết cách giữ gìn nó mà thôi. Anh phải điều chỉnh bản thân mình để phù hợp với môi trường, chứ không phải là đòi hỏi ngược lại."
Thay đổi thái độ của bản thân để thích ứng với những tình huống khác nhau, đây là bài học lớn của mỗi người trên đường đời.
Bởi ai cũng có cái tôi và luôn cố giữ cái tôi bên mình, dẹp bỏ định kiến, điều chỉnh bản thân để hòa hợp môi trường, có làm được vậy mới có thể an nhiên hạnh phúc sống mỗi ngày và mang lại niềm vui cho người bên cạnh.