Mời bà con cùng khởi động một ngày mới với những truyện ngắn cười không thể đỡ được của các cây bút hài.
Lúc này, nhiều sản phẩm nông nghiệp ế quá, đầu ra cứ tậm tịt. Ví như dưa hấu phải đổ bỏ hoặc để thối rữa giữa đồng, thanh long vứt dọc đường cho bò ăn, rồi hành tím chất cao ngất trong kho đang chờ mục rữa, mía khô nhiều như rừng, vải đã chín cả vùng nhưng giá bèo.
Để gỡ bí cho bà con. Bộ nọ đã kêu gọi cán bộ nhân viên ủng hộ đồng bào mỗi người vài trái dưa hấu, với tinh thần động viên là chính chứ một xe dưa hơn chục tấn, thấm gì so với cả triệu tấn đang nằm chờ ở biên giới.
Còn nữa, đám sinh viên nọ cũng nhiệt tình giúp người nông dân khi sẵn sàng làm ma-ket-ting bán từng trái thanh long cho người đi đường... thật đáng khen, đáng khen...
Đó là những nhận định thực tế của cả hội thơ “làng” trong buổi sáng nắng nhạt bên những ly trà loãng. Thế rồi, bỗng một tiếng la toáng vang lên từ một hội viên nhà thơ khu phố, đồng thời ông này cũng vỗ lên đùi cái “bép” rõ kêu, chẳng khách gì Ác si mét chạy tồng ngồng ra đường với lời hét: “Ơ rê ca, Ơ rê ca”.
- Ra rồi, có cách rồi.
Mọi người trố mắt ngạc nhiên, chưa hiểu chuyện gì thì ông này hấp háy mắt:
- Thơ được cứu rồi, được cứu rồi!
Thế rồi để cho cảm xúc chùng xuống, ông nhà thơ giải thích cho các bạn thơ hiểu rằng:
- Tác phẩm, sản phẩm thơ của hội ta in nhiều quá, đếm ra cả trăm đầu sách chứ ít gì. Vậy muốn cứu làng thơ, các hội viên phải xuống địa bàn, vào từng nhà để khóc thật nhiều nhờ mỗi gia đình chí ít cũng ủng hộ... một cuốn thơ. Phải đưa ra dẫn chứng, Bộ nọ mỗi người mua giúp người dân một trái dưa, bảo đảm đem lại hiệu quả tức thì. Mà khu phố ta có tới bảy trăm nóc nhà. Ối trời, loáng cái là hết số thơ tồn ở câu lạc bộ từ bấy lâu nay.
Nghe xong, các nhà thơ đều cười hô hố. Chuyện đơn giản vậy mà chẳng ai nghĩ ra. Và ngay sáng hôm sau, cả đoàn nhà thơ khu phố đã triển khai công việc, họ xộc vào từng nhà, từng nhà để bán thơ.
http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1172056