"Trước đây nhà nước đã sửa đường nhưng bà con đã cố ý phá cho đường hỏng để xe không vào trong thôn được" - Người đàn ông nói_Huyện trưởng giật mình kinh ngạc, hỏi: "Sao bà con lại làm như vậy? Chả nhẽ dân ở đây không muốn giàu lên à?"_..
Minh họa: Lê Tâm.
Huyện trưởng La vừa nhận chức đã quyết định đi thăm thôn Thiên Trúc với tư cách cá nhân. Thôn Thiên Trúc là thôn miền núi xa nhất trong huyện nhưng rất phong phú các sản phẩm nông nghiệp và nông thổ sản, mà gần đây nổi tiếng khắp nơi đặc biệt là ếch tuyết có mùi vị thơm ngon. Loại ếch này ở trên tỉnh có giá đến 800 đồng một kilôgam mà không phải lúc nào cũng có. Huyện trưởng nghĩ nên thúc đẩy phát triển được các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc ở đây để người dân địa phương trở nên giàu có.
Khi xe đến chân núi thì đường không thể đi được nữa, Huyện trưởng và lái xe đành phải đi bộ. Con đường duy nhất đi vào trong thôn loang loang lổ lổ, mấp ma mấp mô như bị bom phá. Huyện trưởng La chau mày suy nghĩ: Đường vào thôn như thế này thì bà con làm sao mà giàu lên được.
Đi được khoảng nửa tiếng thấy trên tường một hộ dân bên đường có một khẩu hiệu gây nên sự chú ý của Huyện trưởng: "Muốn dân giàu đừng sửa đường!".
Huyện trưởng La phát hiện nội dung câu khẩu hiệu này đã bị người ta thay đổi, nguyên là: "Muốn dân giàu phải sửa đường!", ai đó đã sửa chữ "phải" thành chữ "đừng". Nội dung nguyên bản của câu khẩu hiệu là rất tốt, vì sao người ta lại sửa đi? Huyện trưởng cảm thấy nhất định có điều gì đó khúc mắc.
Đi được chừng mươi phút nữa, trên tường một nhà khác ở ven đường lại cũng có một câu khẩu hiệu: "Muốn dân giàu đừng sửa đường!". Có một người vừa sửa câu khẩu hiệu này, người đó đã sửa chữ chữ "phải" thành chữ "đừng".
Người này một tay xách thùng nước vôi, một tay cầm bút. Huyện trưởng tò mò hỏi người đó: "Này anh, sao anh lại sửa câu khẩu hiệu này? Muốn dân giàu phải sửa đường - nội dung câu khẩu hiệu này rất hay mà?".
Người đàn ông nhìn Huyện trưởng bằng ánh mắt cảnh giác rồi hỏi: "Ông là ai, đến đây làm gì?".
Người lái xe định nói gì đó thì Huyện trưởng đưa mắt ngăn anh ta lại. Huyện trưởng cười nói: "Tôi là người buôn bán nông thổ sản, nghe nói các sản phẩm ở trong thôn rất nổi tiếng nên đến đây xem xem".
Người đàn ông nhìn Huyện trưởng, cảnh giác nói: "Ông đã đến đúng địa điểm rồi đấy, nông sản của chúng tôi quản lý rất chặt chẽ, đặc biệt là ếch tuyết, ăn một miếng nhớ cả đời".
Huyện trưởng gật gật đầu chỉ xuống đường nói: "Nhưng đường vào thôn tệ quá, xe không thể đi được".
"Trước đây nhà nước đã sửa đường nhưng bà con đã cố ý phá cho đường hỏng để xe không vào trong thôn được" - Người đàn ông nói.
Huyện trưởng giật mình kinh ngạc, hỏi: "Sao bà con lại làm như vậy? Chả nhẽ dân ở đây không muốn giàu lên à?".
Người đàn ông thở dài vẻ bất lực nói: "Chính vì bà con dân thôn muốn làm giàu nên mới phá đường".
Huyện trưởng càng không hiểu, hỏi: "Này anh, anh hãy nói đầu đuôi sự việc cho rõ ràng đi".
"Đều là cái họa của những sản phẩm nông thổ sản, đặc biệt là ếch tuyết. Sau khi đường được sửa sang đi lại thuận tiện thì cán bộ huyện, cán bộ xã dăm bữa nửa tháng lại đến thôn, đòi kiểm tra, đòi ăn đặc sản, đòi vòi tiền, vòi thứ này thứ nọ, dân thôn chịu không nổi nên rủ nhau đi phá đường".
Trên đường trở về, Huyện trưởng La nghĩ: Nhất định phải làm cho dân thôn Thiên Trúc tự nguyện đi sửa lại đường để đi lên làm giàu và đương nhiên những chính sách của huyện phải bảo vệ lợi ích của bà con nông dân và tạo điều kiện để những vùng nông thôn hẻo lánh được phát triển.