Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, ngày 24/5 ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, trong đó cam kết hợp tác giám sát các vùng biển và lên kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia đánh giá hầu hết các sáng kiến mới được đưa ra tại hội nghị đều nhằm định vị Bộ Tứ như một đối trọng hiệu quả trước nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.
"Nhóm Bộ Tứ đang hướng tới một chương trình nghị sự mang tính xây dựng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói trong phát biểu khai mạc hội nghị. "Bộ Tứ đã tạo dựng được vị thế quan trọng trên trường quốc tế trong thời gian rất ngắn, đồng thời phạm vi cũng như sức ảnh hưởng của nhóm đang không ngừng được mở rộng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese tuyên bố các biện pháp mới nhất mà nhóm Bộ Tứ đưa ra trong tuyên bố chung nhằm thể hiện cam kết "mang lại những lợi ích hữu hình cho khu vực" giữa bối cảnh toàn cầu nảy sinh nhiều thách thức sâu rộng.
Bộ Tứ chưa làm rõ về kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 5 năm tới, nhưng khẳng định sáng kiến này sẽ hướng tới thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng tại khu vực.
Nhóm còn cam kết nỗ lực giúp đỡ các nước ứng phó với vấn đề nợ theo Khuôn khổ Chung G20, đồng thời thúc đẩy "tính minh bạch và bền vững" trong các khoản nợ.
Những động thái này dường như nhằm vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn thường bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ và xây dựng cơ sở hạ tầng không bền vững, theo Zaheena Rasheed, bình luận viên cấp cao về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương của Al Jazeera.
Các lãnh đạo Bộ Tứ còn cho biết họ "phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng bao gồm "quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng tàu hải cảnh và dân quân biển một cách nguy hiểm, cũng như nỗ lực cản trở hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác". "Tất cả những cáo buộc này đều nhắm tới Bắc Kinh, dù không đề cập đến Trung Quốc", bình luận viên Rasheed nhận định.
Để ứng phó với những quan ngại đó, Bộ Tứ đã công bố Hiệp định Đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương về Nhận thức Miền Hàng hải (IPMDA).
Theo tuyên bố từ Nhà Trắng, IPMDA sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối các trung tâm giám sát hiện có và tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp từ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á và các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương. Nó sẽ theo dõi chặt chẽ cả tàu thuyền cố tình tắt bộ phát đáp nhằm tránh bị phát hiện.
IPMDA đồng thời cung cấp cho các đối tác trong khu vực những công cụ cần thiết để tiến hành cứu hộ trên biển, bên cạnh các hoạt động nhân đạo khác, một quan chức chính quyền Mỹ cho hay.
Theo Chỉ số Đánh bắt cá Bất hợp pháp, Không báo cáo và Không theo quy định (IUU) năm 2021, Trung Quốc là nước vi phạm nghiêm trọng nhất. Đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát tác động mạnh đến nền kinh tế các nước trong khu vực, làm hao hụt lượng cá trị giá hàng tỷ USD mỗi năm khỏi hệ thống thương mại hợp pháp của họ.
Để chia sẻ thông tin về các hoạt động này với các nước đối tác, sáng kiến IPMDA sẽ sử dụng những "trung tâm tổng hợp" trong khu vực vốn đang tập trung vào nhiệm vụ theo dõi cướp biển, như Trung tâm Tổng hợp Thông tin vùng Ấn Độ Dương, trụ sở tại Ấn Độ, Trung tâm Kết hợp Thông tin, trụ sở tại Singapore, Diễn đàn Cơ quan Nghề cá Quần đảo Thái Bình Dương, trụ sở tại Quần đảo Solomon, và Trung tâm Hợp nhất Thái Bình Dương, trụ sở tại Vanuatu.
Theo Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy, những sáng kiến mà Bộ Tứ đưa ra đều nhấn mạnh mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tôn trọng chủ quyền các nước và luật pháp quốc tế. "Đây chính là những lời lẽ ngoại giao của mũi dùi chĩa vào Trung Quốc", Roggeveen nói.
Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ diễn ra khi chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng. Theo giới quan sát, khi đề cập đến xung đột Ukraine, các lãnh đạo của nhóm đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
"Toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ, bất kể chúng bị vi phạm ở đâu trên thế giới", Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại hội nghị. Xung đột Ukraine đã góp phần nâng tầm quan trọng của các mục tiêu chiến lược mà chính quyền Mỹ theo đuổi nhằm "thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, kết nối, an toàn và có sức chống chịu", ông cho hay.
"Mỹ phải và chắc chắn sẽ là đối tác mạnh mẽ, ổn định và lâu dài ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", Tổng thống Biden nói.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng hưởng ứng tuyên bố của Tổng thống Biden. "Xung đột Ukraine đã thách thức các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông nhấn mạnh. "Chúng ta không bao giờ được phép để điều tương tự xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Trong lúc hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ diễn ra, Nga và Trung Quốc đã điều oanh tạc cơ diễn tập chung trên biển Nhật Bản, buộc Seoul và Tokyo triển khai tiêm kích đối phó. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi gọi đây là hành động "gây hấn", trong khi Trung Quốc tuyên bố cuộc tuần tra "nằm trong khuôn khổ diễn tập quân sự chung thường niên giữa hai nước".
https://vnexpress.net/thong-diep-doi-trong-bo-tu-gui-den-trung-quoc-4467767.htmlVũ Hoàng (Theo Al Jazeera, Hindustan Times)