Kính xe khách vỡ tan tành vì bị ném đá
Bạn tôi rứt khoát không đi ô tô, mà rủ tôi cùng đi tàu hỏa. Ngồi trên tàu hỏa đưa chúng tôi từ Hà Nội về nơi có ngôi trường cũ, nơi ngày mai sẽ tổ chức hội trường kỷ niệm nửa thế kỷ chúng tôi đã học ở đó , bạn tôi gõ gõ vào tấm lưới sắt che cửa sổ toa tàu, bảo:
- Đây là bằng chứng đậm nét cho xã hội chúng ta cay đắng chấp nhận một cuộc thua. Thời trẻ, chúng ta đi tàu, không có tấm lưới sắt che cửa sổ này, có thể nhô đầu ra khổi cửa sổ ngăm phong cảnh bên đường tàu chạy, cũng có thể nhoài người ra khỏi khỏi của sổ mua nắm sôi, chiếc bánh ở một ga xép, nhưng chuyện đó trở thành dĩ vãng rồi, vì nhiều năm nay, những tấm lưới sắt này ngăn hành khách lại để tránh nạn ném đá lên tàu. Theo thông tin từ ngành Đường sắt, có năm cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ ném đất, đá, bùn đất vào tàu hỏa, làm vỡ hơn 1.500 tấm kính, gây thương tích cho hàng trăm hành khách và cán bộ đang làm nhiệm vụ trên tàu, làm thất thoát của ngành đường sắt tiền tỷ mà không có cách nào chấm dứt. Chất vấn địa phương có tàu đi qua bị ném đá, chính quyền sở tại đổ lỗi do Nhà trường không giáo dục học sinh, Nhà trường lại đổ lỗi cho Đoàn thanh niên không giáo dục thanh thiếu niên, Đoàn thanh niên lại đổ lỗi cho các gia đình không chịu quan tâm giáo dục con em mình ... Lỗi thì cứ đổ cho nhau, đá thì cứ tiếp tục bay lên tàu. Trong hàng ngàn vụ ném đá lên tàu mỗi năm, số vụ tìm ra được thủ phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. nên ngành đường sắt đành phải làm một việc mà không có nước nào trên thế giới phải làm là lắp lưới sắt ở các cửa sổ của toa tàu để chống nạn ném đá,. Vậy những tấm lưới sắt này chẳng phải đã trở thành bằng chứng đáng xấu hổ cho sự thua cuộc của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống một tệ nạn xã hội sao?
Ngồi tần ngần hồi lâu, hắn lại bảo:
- Bây giờ thì lại ô tô khách cũng bị ném đá. Rất nhiều lần xe khách đã bị ném đá trên tuyến QL 14 đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ theo thống kê của một tỉnh là Gia Lai, từ đầu năm 2014 đến nay, có hơn 200 vụ xe khách khi đang lưu thông bị ném vỡ kính và làm bị thương hành khách. Tình trạng ném đá không chỉ thỉnh thoảng xẩy ra mà là liên tiếp. Sáng ngày 1/6 vừa qua, bốn chiếc xe khách của tỉnh Đắk Lắk lưu thông trên QL 14 thì bị một nhóm đối tượng ném đá làm vỡ kính của cả bốn chiếc xe này, 1 hành khách bị thương vì đá văng vào đầu. Chỉ sau đó 1 ngày, chiếc xe khách lưu thông trên QL14 từ tỉnh Gia Lai đi Đồng Nai, lại bị nhóm đối tượng ném đá vào xe, làm móp thùng xe. Ngay sau đó, một xe khách khác đi qua, tiếp tục bị chính nhóm đối tượng này dùng đá ném vỡ kính phía bên tài xế.
Tôi thắc mắc:
- Tại sao ngày xưa, dân trí thấp mà không hề xẩy ra tệ nạn ném đá, bây giờ lại phát triển tệ nạn này?
Bạn tôi bảo:
- Tôi cũng đặt câu hỏi đó và tự lý giải. Ngày xưa, theo bố mẹ tôi kể, chức phận của lý trưởng là quản lý nhà nước trên địa phận mình, nên nếu đoàn tàu chạy qua địa phận nào mà bị ném đá là lý trưởng của địa phận đó không làm tròn trách nhiệm, không chỉ phải bỏ tiền túi ra đền bù thiệt hại mà nghiêm trọng hoặc lặp lại thì còn bị cách chức. Còn lý trưởng phạt phó lý, trương tuần buông lỏng quản lý địa bàn, phạt dân không dạy bảo con cái là chuyện của lý trưởng, trách nhiệm được quy đinh rõ ràng, rành mạch cho một cá nhân, chỉ một cá nhân thôi, quan huyện chỉ túm một anh có tóc, không túm những anh trọc đầu. Còn bây giờ, lắm sãi không ai quét sân chùa, Chủ tịch xã, Công an xã, Trưởng thôn, Nhà trường, Đoàn thanh niên, gia đình ... đổ lỗi cho nhau, chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Mà cho dù có ai đó đứng ra chịu trách nhiệm thì cùng lắm cũng chỉ bị kiểm điểm, tự phê bình và xin rút kinh nghiệm sâu sắc mà thôi.
Nghe vậy, tôi đâm lo:
- Nếu thế thì sắp tới, các xe khách đến lại phải lắp lưới sắt ở các của sổ mất thôi để chống bị ném đá, và những tấm lưới săt này sẽ trở thành bằng chứng cho việc xã hội chấp nhận đầu hàng, chịu thua cuộc lần thứ hai trong cuộc đấu tranh với tệ nạn xã hội này. Hu hu...