Một cán bộ cấp trên về kiểm tra công tác thiếu nhi ở địa phương nọ.
Ông hỏi cán bộ phụ trách:
- Nghe nói ở xã ta, tháng trước có một bé bị đi lạc. Đã tìm thấy chưa?
- Dạ, do lu bu quá, vì đang ở giai đoạn cuối của “Tháng hành động vì trẻ em” nên thú thực là chưa có thời gian để đi tìm cháu bé ạ.
*
* *
Sếp hưu
Hai cô thư ký nói chuyện với nhau:
- Sếp tớ về hưu nhưng vẫn còn lưu luyến lắm. Có hôm tớ đến đưa giấy mời cụ họp hưu, cụ hỏi: “Thế không cần ký à?”.
- Sếp tớ mới hay cơ, hôm tớ đến thăm cụ, cụ bảo: “Đóng cửa ngay lại đi kẻo người ta nhìn thấy lại dị nghị!”.
*
* *
Trùng tu
Hai anh bạn hẹn nhau ở quán bia. Một anh trách:
- Sao tuần trước hẹn mà không đến?
- Tại lỗi dùng từ.
- Là thế nào?
- Vợ tớ trang điểm lâu quá, tớ nhắc, thế là nàng đùng đùng rút chìa khóa xe và cất biến.
- Cậu nhắc kiểu gì thế?
- Tớ bảo: “Em phục chế lâu thế?”
- Đáng đời. Còn cái vết xước dài ngoằng trên tay kia?
- Vẫn là lỗi đó.
- “Dính” rồi mà không rút kinh nghiệm.
- Rút rồi đấy chứ, tớ đã thay hẳn từ “phục chế” thành từ “trùng tu” rồi cơ mà.
*
* *
Tập dần từ bé
Một ông hàng xóm nói với bà mẹ trẻ:
- Thằng nhỏ nhà cô mới có 3 tuổi mà ngày nào cô cũng cho nó tập chạy thế? Định hướng con thành vận động viên điền kinh à?
- Dạ đâu có. Cháu đang chuẩn bị cho nó đi mẫu giáo đấy chứ ạ. Cháu nghe nói ở đó, trẻ 4, 5 tuổi đã phải chạy 150 trong vòng 5 phút nên cháu cứ tập dần cho nó quen ạ.
*
* *
Nhà an toàn
- Tôi thấy trong các dự án xây dựng nhà cửa công trình thì nhà chợ là an toàn nhất ông ạ.
- Ý ông là khi xây nó không “rút ruột công trình” nhiều chứ gì?
- Không. Tôi muốn nói là nhà chợ có ít người đến nhất nên cũng an toàn nhất mà.
*
* *
Giảm béo hiệu quả
Hai ông béo lâu ngày gặp nhau:
- Dạo này trông người ngợm cậu thon thả thế nhỉ? Có gì chia sẻ với bạn bè đi chứ.
- Chia ngay, tháng này tớ có 14 cái đám cưới, 3 cái tiệc mừng tân gia, 2 đám thôi nôi. Thích phần nào tớ chia cho phần ấy đấy.
*
* *
Lý sự cùn
Tòa hỏi một bị cáo phạm tội sản xuất phân bón giả:
- Tại sao anh lại sản xuất phân có hàm lượng đạm rất thấp so với thông số ghi trên bao bì, nhãn mác?
- Dạ, do dân mình hay lạm dụng phân bón, em sợ họ bón thừa đạm cho cây, làm ảnh hưởng không tốt đến năng suất cây trồng nên mới ghi như thế ạ.
*
* *
Hiểu biết nhờ nhậu
Trong phòng thi vấn đáp, cô giáo hỏi một thí sinh:
- Em hãy đọc những câu ca dao, tục ngữ nói về nghệ thuật ẩm thực của cha ông ta?
- Thưa cô, đó là: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Tứ trà, tam tửu”, “Tửu lạc vong bần” (rượu vui quên nghèo), “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”...
- Thôi thôi... Em dừng lại. Em học nó từ đâu?
- Dạ, thưa cô, em học từ bàn nhậu của bố em ạ.
*
* *
Đạo đức đang lên
Hai người bạn gặp nhau, một người than thở:
- Báo chí dạo này nói nhiều về chuyện đạo đức xuống cấp quá. Nào là cha mẹ, anh chị em trong một nhà mà tranh giành, đánh nhau, đưa nhau ra tòa vì chuyện đất đai thừa kế; nào là con cái bất hiếu, đánh chửi cha mẹ, đùn đẩy trách nhiệm nuôi nấng, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già.
- Sao cậu bi quan thế! Ở đâu, chuyện gì không biết, chứ ở cơ quan tớ ai cũng đòi nuôi cha mẹ...
- Thật không?
- Thì đấy, vừa rồi làm tờ khai đóng thuế thu nhập cá nhân, tớ thấy ai cũng ghi mình nuôi cha mẹ.
*
* *
Có vài dòng
Một người nói với đồng nghiệp:
- Bản tự phê bình ưu khuyết điểm định kỳ của tớ để nộp cho sếp, coi như đã viết xong.
- Khiếp cậu viết nhiều thế! Những trang này mới là phần nêu thành tích của bản thân. Phần tự nhận khuyết điểm, tồn tại, cậu chưa viết à?
- Có vài dòng, viết lúc nào mà chả được!