Khi căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan leo thang thành xung đột vũ trang đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng năm 2020, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không có bất cứ động thái can thiệp nào, nhường lại vai trò trung gian hòa giải cho Nga tại vùng Kavkaz, nơi được coi là "sân sau" của Moskva.
Sau hơn một tháng chờ đợi, Nga cuối cùng cũng ra tay can thiệp, gây sức ép để Armenia và Azerbaijan ký tuyên bố ngừng bắn. Theo thỏa thuận này, Armenia trả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát cho Azerbaijan, còn Nga triển khai gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình vào hành lang kiểm soát rộng khoảng 5 km ngăn giữa khu vực Nagorno-Karabakh và Armenia trong 5 năm.
Kể từ đó đến nay, Nga đóng vai trò là bên kiểm soát và giám sát tình hình, ngăn mâu thuẫn Armenia - Azerbaijan leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, khi Nga dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine, Moskva dường như không còn là "trọng tài" hiệu quả giữa hai quốc gia vùng Kavkaz, theo Lara Setrakian, nhà phân tích của CNN.
Nhờ tài nguyên dầu khí dồi dào, Azerbaijan đã và đang thúc đẩy tối đa lợi thế trên thực địa, liên quan đến phần còn lại mà Armenia đang kiểm soát tại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.
Từ tháng 12/2022, hàng nghìn người biểu tình Azerbaijan đã tập trung phong tỏa hành lang Lachin, tuyến đường chính kết nối khoảng 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh với thế giới bên ngoài. Theo giới chuyên gia, các cuộc biểu tình ở Azerbaijan sẽ không thể diễn ra nếu không được chính phủ hậu thuẫn.
Do cuộc biểu tình, nguồn cung lương thực, thực phẩm đến Nagorno-Karabakh đã bị hạn chế nghiêm trọng. Cư dân địa phương cuối tháng trước cho biết các cửa hàng, siêu thị đang phải giới hạn lượng thực phẩm bán cho mỗi người và vật tư y tế cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Azerbaijan cho biết cuộc biểu tình phong tỏa hành lang Lachin là động thái nhằm đáp trả cáo buộc người Armenia đang "khai thác mỏ trái phép" ở Nagorno-Karabakh. Song thay vì đưa vấn đề ra cơ quan trọng tài quốc tế, Baku quyết định chặn nguồn cung nhu yếu phẩm qua hành lang Lachin cho đến khi các điều kiện của họ được đáp ứng.
Bác sĩ Biayna Sukhudyan, người đang mắc kẹt ở Nagorno-Karabakh, cuối tháng trước nói với CBS News rằng trẻ em ở vùng lãnh thổ này đang có dấu hiệu bị căng thẳng và suy nhược thần kinh. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo trẻ em đang thiếu các mặt hàng thực phẩm cơ bản và dịch vụ thiết yếu, đồng thời một số bị tách khỏi cha mẹ hoặc người giám hộ bị kẹt ở phía bên kia hành lang Lachin.
Mỹ, EU, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và hơn chục quốc gia đã kêu gọi Azerbaijan dỡ phong tỏa hành lang Lachin tới Nagorno-Karabakh, nhưng không có kết quả. Armenia coi đó là chiến lược của Azerbaijan nhằm đẩy họ ra khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp.
Trong suốt thời kỳ căng thẳng đó, Nga đã không thực hiện bất kỳ động thái nào để xoa dịu tình hình hay gây sức ép buộc Azerbaijan dỡ phong tỏa, trong bối cảnh Moskva có nhiều mối quan tâm cần phải giải quyết tại Ukraine, khiến ảnh hưởng của họ ở Kavkaz dần suy giảm.
Tại Hội nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hôm cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã bày tỏ bất bình, cho rằng quốc gia của ông không nhận được sự ủng hộ tương xứng của CSTO trong xung đột với Azerbaijan. Ông Pashinyan dường như còn cố tạo khoảng cách với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong phiên chụp ảnh chung tại hội nghị
Nga dường như cũng nhận thấy ảnh hưởng của mình đang suy giảm tại Kavkaz, song nước này cũng không muốn để phương Tây can thiệp để giải quyết căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan.
"Moskva vẫn muốn duy trì vị thế là cường quốc chính tại khu vực, từ đó thúc đẩy lợi ích của họ ở vùng Kavkaz", bình luận viên Setrakian nhận định.
Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga ngày càng gắn kết về kinh tế và chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng của Azerbaijan. Khi đối mặt với loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Moskva ngày càng phụ thuộc vào Ankara để tìm lối thoát.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã trở thành bên hỗ trợ quan trọng để Nga xuất khẩu dầu khí và nhập khẩu các công nghệ chiến lược. Khi quan hệ Nga - Thổ ngày càng gần gũi, Moskva tỏ ra ngần ngại hơn trong việc phản đối các hành động của Azerbaijan. Điều đó khiến căng thẳng tại Kavkaz không được kiềm chế và nguy cơ leo thang nghiêm trọng, có thể dẫn đến khủng hoảng.
Nó cũng tạo tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc xung đột trong tương lai, với một bên bóp nghẹt đối phương bằng cách phong tỏa nguồn cung nhu yếu phẩm, buộc dân thường phải rời đi hoặc chấp nhận các điều khoản đàm phán, theo Setrakian.
Michael Rubin, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói rằng ông lo lắng về nguy cơ xung đột sắc tộc nổ ra ở Nagorno-Karabakh nếu Nga không đủ ảnh hưởng để dàn xếp và kiểm soát căng thẳng, trong khi cộng đồng quốc tế cũng không có biện pháp can thiệp.
"Câu hỏi số một là làm thế nào chúng ta đưa được các nhà quan sát quân sự hoặc ngoại giao vào Nagorno-Karabakh", ông Rubin nói. "Nếu có thể kiểm soát được tình hình khu vực, chúng ta có thể chủ động ngăn những kịch bản tồi tệ nhất xảy ra".
Giới quan sát cho rằng Mỹ hoặc EU có thể can thiệp bằng cách tiến hành lập cầu hàng không tới Nagorno-Karabakh để cung cấp hàng viện trợ nhân đạo, hoặc thúc đẩy hành động tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan để bình ổn tình hình thông qua các công cụ kinh tế và ngoại giao.
Theo Setrakian, khi căng thẳng Armenia - Azerbaijan càng kéo dài, nguy cơ khủng hoảng nổ ra càng lớn và các cường quốc khó có thể đưa mọi thứ trở lại cân bằng.
"Mỹ và EU đã thiếu khôn ngoan khi nhường lại sân chơi ở Kavkaz cho Nga. Các cường quốc phương Tây giờ phải vào cuộc và tận dụng công cụ ngoại giao để khắc phục sai lầm và ngăn khủng hoảng nổ ra", Setrakian cho hay.
Thanh Tâm (Theo CNN)
https://vnexpress.net/cuoc-khung-hoang-chuc-cho-o-san-sau-cua-nga-4556955.html